Một ca mổ thoát vị đĩa đệm.
Chú trọng chữa bệnh không dùng thuốc
Rất nhiều bệnh nhân thoát vị đĩa đệm phải điều trị bằng thuốc giảm đau. Đến khi bệnh nhân bị đau lưng nhiều, tê xuống chân, uống thuốc giảm đau không hết thì mới đi khám chữa, lúc này, phẫu thuật cũng chỉ hiệu quả 50/50. Do vậy, để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cần phải rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh, biết giữ gìn tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hàng ngày. Đối với trẻ nhỏ cần ngồi học đúng tư thế, tránh mang vác nặng; người trưởng thành cần tránh mọi chấn thương cho cột sống, chú ý tránh mang vác nặng, nhất là ở tư thế cúi khom lưng.
Đặc biệt, đối với nhân viên văn phòng phải ngồi lâu kéo dài cũng ảnh hưởng không tốt cho cột sống. Do vậy, khi ngồi khoảng 1 giờ cần đứng dậy đi lại từ 10-15 phút. Ngoài ra, cần thường xuyên tập các bài tập thể dục mạnh cơ lưng, cơ bụng để giữ vững cột sống. Khi bị đau lưng thường xuyên cần sớm đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tình trạng nặng, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém.
Kiên trì tập luyện
Nguyên nhân gây bệnh thoát vị đĩa đệm là do tư thế lao động, tư thế sinh hoạt xấu ảnh hưởng đến cột sống, như: ngồi không đúng tư thế, bê nặng, đổi tư thế đột ngột. Việc tập vật lý trị liệu và luyện tập giữ vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm, bởi lẽ việc dùng thuốc chỉ có tác dụng giảm đau, giãn cơ chứ không chữa dứt căn nguyên gây bệnh là do đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống. Việc dùng thuốc kéo dài sẽ gây tác dụng phụ cho gan, thận, dạ dày…
Khi bị thoát vị đĩa đệm cần tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên để nâng cao thể lực, như: đi xe đạp, bơi lội, hít xà đơn, tập yoga… nhằm tăng cường sự dẻo dai của cơ lưng và cơ bụng, đỡ dồn áp lực lên cột sống. Trong trường hợp phải ngồi lâu hay đi xa bằng mô tô, ô tô trên đường xóc cần đeo đai lưng đối với người bị thoát vị đốt sống lưng, đeo yếm cổ đối với người thoát vị đốt sống cổ để tránh làm tình trạng bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc đeo đai lưng liên tục trong thời gian dài để đề phòng cơ lưng bị teo.
Hiện nay, đối với bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm sẽ được kéo giãn cột sống bằng máy. Tùy theo trọng lượng người bệnh và tùy theo tình trạng cấp tính hay mãn tính mà bác sĩ cho kéo giãn ngắt quãng hay liên tục để kéo đĩa đệm trở về vị trí cũ. Người bệnh nên đến các trung tâm vật lý trị liệu sẽ xoa bóp, bấm huyệt, nắn chỉnh cột sống để đẩy đốt sống vào vị trí cũ. Ngoài ra, các phương pháp điều trị giảm đau, giảm co cứng cơ, bao gồm: châm cứu, chiếu laser, sóng ngắn, điện từ trường…
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tập những bài tập thể dục mạnh cơ lưng, cơ bụng để giữ vững cột sống. Rất nhiều bệnh nhân vào tập vật lý trị liệu và kiên trì luyện tập các cơn đau thuyên giảm và không còn tê chân, tê tay và vẫn tiếp tục lao động, làm việc bình thường. Tuy nhiên, quá trình chữa trị và tập luyện cần có thời gian và lòng kiên trì của người bệnh thì mới có hiệu quả.
BS Nguyễn Hà
(Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội)