Mổ kịp thời cứu được thai nhi suy hô hấp
Đang mang thai ở tuần 32, sản phụ Nguyễn Thị Lê (34 tuổi, ở Nghệ An) xuất hiện tình trạng đái máu nhiều. Được biết, đây là lần mang thai thứ 3. Hai lần mang thai trước đều khỏe mạnh bình thường và mẹ tròn con vuông.
Trong thai kỳ lần này, chị hay bị đau bụng và đến tuần thứ 32 xuất hiện đi tiểu buốt và có cục máu đông, sau đó chị liên tục đi tiểu ra máu tươi. Gia đình đưa chị đến bệnh viện tỉnh thăm khám nhưng không tìm ra được nguyên nhân và chị được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai ngày 8/10.
BS Hoàng Anh Tuấn, Khoa Thận Tiết niệu, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thắt lưng phải và vùng hạ vị kèm theo đái máu nhiều, nước tiểu đỏ sẫm. Hình ảnh siêu âm cho thấy đài bể thận phải giãn kèm theo nhiều máu cục trong đài bể thận phải và bàng quang.
Nhận định tình trạng cấp cứu đối với cả sản phụ và thai nhi, hai cuộc hội chẩn toàn khoa và sau đó là cấp bệnh viện đã nhanh chóng đi đến quyết định mổ cấp cứu để lấy thai, sau đó chụp mạch thận để tìm nguyên nhân.
Ngày 10/10 bệnh nhân được bác sĩ sản khoa mổ lấy thai với sự tham gia phối hợp của nhiều chuyên khoa liên quan: nhi, huyết học truyền máu, gây mê hồi sức... sẵn sàng ứng cứu và xử lý các tình huống có thể xảy ra đối với sản phụ và thai nhi. Sau 30 phút, kíp mổ đã lấy ra bé trai nặng 1800g trong tình trạng suy hô hấp, trẻ không tự khóc được.
Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tim phổi sơ sinh ngay tại phòng mổ, sau 3 phút toàn trạng của cháu đã tốt hơn, nhịp tim trên 100 lần/phút, bệnh nhi được chuyển về phòng sơ sinh khoa Nhi để tiếp tục hồi sức trong lồng ấp: thở máy, truyền dịch, theo dõi 24/24. Sau 15 ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhi đã ổn định và được ra khỏi lồng ấp, trẻ tự bú được 20-30ml sữa/ bữa và tăng cân dần.
Em bé được cứu sống nuôi trong lồng ấp |
Can thiệp nội mạch cứu sống sản phụ
Một ngày sau sinh, sản phụ được chụp mạch thận và phát hiện có vỡ dị dạng động mạch cực dưới thận phải - đó là nguyên nhân gây ra tình trạng đái máu. Sản phụ đã được thực hiện kỹ thuật nút mạch thận tại Trung tâm Điện quang - BV Bạch Mai. Tình trạng đái máu của bệnh nhân giảm dần, ngày thứ 5 sau can thiệp, nước tiểu đã chuyển màu vàng, không sốt, tự ăn uống, các chỉ số xét nghiệm máu và nước tiểu dần cải thiện. Ngày 22/10, chị Lê đã được ra viện và ngày 15/11 chị đến khám lại và cùng chồng đón con trai xuất viện về nhà sau hơn 1 tháng điều trị, chăm sóc tại Khoa Nhi.
Đánh giá về ca bệnh này, PGS.TS. Đặng Thị Việt Hà - Phó Trưởng khoa Thận Tiết niệu, BV Bạch Mai nhấn mạnh: Trong những trường hợp như thế này, việc tiên lượng, đánh giá đúng tình trạng bệnh nhân, khẩn trương đưa ra phương án xứ trí kịp thời, hợp lý, chính xác là điều kiện tiên quyết để cứu cả mẹ và con.
Dị dạng động tĩnh mạch là bệnh bẩm sinh, thường gặp ở da, não nhưng hiếm gặp ở thận. Dị dạng này khó nhìn thấy trên siêu âm bụng nên thường được chẩn đoán muộn. Trước đây, để điều trị tình trạng này, bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ thận để loại bỏ hoàn toàn búi mạch dị dạng.
Hiện nay, dị dạng động tĩnh mạch đã được điều trị bằng thủ thuật can thiệp nội mạch, người bệnh có cơ hội bảo tồn được thận, thời gian hồi phục nhanh. Dị dạng mạch thận trên phụ nữ có thai sẽ khó khăn hơn nhiều khi điều trị do ảnh hưởng đến sinh mệnh của cả mẹ và con.
Mai Thanh (Bệnh viện Bạch Mai)