Mưa sao băng
Ngay những ngày đầu năm 2020, người yêu thiên văn có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Quadratids - trận mưa sao băng trên mức trung bình với tần suất ở thời điểm cực đại khoảng 40 vệt sao băng mỗi giờ. Mưa sao băng Quadrantids thường xuất hiện từ ngày 1-5/1 hằng năm, đạt cực đại vào đêm ngày 3, rạng sáng ngày 4/1. Ngoài mưa sao băng Quadratids, hai trận mưa sao băng đáng được mong đợi nhất là mưa sao băng Perseids và Geminids.
Mưa sao băng Perseids diễn ra trong khoảng ngày 17/7 đến 24/8, đạt cực đại đêm 12 rạng sáng ngày 13/8 với tần suất có thể đạt 60-80 vệt sao băng một giờ. Trận mưa sao băng này nổi tiếng với những dải băng sáng và đẹp. Mưa sao băng Perseid không chỉ có số lượng lớn các sao băng mà chúng còn tuyệt đẹp. Hầu hết các sao băng khi vụt qua đều để lại một dải sáng trên bầu trời. Chúng vô cùng rực rỡ và sáng lấp lánh. Mưa sao băng Geminids được coi là mưa sao băng đẹp nhất trên bầu trời với tần suất cực đại có thể tới 120 vệt sao băng mỗi giờ. Geminids xuất hiện hàng năm từ ngày 7-17/12, đạt cực đại vào đêm ngày 13 và rạng sáng ngày 14/12. Vì mưa sao băng đạt đỉnh vào một đêm không trăng nên những người yêu quan sát bầu trời sẽ có cơ hội hiếm có để chứng kiến trọn vẹn sự kiện này.
Sao Mộc tiến sát vào Sao Thổ
Bầu trời mùa hè năm 2020 sẽ có "điểm nhấn" là sao Mộc và sao Thổ - hai hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời chiếu sáng cạnh nhau. Giữa tháng 7 là khoảng thời gian tốt nhất để quan sát 2 hành tinh này có thể hoặc không cần dùng tới kính thiên văn bởi vị trí trong quỹ đạo của chúng gần Trái Đất nhất, khiến cho sao Thổ và sao Mộc sáng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm.
Tuy nhiên đỉnh cao của sự hội tụ này diễn ra vào 21/12, khi đó hai hành tinh chỉ cách nhau 7 phút cung trên bầu trời. Quan sát từ mặt đất sẽ thấy hai ngôi sao sáng chói gần nhau. Người yêu thiên văn có thể hướng về phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn để quan sát lần giao hội hành tinh ấn tượng và hiếm có này. Đây là lần giao hội hiếm hoi giữa hai hành tinh khi lần gần nhất cách đây 20 năm, vào năm 2000.
Trăng xanh vào đúng Halloween
Hiện tượng trăng xanh sẽ diễn ra vào đêm Halloween của năm 2020. Đây là một hiện tượng rất hiếm khi xảy ra. Sau trăng xanh ngày 31/10/2020, chúng ta phải chờ tới năm 2039 để hiện tượng trăng xanh rơi vào đúng dịp Halloween.
Trong năm 2020, người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng 4 lần siêu trăng khi Mặt Trăng sáng hơn và to hơn bình thường tối đa 30%. Lần siêu trăng đầu tiên diễn ra vào 9/2. Lần siêu trăng này được các bộ tộc bản địa châu Mỹ gọi là Trăng Tuyết vì nó xảy ra vào thời điểm tuyết rơi dày nhất trong năm. Nó cũng được gọi là Trăng Đói vì xảy ra vào thời điểm khắc nghiệt nhất năm khiến săn bắt trở nên khó khăn. Lần siêu trăng thứ hai diễn ra vào 10/3. Lần siêu trăng này được các bộ tộc châu Mỹ gọi là Trăng Giun vì trùng với thời điểm mặt đất trở lên tơi xốp với hoạt động trở lại của loài giun. Lần siêu trăng thứ ba diễn ra vào ngày 8/4 và lần siêu trăng cuối cùng của 2020 xuất hiện vào ngày 7/5, còn được gọi là Trăng Hoa vì đây là thời điểm hoa nở nhiều nhất trong năm.
Nhật thực và nguyệt thực
Sự kiện thiên văn rất đáng xem này sẽ xảy ra vào ngày 21/6. Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt Trăng ở quá xa Trái Đất nên không thể che hết hoàn toàn Mặt Trời, khi quan sát từ Trái Đất. Mặt Trăng giống như một chiếc đĩa nhỏ nằm trong chiếc đĩa lớn là Mặt Trời, bao quanh bởi một vòng nhật hoa. Nhật thực hình khuyên lần này sẽ đi qua Trung Phi, Ả Rập Xê út, Bắc Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc và kết thúc ở Thái Bình Dương. Pha một phần có thể quan sát được ở phía đông châu Phi, Trung Đông và phía Nam châu Á, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, nhật thực một phần sẽ đạt cực đại vào khoảng 14h55-15h05 ngày 21/6, tùy vào các địa phương. Ngoài ra trong năm 2020 còn có nhật thực toàn phần, xảy ra vào ngày 14/12. Tuy nhiên, Việt Nam không quan sát được lần nhật thực này.
Trong năm 2020, nguyệt thực nửa tối diễn ra bốn lần vào các ngày 11/1, ngày 6/6, ngày 5/7 và ngày 30/11. Tuy nhiên, tại Việt Nam chỉ quan sát được ba lần. Nguyệt thực nửa tối vào 5/7 không quan sát được. Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng đi qua vùng tối một phần của bóng Trái Đất, còn gọi là vùng nửa tối. Khi đó Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ nhạt.
Bảo Khánh