Năm 2022, cuộc khủng hoảng khí hậu đã gây ra những thiệt hại kinh hoàng trên toàn cầu. Tạp chí Kinh tế Môi trường trân trọng giới thiệu 10 sự kiện môi trường tiêu biểu của Việt Nam và thế giới trong năm 2022.Biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà là mối đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của cả nhân loại
1. Hội nghị các bên tham gia công ước đa dạng sinh học lần thứ 15
Ngày 19/12, Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15), diễn ra ở thành phố Montreal (Canada), đã thông qua một thỏa thuận lịch sử, mang tên Khuôn khổ Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, nhằm đảo ngược hàng thập niên tàn phá môi trường, đe dọa các loài động, thực vật và hệ sinh thái trên toàn thế giới, đồng thời đưa các nước vào con đường phục hồi hệ sinh thái.
Thỏa thuận “Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal”, bao gồm 4 mục tiêu và 23 chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2030. Trong số các mục tiêu toàn cầu này có việc bảo tồn và quản lý hiệu quả ít nhất 30% diện tích các khu vực trên cạn, vùng nước nội địa, ven biển và biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đối với đa dạng sinh học, các chức năng và dịch vụ của hệ sinh thái. Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết huy động ít nhất 200 tỷ USD mỗi năm từ nguồn công và tư để tài trợ cho thiên nhiên và giảm các khoản trợ cấp có hại cho thiên nhiên ít nhất 500 tỷ USD vào năm 2030.
Đại diện các quốc gia tại Hội nghị Đa dạng sinh học Liên Hợp Quốc (COP 15) đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về bảo vệ đa dạng sinh học trên Trái Đất. Ảnh: AP. |
2. UNESCO phát động Chương trình "Vì một Đại dương không nhựa"
Ngày 10/8, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) cùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) chính thức phát động Chương trình “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” năm 2022.
Lượng rác thải nhựa thải ra đại dương có thể tăng gần gấp 3 lần từ 9-14 triệu tấn hàng năm từ 2016 lên đến 23-37 triệu tấn hàng năm vào năm 2040 (UNEP 2021) nếu không có các can thiệp cần thiết và kịp thời.
Chỉ riêng tại Việt Nam, khối lượng rác thải sinh hoạt cũng đang gia tăng nhanh chóng cùng với sự phát triển của xã hội. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), tại Việt Nam khoảng 730.000 tấn rác thải, phần lớn có nguồn gốc từ đất liền, đổ ra đại dương hàng năm (UNEP 2020).
Theo đó, Chương trình nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” do UNESCO triển khai từ năm 2020, với sự hỗ trợ của Quỹ The Coca-Cola Foundation. Sáng kiến Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh phản ánh cam kết của UNESCO trong việc hỗ trợ Việt Nam bảo tồn các hệ sinh thái biển và phát triển đại dương, đóng góp vào việc triển khai Chiến lược quốc gia về Kinh tế biển bền vững, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương cũng như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.
3. Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2022
Ngày 6/11/2022, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã khai mạc tại Sharm el-Sheikh, Cộng hòa Arab Ai Cập. Tham dự hội nghị có hơn 120 nguyên thủ và 40.000 đại biểu.
Hội nghị COP26 thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Ảnh: Reuters |
Hội nghị COP27 với thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động” - nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể. Sau hơn 15 ngày làm việc căng thẳng, Hội nghị lần thứ COP27 đã thông qua Thỏa thuận khí hậu cuối cùng với điều khoản đáng chú ý, nhất là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong khuôn khổ COP27, phái đoàn Việt Nam tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời nghiên cứu triển khai thị trường carbon và chuyển đổi năng lượng. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại COP27, đoàn Việt Nam có 3 nhiệm vụ. Thứ nhất, Việt Nam cùng với các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu bàn thảo để đưa các cam kết và cơ chế đã được thỏa thuận đi vào thực hiện trên thực tế.
Thứ hai, tiếp nối COP26, Việt Nam sẽ tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Thứ ba,Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động song phương với các tổ chức quốc tế đa phương, các doanh nghiệp liên quan chuyển đổi năng lượng, tiếp xúc các thể chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác.
4. Khởi động Dự án Giảm thiểu ô nhiễm tại Việt Nam
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chính thức khởi động Dự án giảm thiểu ô nhiễm. Dự án sẽ được thực hiện trong 5 năm với ngân sách dự kiến là 11,3 triệu USD.
Dự án gồm ba hợp phần chính: Hỗ trợ xây dựng và thực thi chính sách giảm thiểu ô nhiễm; Nâng cao năng lực cho các bên liên quan để triển khai thành công và duy trì bền vững hiệu quả các sáng kiến tác động tập thể; Triển khai các sáng kiến tác động tập thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm.
Theo đó, Dự án Giảm thiểu ô nhiễm do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, có mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường tại các khu vực mục tiêu thông qua cách tiếp cận tác động tập thể. Hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự án thúc đẩy các sáng kiến địa phương và tăng cường năng lực của các đối tác để xây dựng mạng lưới địa phương nhằm giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm trọng điểm tại Việt Nam.
5.Lần đầu tiên, Việt Nam kỷ niệm Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển
Sáng ngày 3/11, tại Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Phòng và Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển lần đầu tiên.
Tại phiên họp thứ 41 (năm 2021), Đại hội đồng UNESCO đã chọn ngày 3 tháng 11 hàng năm là Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu.
Năm nay, ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển lần đầu tiên được tổ chức tại nhiều quốc gia trên khắp các châu lục một lần nữa khẳng định ý nghĩa quan trọng của lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh đa dạng sinh học chính là nền tảng để con người xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu về khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế bền vững cho người dân, qua đó giữ gìn hành tinh xanh cho các thế hệ mai sau.
Tại Việt Nam, qua hơn 20 năm, Việt Nam đã được công nhận 11 Khu dự trữ sinh quyển thế giới, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước, trở thành quốc gia có số lượng khu Dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Một số sự kiện môi trường nổi bật khác trong năm 2022 như: Phát động chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”; Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2022; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn 2022 với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”; Hội nghị quốc tế về "Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu"; Vì một Việt Nam xanh - Chung sức trồng 1 tỷ cây xanh.
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”. |
Phát động chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”. |
Lễ ký kết và Công bố Chương trình “Vì một Việt Nam xanh- Chung sức trồng tỷ cây xanh”. |
Hội nghị quốc tế về "Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu". |