Cứu mẹ con sản phụ vỡ tử cung do rau cài răng lược

(khoahocdoisong.vn) - Bị vỡ tử cung do rau cài răng lược đâm xuyên, mẹ con sản phụ đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cứu sống ngoạn mục.

Sản phụ bị vỡ tử cung do rau cài răng lược được cứu sống.

Gai rau đâm xuyên cơ tử cung

Sản phụ Lương Thị Đ. (40 tuổi ở Lâm Bình) mang thai 34 tuần, nhập viện cấp cứu  ngày 4/7 khi có dấu hiệu đau bụng dữ dội, không thể nằm ngửa, da xanh, có phản ứng thành bụng, có tiền sử mổ đẻ… Kết quả chẩn đoán, sản phụ bị vỡ tử cung, rau tiền đạo trung tâm – theo dõi rau cài răng lược, có chỉ định mổ cấp cứu ngay. Kíp mổ gồm Khoa Phụ Sản và khoa Ngoại Tổng hợp và khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức đã cùng phối hợp nhanh chóng thực hiện ca phẫu thuật, cứu được 1 bé trai nặng 2.1kg.

BSCKI Vương Ngọc Chắt, Khoa Ngoại Tổng hợp (trưởng kíp mổ) cho biết: Đây là ca mổ khó vì mặt trước đoạn dưới tử cung có nhiều mạch máu tăng sinh, góc phải đoạn dưới tử cung gai rau đâm xuyên thủng cơ gây chảy máu, phúc mạc thành bụng tăng sinh nhiều mạch máu. Kíp mổ đã hút ra khoảng 1.500ml máu đỏ lẫn máu cục trong ổ bụng sản phụ, cắt tử cung bán phần, khâu cầm máu, cắt một phần bàng quang có rau thai bám vào và khâu phục hồi bàng quang. 

BSCKI Phạm Thị Lan Hương, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, phẫu thuật lấy thai cứu bé thì nhanh giống mổ lấy thai thông thường. Nhưng xử lý rau tiền đạo cứu tính mạng người mẹ thì vô cùng phức tạp. Sau 4 giờ căng thẳng, kíp phẫu thuật mới xử lý xong những phần rau bám trong ổ bụng người mẹ.

Hiện tại, sau mổ 1 tuần, sức khỏe sản phụ đã ổn định, vết mổ khô, đã nói chuyện và đi lại được. Em bé đã được ra khỏi phòng hồi sức, không còn phải thở máy.

Gây nhiều hậu quả nặng nề

BSCKI Phạm Thị Lan Hương chia sẻ, tình trạng rau cài răng lược trong trường hợp sản phụ Đ. là rất nguy hiểm vì là trước đó sản phụ đã mổ đẻ 1 lần. Nếu không được cấp cứu kịp thời, thì nguy cơ tử vong cho cả mẹ và bé rất cao.

Bình thường khi thai làm tổ trong lớp niêm mạc tử cung (lớp màng rụng) sẽ hình thành bánh rau để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Sau khi sinh bánh rau sẽ bong ra một cách dễ dàng. Rau cài răng lược là tình trạng bánh rau bám quá sâu vào tử cung, có thể bám rất chắc, thậm chí có thể xuyên thủng cả lớp cơ tử cung, lớp thanh mạc tử cung để xâm lấn vào cơ quan lân cận như bàng quang, ruột, trực tràng...

Rau cài răng lược tăng sinh các mạch máu rất lớn. Rau thai không tróc được một cách tự nhiên hay chỉ tróc một phần khi sinh gây chảy máu ồ ạt và không cầm được nên rất nhiều nguy cơ (chảy máu nhiều ngay sau sổ thai hay sau khi cố gắng bóc rau bằng tay). Băng huyết sau sinh có thể gây sốc mất máu đe doạ đến tính mạng của sản phụ; Sót rau gây nhiễm trùng sau sinh; Sinh non do chảy máu nhiều...

Để cứu bệnh nhân, ngoài việc truyền máu, tùy theo mức độ rau xâm lấn mà cắt tử cung bán phần hoặc toàn phần; Nếu nhau cài đến bàng quang hay trực tràng... thì đôi khi phải cắt bỏ một phần bàng quang hay trực tràng thì mới cầm máu được. Đặc biệt, nó còn gây hậu quả nặng nề như rò bàng quang, âm đạo, trực tràng…Với những trường hợp này, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa sản, ngoại, huyết học truyền máu, gây mê, hồi sức thì không thể cứu được.

BSCKI Hương khuyến cáo, rau cài răng lược thường xuất hiện vào quý 3 của thai kỳ ở các sản phụ có rau tiền đạo, có tiền sử vết mổ cũ ở tử cung (mổ đẻ, mổ bóc nhân xơ…), mang thai trên 35 tuổi, nạo hút thai nhiều lần. Vì vậy, đối với phụ nữ mang thai cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa Sản để khám thai định kỳ và tuần thủ đúng theo tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ, khi phát hiện thai có rau tiền đạo cần được siêu âm Doppler màu (hoặc Chụp cộng hưởng từ) để phát hiện rau cài răng lược.

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top