Phẫu thuật bảo tồn tử cung cho sản phụ mắc rau tiền đạo, rau cài răng lược

(khoahocdoisong.vn) - Phát hiện rau tiền đạo và rau cài răng lược từ tuần thai thứ 21, sản phụ qua 3 lần mổ đẻ đã được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội theo dõi điều trị và giúp sản phụ sinh con an toàn.

Chị Nguyễn V.K. (41 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội) khi khám thai 21 tuần tuổi được phát hiện mắc rau tiền đạo. Chị rất lo lắng và quyết định đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để theo dõi thai kỳ.

Tiền sử chị mang thai lần 4, đã qua 3 lần mổ đẻ. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ thai nhi cho thấy: Rau bám mặt sau lan qua lỗ cơ tử cung, tương ứng vị trí tổn thương tại vùng bánh rau ngang qua lỗ trong cổ tử cung và mặt trên thành bàng quang có ảnh tăng kích thước và phồng ra của bánh rau, thành bàng quang tiếp xúc với vị trí tương ứng diện tổn thương, có các cấu trúc mạch máu xuyên qua... Các bác sĩ kết luận mang thai bị rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược xâm lấn thành bàng quang.

rau-tien-dao-va-rau-cai-rang-luoc.jpg
Ca phẫu thuật mổ đẻ chủ động tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Theo BSCKII Nguyễn Xuân Hải, Phó trưởng khoa D5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, rau tiền đạo là hiện tượng rau bám ở đoạn dưới tử cung, gây chảy máu dẫn đến mẹ bị thiếu máu và thai nhi dễ suy dinh dưỡng, suy thai, có thể đe dọa đến tính mạng cả mẹ và bé. Mạch máu tiền đạo là hiện tượng các mạch máu cuống rốn của thai nhi chạy ngang qua hoặc nằm gần với lỗ mở của cổ tử cung, rất dễ bị vỡ khiến thai nhi mất một lượng máu lớn. Nếu nghiêm trọng, bé có thể tử vong, mẹ cũng gặp nguy hiểm tới tính mạng.

Rau cài răng lược xảy ra khi các gai rau bám đến lớp cơ tử cung, hoặc đâm xuyên qua thành tử cung. Bình thường sau khi sinh, bánh rau sẽ tự tách rời khỏi thành tử cung và được đưa ra ngoài nhưng khi bị rau cài răng lược, bánh rau không thể bong khỏi tử cung và là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông máu... Nguy cơ tổn thương hệ tiết niệu rất cao. Rau cài răng lược nếu không được xử trí kịp thời có thể bong rau, gây chảy máu ồ ạt trong tử cung.

Trong quá trình dưỡng thai tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị K. được theo dõi sát sao. Tới tuần 36 của thai kỳ, các bác sĩ đã quyết định mổ chủ động đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Bé trai nặng 2.300g chào đời khỏe mạnh đồng thời chị V.K. cũng được ê kíp BSCKII Nguyễn Xuân Hải bảo tồn tử cung. Hiện sức khỏe của mẹ và bé ổn định, theo dõi sau mổ tại Khoa D5 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Từ trường hợp của chị  V.K., các bác sĩ khuyến cáo: Trong thai kỳ, các sản phụ nên lựa chọn cơ sở sản khoa uy tín để thăm khám, phát hiện sớm bất thường và được theo dõi, điều trị kịp thời.

Theo Thúy Nga
Hạ canxi máu... dễ gây co giật, suy tim

Hạ canxi máu... dễ gây co giật, suy tim

Một số trường hợp, hạ canxi máu mức độ nhẹ thường không có triệu chứng rõ ràng. Nếu không điều trị, tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng như co giật, rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết...
back to top