Rau đâm xuyên hết tử cung vào vết mổ cũ
Sản phụ may mắn này là chị T.T.H. (33 tuổi, Thanh Thủy, Phú Thọ). Phát hiện bệnh lý rau tiền đạo trung tâm cài răng lược từ khi thai nhi được 28 tuần tuổi thai, sản phụ H. thường xuyên thăm khám, theo dõi thai kỳ. Khi thai nhi được 33 tuần tuổi, chị H. nhập viện.
Khi thai nhi được 37 tuần tuổi, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật đón thai nhi cho sản phụ. Khi tiến hành mở ổ bụng, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp rau tiền đạo trung tâm cài răng lược đặc biệt nặng, toàn bộ bánh rau đâm xuyên hết lớp cơ tử cung vào vết mổ cũ và một phần xâm lấn ra đến bàng quang. Các bác sĩ đã thực hiện bóc tách, gỡ dính và cắt tử cung bán phần. Với sự nỗ lực của cả ê kíp, ca phẫu thuật trong khoảng 2 giờ thành công tốt đẹp, bé gái chào đời khỏe mạnh, nặng 2.5kg.
ThS.BS Hoàng Thị Chung, Trưởng khoa Sản Bệnh lý, Trung tâm Sản Nhi cho biết, đây là trường hợp được theo dõi hết sức sát sao, bởi biến chứng của bệnh lý rau tiền đạo trung tâm cài răng lược là vô cùng nghiêm trọng, thai phụ có thể chảy máu bất kỳ lúc nào, có thể gây tử vong mẹ do mất máu quá nhiều. Đối với thai nhi, tình trạng chảy máu kéo dài ở mẹ cũng có thể gây suy thai hoặc mất tim thai.
Bé gái ra đời khỏe mạnh. |
Mổ đẻ, nạo thai nguy cơ rau cài răng lược cao
Theo ThS.BS Hoàng Thị Chung, rau tiền đạo trung tâm cài răng lược là bệnh lý sản khoa gây ra khi các bánh rau xuyên qua lớp cơ tử cung, thậm chí đâm xuyên thành bàng quang, đâm xuyên trực tràng hoặc các tạng trong ổ bụng. Trước đây rau cài răng lược là một bệnh hiếm gặp. Tuy nhiên, gần đây bệnh này đã tăng lên nhiều do chỉ định mổ lấy thai rộng rãi hơn và có những trường hợp mổ theo yêu cầu. Nếu từng sinh mổ, bị rau thai tiền đạo, khả năng bị rau cài răng lược sẽ lên tới 25%. Nếu sinh mổ trên 2 lần, hiện bị rau thai tiền đạo, thì tỷ lệ trên tăng lên 40%.
Một số yếu tố khác cũng gây tăng khả năng bị rau cài răng lược như từng nạo hút thai, mang bầu ở độ tuổi ngoài 35, thói quen hút thuốc, u xơ tử cung, hội chứng asherman gây sẹo ở tử cung...
Những trường hợp rau cài răng lược, sau khi sinh rau sẽ không bong và chảy máu không cầm được nên rất nhiều nguy cơ: Băng huyết sau sinh đe dọa đến tính mạng của sản phụ; Sót nhau gây nhiễm trùng sau sinh; Sinh non do chảy máu nhiều. Để cứu bệnh nhân, đa phần các trường hợp rau tiền đạo cài răng lược đều phải thực hiện cắt tử cung (bán phần hoặc toàn phần).
Nếu rau cài đến bàng quang hay trực tràng thì đôi khi phải cắt bỏ một phần bàng quang hay trực tràng. Đặc biệt, còn gây hậu quả nặng nề như rò bàng quang, âm đạo, trực tràng…
ThS.BS Hoàng Thị Chung cảnh báo, phụ nữ khi mang thai nên thực hiện siêu âm đầy đủ và khám thai định kỳ. Đối với các trường hợp đã phát hiện bệnh lý rau tiền đạo trung tâm cài răng lược nên nhập viện theo dõi vào những tháng cuối của thai kỳ để được chăm sóc, theo dõi và kịp thời phẫu thuật, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.