Phòng khám Đa khoa Nam Việt bị tước giấy phép hoạt động

Phạt 200 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh 4 tháng là lần bị xử phạt mới nhất của Phòng khám Đa khoa Nam Việt (202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP HCM).

“5 lần 7 lượt” bị xử phạt

Theo công bố mới đây của Thanh tra Sở Y tế TP HCM, Phòng khám Đa khoa Nam Việt bị xử phạt vì các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu; Điều trị nội trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định pháp luật.

Với các sai phạm trên, phòng khám này bị xử phạt 200 triệu đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung - khắc phục hậu quả: Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh trong 4 tháng; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn 3 tháng.

Thanh tra Sở Y tế TP HCM còn xử phạt bác sĩ Phạm Anh Tuấn (chuyên khoa sản) của phòng khám này 70 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh 6 tháng. Bác sĩ Tuấn đã vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ này không hội chẩn khi bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của người hành nghề khám, chữa bệnh, sửa chữa hồ sơ bệnh án, nhằm sai lệch thông tin về khám, chữa bệnh.

Quyết định xử phạt mới nhất của Thanh tra Sở Y tế TP HCM - Ảnh chụp màn hình

Quyết định xử phạt mới nhất của Thanh tra Sở Y tế TP HCM - Ảnh chụp màn hình

Đây không phải lần đầu Phòng khám Đa khoa Nam Việt bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Trước đó, ngày 27/7, Thanh tra Sở Y tế TP HCM ra quyết định xử phạt Phòng khám Đa khoa Nam Việt 36 triệu đồng, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo vi phạm.

Phòng khám này bị xử phạt do lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh.

Ba bác sĩ làm việc tại phòng khám cũng bị phạt, gồm: Trương Quang Thái (bác sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh), Ngô Quang Huy (bác sĩ chuyên khoa Ngoại), Phạm Anh Tuấn (bác sĩ chuyên khoa Sản). Mỗi bác sĩ bị phạt 2 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh 2 tháng, vì đã lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật.

Lùm xùm tai biến sản khoa, sử dụng thuốc hết hạn

Ngày 17/7, Thanh tra Sở Y tế TP HCM tiếp nhận thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương, báo cáo trường hợp tai biến y khoa được cấp cứu tại bệnh viện này, có liên quan khám, chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa Nam Việt.

Kết quả kiểm tra, xác minh ghi nhận: Lúc 10h ngày 15/7, chị C.T.P.N. đến khám tại Phòng khám Đa khoa Nam Việt để nạo hút thai. Sau khi có kết quả siêu âm chẩn đoán thai khoảng 22 tuần, phụ nữ này được lưu lại tại phòng khám và đến 17h ngày 16/7 được thực hiện nạo hút thai.

Sau nạo hút thai, người này mệt, đau bụng, ra máu âm đạo nhiều, được nhân viên phòng khám đưa đến Bệnh viện Hùng Vương bằng taxi. Bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, sức khoẻ ổn định.

Không chỉ để xảy ra tai biến sản khoa, tháng 2/2023, Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử lý phản ánh của người dân về Phòng khám Đa khoa Nam Việt có dấu hiệu “vẽ bệnh, moi tiền" bệnh nhân.

Phòng khám Đa khoa Nam Việt

Phòng khám Đa khoa Nam Việt

Theo phản ánh, nữ bệnh nhân sinh năm 2001 mang thai hơn 6 tuần, đến Phòng khám Đa khoa Nam Việt để được tư vấn phá thai không đau, giá 17 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, phòng khám thu của bệnh nhân 24 triệu đồng, thêm 7 triệu đồng phí dịch vụ nhưng không nói rõ dịch vụ gì, không có hồ sơ bệnh nhân, không có biên lai thu tiền. Đoàn thanh tra xác định nội dung phản ánh là đúng sự thật.

Ngày 30/3, trong danh sách xử phạt vi phạm hành chính của bộ phận khám, chữa bệnh do Thanh tra Sở Y tế TP HCM công bố, có các bác sĩ của phòng khám này, là Nguyễn Tiến Hồng và Nguyễn Quốc Hùng. Hai bác sĩ bị phạt mỗi người 2 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong 2 tháng, vì lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục theo mẫu quy định. Phòng khám Đa khoa Nam Việt bị xử phạt 4 triệu đồng vì lập sổ khám, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ.

Lần khác, cuối tháng 8/2022, Phòng khám Đa khoa Nam Việt cũng bị phạt 90 triệu đồng vì sử dụng thuốc hết hạn; quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Đơn vị này còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung và khắc phục hậu quả: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong thời hạn 2 tháng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh thời hạn 3 tháng; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo thiếu nội dung chuyên môn được ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Phòng khám Đa khoa Nam Việt thuộc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Nam Việt (tên cũ là Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Y tế Nam Việt), thành lập ngày 17/9/2019. Người đại diện pháp luật là Huỳnh Đức Tinh.

Phòng khám Đa khoa Nam Việt được Sở Y tế TP HCM cấp giấy phép hoạt động số 08142/HCM-GPHĐ ngày 17/7/2020. Người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của phòng khám này là ông Lê Ngọc Bình (SN 1953), chứng chỉ hành nghề số 000809/HCM-CCHN.

Giấy phép hoạt động bị thu hồi khi nào?

Luật sư Mai Quốc Việt - Công ty Luật MMT & Partners (Đà Nẵng) - cho rằng, để quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì ngoài việc giám sát, kiểm tra các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan chức năng còn có các chế tài để xử lý vi phạm. Tuỳ từng hành vi, mức độ vi phạm của cơ sở, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp xử lý như đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép.

Việc thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh chỉ khi có Quyết định thu hồi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; đối với trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không đảm bảo điều kiện cấp phép hoạt động theo quy định của điều 43, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, cần phải có kết luận của Đoàn kiểm tra của cơ quan thẩm quyền, xác định cơ sở khám, chữa bệnh không đủ điều kiện (điều 5 Thông tư 35/2013/TT-BYT quy định về thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh).

Theo đó, cơ sở khám, chữa bệnh chỉ bị thu hồi giấy phép hoạt động khi thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 48, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, cụ thể: Giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm các điều kiện cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (theo khoản 1, điều 43, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009); Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không hoạt động; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạm dừng hoạt động trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc chấm dứt hoạt động.

Khi phát hiện một trong các trường hợp quy định nêu trên thì Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động. Đồng thời, khi ra Quyết định thu hồi thì cơ quan ra Quyết định thu hồi sẽ đăng tải thông tin trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đó.

“Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, quy định cụ thể, chi tiết hơn về các trường hợp bị thu hồi giấy phép hoạt động so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009. Theo đó, kể từ năm 2024, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi để xảy ra sự cố y khoa đến mức phải đình chỉ hoạt động, không tiến hành khắc phục đầy đủ các nội dung yêu cầu tại văn bản đình chỉ sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, luật sư Việt nhấn mạnh.

Theo Đời sống
back to top