Phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo động đất

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều trận động đất liên tiếp xảy ra thời gian qua tại khu vực Tây Bắc khiến người dân nhiều địa phương lo lắng. Theo các chuyên gia, không dự báo được trước động đất nhưng vẫn có cách để ứng phó với thảm họa này

Phân vùng rủi ro để phòng tránh

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, thống kê trong 10 năm qua, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận đến 356 trận động đất xảy ra trên lãnh thổ và thềm lục địa của Việt Nam hoặc có ảnh hưởng tới Việt Nam, với độ lớn dao động trong khoảng 2,5 - 6,1 độ richter. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã xảy ra 19 trận động đất và dư chấn, chủ yếu được ghi nhận tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. So với các loại hình thiên tai khác như lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn… thiệt hại do động đất nhìn chung nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu xem nhẹ hiểm họa động đất. Khu vực các tỉnh Tây Bắc như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu hoàn toàn có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8 – 9 trong tương lai.

Để chủ động phòng chống, giảm nhẹ hậu quả động đất, hiện nay, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn duy trì 40 đài, trạm địa chấn, theo dõi liên tục khả năng ảnh hưởng của 2 loại hình thiên tai đối với Việt Nam. Tuy nhiên về lâu dài, TS Nguyễn Xuân Anh cho rằng, cần sớm triển khai dự án phân vùng rủi ro thiên tai đối với động đất, sóng thần theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 7/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai.

Thực tế thời gian qua, các bộ ngành đã vào cuộc rốt ráo triển khai quyết định trên, tuy nhiên, việc phân vùng mới tập trung cho các loại hình thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Việc sớm hoàn thành phân vùng rủi ro và lập bản đồ cảnh báo động đất sẽ là cơ sở quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, từ đó giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra của loại hình thiên tai này.

Động đất ảnh hưởng thế nào đến hồ đập?

Trước diễn biến phức tạp của động đất tại tỉnh Sơn La, ngày 29/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan bàn giải pháp bảo đảm an toàn hồ chứa. Kết quả rà soát của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình có khoảng 560 hồ chứa. Tình hình chứa nước về cơ bản vẫn đang ở mức thấp. Để đảm bảo an toàn hồ đập, thời gian tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thuê các chuyên gia chuyên ngành để có đánh giá kỹ hơn, nhằm có giải pháp chủ động phòng chống nguy cơ động đất trong tương lai.

Về dự báo, cảnh báo động đất, ông Xuân Anh cho biết, hiện chỉ cảnh báo động đất có thể xảy ra ở một vùng nào đó như ở Tây Bắc, chứ khó dự báo thời gian xảy ra động đất. Ngay như ở Nhật Bản, có những trận động đất xảy ra gây thiệt hại rất lớn, những thời gian xảy ra động đất gần như không thể dự báo được. Với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, chỉ dự báo được qua sóng động đất chỉ vài giây đến vài chục giây. Với thời gian đó, Nhật Bản chỉ dùng đủ để dừng hoạt động của tàu điện ngầm, cảnh báo khẩn cấp đến người dân…

Theo Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, động đất là hình thái thiên tai phức tạp, có nhiều tính chất phi tuyến nên cần tiếp tục theo dõi và xử lý khi có việc bất thường. Về an toàn các hồ chứa, các hồ đập lớn đã đánh giá trước và sau khi tích nước. Hệ thống hồ đập nhỏ, cũng cần phải rà soát, đánh giá, nhất là trong bối cảnh biến đổi phức tạp như hiện nay. Với các hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, hiện Viện Vật lý địa cầu đang có khoảng 30 trạm quan trắc ở các địa phương. Đây là những nguồn số liệu để EVN vận hành đảm bảo an toàn hồ thủy điện.

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết: Các hồ chứa Nhà nước đầu tư trong những năm qua như hồ Hòa Bình, hồ Sơn La được thiết kế chống chịu động đất ở mức cao hơn rất nhiều so với các trận động đất đã từng xảy ra tại Việt Nam. Do đó, chúng ta hoàn toàn yên tâm về độ an toàn của các công trình này.

Theo Đời sống
back to top