Phải sống sao cho có ý nghĩa

Phải sống sao cho có ý nghĩa, đ

Ông Nguyễn Văn Gia.

Làm công tác xã hội phải nhiệt tình

Năm 2018, ông Nguyễn Văn Gia được tặng danh hiệu Người tốt việc tốt của quận Hoàn Kiếm vì tích cực tham gia các phong trào của địa phương, có nhiều đóng góp trong việc vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường và xây dựng nếp sống văn hóa. Đây là lần thứ 4 ông được nhận danh hiệu này.

Suốt cuộc đời, làm nhiều công việc khác nhau, nhưng tính ông không làm thì thôi, đã nhận thì luôn cố gắng làm hết trách nhiệm. Năm 1945, ông đã làm liên lạc cho du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi, quê ông). Đến năm 1948 thì thoát ly, công tác trong ngành quân giới. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, chuyển về Tổng cục đường sắt.

Đến khi về hưu cũng vậy, tham gia ban an ninh trật tự và từ năm 2002 làm công tác Mặt trận tổ quốc, ông luôn nhiệt tình trong mọi việc. Thế nên, dù đã nghỉ công tác từ năm 2016 vì tuổi cao, nhưng đến nay, trong khu phố có xảy ra việc gì,  người ta lại chạy tới gọi ông. Bản thân ông cũng vậy, nếu biết ngoài phố có xảy ra xô xát gì là ông ra hòa giải.

Làm công tác xã hội là tự nguyện nên cần nhất phải nhiệt tình, phải có ý thức trách nhiệm với cuộc sống, với xã hội, với bà con xung quanh. Chứ không có ai bắt mình phải làm cả. Nhưng việc gì mà mình làm với nhiệt tình và trách nhiệm thì nó sẽ khác hẳn.

Như công tác vận động nhân dân chẳng hạn, nếu chỉ nghĩ giao vận động thì tôi đi vận động, thực hiện đến đâu là ý thức của người ta… thì không thể làm tốt được. Còn nếu muốn vận động bà con có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường thực sự, thì không chỉ một lần phát động là xong, mà phải nhắc nhở, phải làm hàng ngày.

Phố nhà ông, có đoạn đường tàu chạy qua, trước đây vệ sinh ở khu vực này rất bẩn, đủ thứ thượng vàng hạ cám treo hết cả lên, nhìn rất bê tha. Mặt trận và chi bộ phải vận động mỗi nhà thu gọn lại một ít. Đến vận động thì cũng phải thông cảm vì nhà chỉ có một mặt như thế, họ không phơi ra đấy thì phơi ở đâu.

Thế nên phải tuyên truyền, hướng dẫn họ phơi thế nào cho tiện cho đẹp, cái gì phơi vào bên trong, cái nào phơi bên ngoài. Vừa tiện cho nhà mình vừa đẹp đường phố. Cũng phải mất mười mấy năm, khu đường tàu mới được sạch sẽ, trở thành đoạn đường du lịch như ngày hôm nay.

Vận động dân là một nghệ thuật

Theo ông Gia, làm việc mà có tinh thần trách nhiệm thì mình thường phải chịu vất vả, làm nhiều, thậm chí phải chấp nhận mình chịu thiệt một tí cũng được. Quan trọng là được việc lớn. Chứ lúc nào cũng chăm chăm đến chuyện thiệt hơn thì rất khó làm, nhất là khó vận động người khác. Bởi vì làm công tác vận động nhân dân, quan trọng nhất là phải có quan hệ tốt, phải được tin tưởng thì nói người ta mới nghe, mới tham gia.

Hơn nữa, nếu lúc nào đến cũng chỉ thấy thu hết quỹ này đến quỹ khác mà họ không hiểu được quyền lợi của mình trong đó là gì thì rất khó. Thế nên, nói với dân phải làm sao để người ta hiểu được ý nghĩa của việc mình làm là vì lợi ích chung, có thế thì người ta mới thông cảm và cùng làm với mình. Phải nói khéo chứ không mệnh lệnh được.

Dân ở đây, nhiều người bận bán hàng nên vận động họ đi họp là rất khó. Ví dụ như vận động đi nghe nói chuyện về phòng ngừa tệ nạn ma túy, mình phải nói thế nào để họ hiểu, ma túy có thể ảnh hưởng ngay đến con cháu trong nhà họ. Phải biết làm gì để ngăn ngừa… Vận động dân là cả một nghệ thuật, cách đặt vấn đề phải khéo léo để người ta thấy việc đó liên quan đến bản thân họ.

Ông Gia chia sẻ, không phải cứ sống lâu là lên lão làng. Mà phải sống như thế nào cho có ý nghĩa. Ngoài 80 rồi, làm được gì đóng góp cho xã hội, cụ thể là cho ngõ phố nơi mình sống đây tốt đẹp lên thì làm.

Minh Châu

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top