Phì đại lành tính tuyến tiền liệt ở nam giới sau tuổi 50

(khoahocdoisong.vn) - Phì đại lành tính (tăng sinh lành tính) tuyến tiền liệt gặp ở hầu hết nam giới, đặc biệt là nam giới sau tuổi 50. Mặc dù “lành” nhưng bệnh lý này cũng có thể gây các biến chứng như bí tiểu cấp tính, viêm đường tiết niệu, tổn thương thận, bàng quang… 

Bệnh của tuổi U 50

Phì đại lành tính tuyến tiền liệt thường xuất hiện ở tuổi 40. Có tới một nửa số đàn ông ở độ tuổi 60 có u tuyến tiền liệt và tỉ lệ này tăng dần theo thời gian. Đến tuổi 70, có tới 70% đàn ông có u tuyến tiền liệt. 

Bệnh lý này hình thành do sự gia tăng số lượng của các tế bào mô đệm và biểu mô tuyến tiền liệt ở xung quanh niệu đạo. Quá trình gia tăng số lượng tế bào này do nhiều yếu tố tạo nên như nội tiết tố androgen (nội tiết tố nam), estrogen (nội tiết tố nữ), một số yếu tố tăng trưởng,…Ngoài ra, chính lối sống cũng ảnh hưởng đến sự phát triển nhanh của u tuyến tiền liệt như: Hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động, béo phì…

Phì đại lành tính tuyến tiền liệt thường biểu hiện bằng 2 nhóm triệu chứng chính là bế tắc đường tiểu dưới và kích thích bàng quang. Các triệu chứng thường gây khó chịu các quý ông là: Cảm giác đi tiểu không hết, phải đi tiểu lại dưới 2 giờ, tiểu bị ngắt quãng giữa dòng, không nhịn tiểu được khi mắc tiểu, tia nước tiểu yếu, phải rặn khi đi tiểu, tiểu đêm nhiều lần…

Nhiều biến chứng 

Phì đại lành tính tuyến tiền liệt đã biểu hiện triệu chứng mà không được điều trị và theo dõi sát có thể dẫn đến nhiều biến chứng trong đó có thể có biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng hay gặp là:

Bí tiểu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn: Bí tiểu có thể xảy ra sau một thời gian dài bị tình trạng rối loạn đi tiểu, nhưng cũng có khi khởi phát đột ngột sau một thời gian tiềm ẩn lâu dài. Người bệnh cảm thấy sự tắc nghẽn đường tiểu, khó có thể đi tiểu cho tới khi bí tiểu hoàn toàn. Khi gặp biến chứng này, bác sĩ thường phải tiến hành thông tiểu cho người bệnh bằng nhiều biện pháp khác nhau để người bệnh có thể đi tiểu và bài tiết bình thường. Ở giai đoạn biến chứng bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng tiểu không tự chủ, nước tiểu tràn thường xuyên.

 Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Bướu tuyến tiền liệt có các triệu chứng phát triển nặng hơn theo thời gian dẫn đến sự ứ đọng nước tiểu trong bàng quang, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra nhiều bệnh lý như: Viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn – mào tinh hoàn… Sự trào ngược nước tiểu lên thận có thể gây viêm thận, bể thận ngược dòng, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm đến tính mạng.

Tổn thương bàng quang: Do bướu tuyến tiền liệt phát triển lớn gây ảnh hưởng đến đường tiểu dưới không được điều trị khiến bàng quang phải chịu đựng tình trạng chứa đầy nước tiểu trong một thời gian dài dẫn đến việc suy yếu cơ bàng quang. Biến chứng này có thể sau khi điều trị sẽ không hồi phục hoặc hồi phục không hoàn toàn. Một hậu quả khác là tăng nguy cơ tạo sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang.

Tổn thương thận: Sự ứ đọng nước tiểu lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận, làm suy giảm chức năng thận và sẽ dần diễn tiến đến suy thận.

Đi tiểu có máu: Tình trạng này ít gặp hơn, thường ở đầu bãi, nhưng cũng có khi nhiều và có cả cục máu đông.

 Phì đại lành tính tuyến tiền liệt cũng ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý và suy giảm sức khỏe tình dục do gặp những triệu chứng đau buốt khi quan hệ hay tăng nguy cơ vô sinh. Ngoài ra bệnh còn làm tăng gánh nặng cho các bệnh lý toàn thân kèm theo tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, chấn thương,…

Phì đại lành tính tuyến tiền liệt nếu không được điều trị sẽ gây ra những biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống cũng như tâm lý. Vì vậy, ngay từ khi có các triệu chứng về rối loạn đi tiểu, nam giới không nên chần chừ đi thăm khám để có biện pháp điều trị kịp thời.

Tùy theo giai đoạn bệnh và các rối loạn kèm theo mà các bác sĩ sẽ tư vấn cho quý ông mắc bệnh lựa chọn cách điều trị tốt nhất cho mình. Các phương pháp điều trị có thể là: Theo dõi, điều trị bằng thuốc, phẫu thuật, làm tắc mạch nuôi bướu…

ThS.BS Châu Minh Duy (Bệnh viện Bình Dân TPHCM)

Theo Đời sống
back to top