Phí chồng phí, thuế chồng thuế

(khoahocdoisong.vn) - Một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người của người dân mới hơn 2.200 USD/người/năm lại phải gánh chịu nhiều loại thuế, phí thì khó phát triển.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người của người dân mới hơn 2.200 USD/người/năm lại phải gánh chịu nhiều loại thuế, phí thì khó phát triển. Không thể vì tăng thu cho ngân sách nhà nước mà quên mất đời sống của nhân dân.

Không phù hợp

Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính đang đề xuất các Bộ, ngành nghiên cứu thu phí bảo vệ môi trường với khí thải. Theo Bộ Tài chính, đề xuất này xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai và UBND TP Hà Nội đề nghị trình cấp có thẩm quyền quy định phí bảo vệ môi trường với khí thải. Cơ quan này cho biết, sự gia tăng ô nhiễm không khí của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống. Ông có đồng tình với đề xuất này?

Tôi không đồng tình với với đề xuất thu phí khí thải mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến. Từ trước tới nay, UBND Thành phố Hà Nội mới báo cáo về đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào. Còn lại, Hà Nội chưa có đề nghị cụ thể gì về phí khí thải như Bộ Tài chính thông tin và việc thu phí này cũng không phù hợp, dễ tạo ra dư luận xấu về phí chồng phí.

Việc thu phí khí thải theo Bộ Tài chính xuất phát từ việc cử tri Lào Cai chỉ kiến nghị thu phí đối với khí thải công nghiệp, điều này có lẽ cũng hợp lý?

Việc đề nghị xem xét quy định việc thu phí đối với khí thải công nghiệp; xem xét có cơ chế trích nguồn thu từ hoạt động trong khu công nghiệp để đầu tư hạ tầng về bảo vệ môi trường bảo vệ môi trường cho khu công nghiệp là hoàn toàn đúng, bởi, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính lấy ý kiến của cử tri Lào Cai ở một vấn đề khí thải công nghiệp mà đưa ra đề xuất lấy ý kiến sẽ bắt toàn dân phải chịu phí khí thải là không được.

Ý ông đây là hai vấn đề khác nhau?

Đúng thế, không thể gộp vào một. Và Bộ Tài chính cần giải thích rõ việc này nếu không sẽ gây hiểu lầm, bức xúc trong dư luận xã hội. Hơn nữa vấn đề này cũng chỉ là đề xuất của một địa phương. Nếu trong 63 tỉnh mà có cử tri 50 tỉnh kiến nghị thì mới xem xét, đưa lên thành chính sách, nhưng đây mới có 1 tỉnh, lại là miền núi đã tiến hành nghiên cứu.

Phí chồng phí, thuế chồng thuế

Ông vừa nói tình trạng phí chồng phí nếu thu phí khí thải, cụ thể là thế nào thưa ông?

Hiện nay, người dân đã phải đóng thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu, nếu lại thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải thì có phải là buồn cười, phí chồng phí hay không. Thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu từ 1/1/2019 sẽ tăng kịch trần (lên 4.000 đồng/lít xăng) vẫn đang bị nhiều người phản ứng mà lại thu tiếp phí khí thải thì không thể được. Một đất nước mà thu nhập bình quân đầu người của người dân mới hơn 2.200 USD/người/năm lại phải gánh chịu nhiều loại thuế, phí thì khó phát triển. Không thể vì tăng thu cho ngân sách nhà nước mà quên mất đời sống của nhân dân.

Ở góc độ là một người dân, tôi thấy rất bức xúc trước các thông tin báo động về tình trạng ô nhiễm không khí. Nay lại đóng phí khí thải mà ô nhiễm vẫn ô nhiễm thì tôi không đồng tình, ông có nghĩ vậy?

Đúng là dù thuế bảo vệ môi trường đã được thu thông qua xăng dầu, nhưng thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí... không giảm đi mà theo đánh giá có xu hướng tăng lên.Vì thế, người dân băn khoăn khi thuế bảo vệ môi trường đã tăng cao nay Bộ Tài chính lại chuẩn bị "nghiên cứu" thêm phí khí thải nữa thì rất bất hợp lý, gây bất bình cho dư luận.

Vấn đề phí bảo vệ môi trường tôi thấy cũng “có vấn đề” khi phí thì thu mà môi trường thì vẫn mặc kệ?

Đúng thế. Phí bảo vệ môi trường ở nhiều nước đã thực hiện nhưng ở Việt Nam lại có những vấn đề khác. Cụ thể, trong việc quản lý các loại khí thải chưa được quy định chi tiết, dễ dẫn đến phí chồng phí. Điển hình là việc chủ phương tiện giao thông đã phải đóng thuế bảo vệ môi trường khi mua xăng, nếu lại đóng thêm phí bảo vệ môi trường đối với khí thải sẽ không hợp lý.

Nếu phí khí thải được áp dụng, chắc hẳn giá xăng dầu sẽ tăng rất cao?

Đương nhiên thế. Cùng với các loại thuế, phí khác như thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp... chắc chắn giá xăng dầu sẽ bị đẩy lên. Việc rất nhiều loại thuế, phí sẽ tạo hệ quả kéo giá thành sản xuất tăng theo bởi đây là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế, dù tăng giá thế nào người dân, doanh nghiệp vẫn phải sử dụng.

Dịch vụ không tương xứng

Có lẽ, các loại thuế, phí sẽ là bình thường nếu người dân được nhận lại phúc lợi thỏa đáng, ông có nghĩ vậy?

Một đất nước, việc thu thuế là bình thường. Nhưng phải tạo ra nguồn để thu thuế chứ không nên chỉ dựa vào người dân. Ví dụ như cộng đồng doanh nghiệp phát triển tốt thì nhà nước mới có nguồn thu. Từ tiền thuế, Nhà nước phải phục vụ nhân dân qua những dịch vụ của các cơ quan hành chính. Thu thuế là thực hiện các dịch vụ nhân dân cần, qua các cơ quan của nhà nước. Nhưng các dịch vụ đó hiện nay ta làm chưa tốt.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng thu phí, lệ phí hiện nay?

Tình trạng lạm thu phí và lệ phí diễn ra khá phổ biến ở các địa phương. Gần đây câu chuyện này cũng được các phương tiện truyền thông đăng tải như một con gà cõng biết bao nhiêu phí, các doanh nghiệp kêu ca phí nhiều quá làm cho chi phí sản xuất kinh doanh cao.

Theo đánh giá của ông thì các khoản phí, lệ phí hiện nay đã hợp lý chưa?

Đóng phí, lệ phí, về bản chất, khi người dân được cung cấp dịch vụ thì phải trả cho nhà nước một khoản tiền, chứ không thể “ăn không”. Cả khu vực nhà nước và tư nhân, khi cung cấp một dịch vụ nào đó đều cần phải thu phí. Nhưng bản chất lệ phí dịch vụ hành chính công là thu phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Còn phí là các dịch vụ công khác như học phí, viện phí, phí bảo trì đường bộ.

Khi người dân đóng phí, đồng nghĩa họ phải được thụ hưởng một dịch vụ tương xứng?

Về lý thuyết đúng là như thế, nhưng như tôi  nói việc sử dụng nguồn thu từ phí như thế nào như phí bảo vệ môi trường trong xăng dầu, vẫn chưa thực sự minh bạch. Giờ lại thêm khoản thu phí khí thải thì sợ là không ổn đâu.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Từ ngày 1-1-2019, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) sẽ chính thức tăng kịch trần. Cụ thể, thuế BVMT với xăng tăng từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít, dầu diesel từ 1.500 lên 2.000 đồng/lít, dầu ma-dút, dầu nhờn từ 900 lên 2.000 đồng/lít; dầu hỏa từ 300 lên 1.000 đồng/lít. Tại 5 kỳ điều hành giá gần đây, các mặt hàng xăng dầu đều đồng loạt giảm giá. Liên bộ Công Thương - Tài chính đã ngừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời tăng cường số tiền trích lập quỹ để chuẩn bị cho công tác bình ổn giá trong giai đoạn trước, trong và sau Tết nguyên đán. Việc bảo đảm nguồn quỹ bình ổn giá xăng dầu để chi khi cần thiết sẽ hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, kiểm soát lạm phát.

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top