Biển Xuân Đừng, nơi gắn liền với huyền thoại về Vua Gia Long chạy nạn.
Tộc người bí ẩn
Bán đảo Sơn Đừng lọt thỏm giữa những đồi cát trắng sau lưng và cụm đảo Hòn Gốm thuộc vịnh Vân Phong phía trước. Ở đấy có một cộng đồng người với vài chóp nhà sống biệt lập, chẳng ai biết từ đâu tới. Chỉ nghe người ta gọi họ là người “Đàng Hạ” (người ở dưới thấp) với những huyền thoại phủ rêu mờ.
7 người hi sinh thời chống Mỹ
Theo ông Trưởng thôn Đinh Văn Trung, bán đảo Sơn Đừng với những người Đàng Hạ nghèo cụt nghèo cùi, đi chợ bằng gùi đội nón mo cau ấy là nơi nuôi giấu cán bộ trong thời chống Mỹ. Toàn thôn Xuân Đừng có 7 gia đình Đàng Hạ thì có đến 3 gia đình liệt sĩ với 7 người hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Thật ra thì cụm từ “Người Đàng Hạ” ấy, chúng tôi đã tình cờ đọc được từ hơn 20 năm trước trong một tạp chí rách nát bày bán ở vỉa hè đường Nguyễn Trường Tộ (thành phố Huế) có tên “Thông tin cuộc sống” của Trung tâm Cổ động tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa), số xuất bản tháng 2.1989.
Là tác giả Trần Ngọc Quang, viết về những người Đàng Hạ da đen, tóc quăn, mày rậm, con ngươi vàng. Họ cùng nhau thành lập làng riêng; nhà cửa, tiện nghi sinh hoạt sơ sài; không biết tích lũy; không có ngày tết; chết thì quấn chiếu đem chôn; trai gái ưng nhau thì cứ về ở với nhau, không có nghi lễ cưới hỏi gì.
Người Đàng Hạ không biết làm ruộng, đi biển, nuôi gia súc, không có nghề thủ công, không có ngôn ngữ, chữ viết riêng cho nên các nhà nghiên cứu rất khó tìm ra được một nét văn hóa nào đặc trưng của họ. Lúc ấy chúng tôi đã tò mò vô cùng.
Nhưng sách viết về người Đàng Hạ phổ biến và được trích dẫn nhiều nhất là “Người Hẹ – Văn hóa tộc người” của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Viết Kỉnh ở Khánh Hòa. Ông Trần Viết Kỉnh cho biết đến khoảng cuối năm 1990, ở Xuân Đừng chỉ có 36 nhân khẩu người Đàng Hạ, sống trong 7 nóc nhà.
Gọi là nhà, kỳ thực ấy là những túp lều trên cát, được dựng bằng hai mảng lá cây lơ thơ ghép lại. Cũng theo ông Kỉnh, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu dân tộc học, xã hội học nào chứng minh, khẳng định người Đàng Hạ từ đâu đến Xuân Đừng và họ đã lưu cư ở đây từ lúc nào.
Có truyền thuyết kể rằng gốc gác người Đàng Hạ xưa kia là những ngư dân Indonesia trên đường hành nghề đánh bắt hải sản trên biển, gặp cơn bão tố giữa khơi xa xô đẩy, trôi dạt vào những đảo nhỏ ở Vạn Thạnh. Sau nhiều ngày lang thang, họ đã tìm thấy nước ngọt ở Xuân Đừng nên dựng chòi, hái rau quả và sinh cơ lập nghiệp ở đó.
Có truyền thuyết nói rằng người Đàng Hạ vốn là một nhóm người dân tộc thiểu số nào đó ở miền núi tỉnh Bình Định. Chiến tranh loạn lạc đã khiến cho họ phiêu bạt đến đây. Càng nghe càng mơ hồ. Duy chỉ một điều có thể biết khá chắc chắn là người Đàng Hạ đặt chân đến xóm Xuân Đừng cách đây khoảng 300 năm.
Trải qua hàng trăm năm lưu cư truyền đời nhiều thế hệ, nên thoáng qua người Đàng Hạ cũng như người Kinh. Trong giấy chứng minh thư, sổ hộ khẩu, thẻ cử tri… đều xác định họ là dân tộc Kinh.
Lạ nữa là ở Xuân Đừng, ngay bờ biển, chỉ cần thủy triều xuống, chỉ cần đào trên cát một hố sâu là lập tức có nước ngọt – một thứ nước ngọt tinh khiết và thơm lừng. Và nước ngọt ở Xuân Đừng lại gắn liền với một chuyện “nghe kể” khác.
Rằng một năm nọ, thời những người Đàng Hạ chưa có họ. Vua Gia Long (lúc đó còn chưa lên ngôi) trên đường bị quân Tây Sơn truy đuổi đã dạt vào bán đảo Xuân Đừng. Trong lúc quẫn bách, Vua cầu khấn thần linh xin được giúp đỡ thức ăn, nước uống. Tức thì, ngoài khơi có một luồng cá lớn chạy vào. Còn trên bãi cát, cách mép nước biển chừng vài gang tay, binh sĩ đào xuống một hố nhỏ, nước ngọt trào ra lênh láng, tha hồ ăn uống, tắm giặt.
Sau đó Vua Gia Long và tùy tùng gặp người Đàng Hạ và được họ giúp đỡ, bảo bọc. Vua ban thưởng bằng cách đặt cho người dân ở đây mang họ… Đinh! Hỏi vì sao không là họ Nguyễn mà lại họ Đinh thì ai cũng lắc đầu. Hiện ở Xuân Đừng còn có đền thờ Vua Gia Long nhưng dấu tích văn bản, nghe kể là sắc phong thì đã bị cháy sau một cơn hỏa hoạn.
Đi chợ bằng gùi đội nón mo cau…
Nhiều năm trước, muốn đến Xuân Đừng phải mất gần ba giờ ngồi ghe máy từ bến đò Vạn Giã do Xuân Đừng là bán đảo biệt lập, chưa có đường bộ. Còn bây giờ, đường bộ đã được mở về tới thôn, nhưng Xuân Đừng vẫn còn rất hoang sơ, lạc hậu so với những làng biển quanh mình. Ngay cả ông Võ Thành Trung – Trưởng thôn Xuân Đừng – cũng loáng thoáng biết thôn mình có khoảng 40 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu, trong đó người Đàng Hạ hiện còn 7 hộ với gần 50 khẩu, bởi “làm đây tôi có ăn gì đâu”.
Bà Trần Thị Mía.
Thật ra thì con số 7 hộ với gần 50 khẩu là thống kê cho những người có liên quan đến Đàng Hạ (người lai với người Kinh). Còn người Đàng Hạ gốc thì hiện nay chỉ còn đúng 2 người là ông Trần Trò, năm nay đã 87 tuổi và bà Trần Thị Mía, cũng tròm trèm 85 tuổi. Ngày chúng tôi tìm đến Xuân Đừng, ông Trần Trò đi vắng, chỉ còn mỗi bà Mía đang nhớ nhớ quên quên nằm lắc lư trên cái võng được đóng khung bằng cây gỗ. Người cũng không khác lắm với sách viết. Bà Mía sinh được 8 người con gái, một người con trai nhưng tất cả đều lấy vợ, lấy chồng người Kinh nên con cái chẳng còn ai thuần huyết Đàng Hạ.
Hôm ấy chúng tôi đang hoang mang thì may gặp bà Trần Thị Lường, 62 tuổi, là con dâu của bà Mía vốn là người ham chuyện, bảo “lát nữa mấy chú ra nhà chị, chị kể hết cho mà nghe”. “Xuân Đừng là Xân Đừng cùi/ Đi chợ bằng gùi đội nón mo cau”. Bà Lường bắt đầu chuyện bằng hai câu ca mà người dân ở Đầm Môn làng bên soạn ra để chế giễu người Đàng Hạ ở Xuân Đừng thuở trước. Đó cũng là hai câu ca tả thực về sự bản chất và sự cùng cực của người Đàng Hạ thời đó. Bà Lường là con gái của một gia đình cách mạng. “Ngày nhỏ tui thường xuyên tiếp tế cho cách mạng trên núi (cạnh Xuân Đừng) nên biết rất rõ cuộc sống của mẹ chồng tui, ông bà nội chồng tui”.
Bà Lường xác nhận đúng như người ta đã viết trong sách và những lời truyền trong dân. Rằng đúng người Đàng Hạ ở gần biển nhưng không biết làm biển mà chỉ lên núi săn bắt, cưa củi về hầm than, đào củ mài… nên triền miên thiếu đói. “Tận mắt tui chứng kiến nhiều nhà hai vợ chồng chỉ có một cái quần, hễ chồng đi thì vợ ở nhà phải quấn lá cây. Đặc biệt họ không có phong tục làm đám cưới, đám tang. Trai gái ưa nhau thì cứ về sống chung vào đúng đêm 30 Tết, ai chết thì quấn chiếu vùi vào cát. Ngay cả mẹ chồng tui, đến giờ sau bao nhiêu năm vẫn còn thích ăn bốc và suốt ngày cứ lấy chỉ màu quấn vào chân, tay rồi cườm tủm tỉm một mình”.
Trong trí nhớ của bà Lường, cho tới trước ngày đất nước được giải phóng, người Đàng Hạ vẫn chìm ngập trong nghèo khó tận cùng với những con số không ám ảnh: Không đường đi. Không điện thắp sáng. Không điện thoại. Không nhà cửa. Không đánh bắt. Không canh nông. Không học hành… Và ánh sáng thật sự đến với người Đàng Hạ bắt đầu từ năm 1999, khi tỉnh Khánh Hòa cấp hẳn kinh phí xây 7 ngôi nhà cho 7 hộ dân người Đàng Hạ.
Không chỉ vậy, mỗi hộ còn được cấp 40 con tôm hùm giống, 1 con bò và cây điều giống. Đồng thời cử cán bộ Đồn biên phòng 358 Đầm Môn xuống dạy người dân nơi đây học chữ; học kỹ thuật nuôi tôm hùm; học cách đánh cá, trồng cây… theo kiểu vỡ lòng cho người mới. Và những năm sau này là mở đường, xây trường mẫu giáo, tiểu học…
Bây giờ thì đã có nhiều thế hệ người Đàng Hạ biết đọc viết và tính toán. Rồi từ việc chỉ biết bám rừng, người Đàng Hạ bắt đầu biết mua ghe, sắm lưới; biết học cách tiến ra biển, đánh bắt con cá, con tôm… như những ngư phủ miền biển thực thụ. Ông Trưởng thôn Đinh Thành Trung nói “kể nghe thì đơn giản rứa thôi, nhưng để thay đổi cả một tập quán sinh hoạt, sản xuất là cả một hành trình dài rất gian khó, thấm đẫm mồ hôi và cả nước mắt của nhiều thế hệ những người mang quân hàm xanh và chính quyền địa phương sở tại”.
Cũng như ở Xuân Đừng chỉ còn hai người Đàng Hạ “gin” cuối cùng đã ở tuổi về với ông bà. Có thể chuyện chỉ nghe thoáng qua thế thôi nhưng mai này sẽ làm dấu chấm hết cho những huyền thoại mơ màng về những “người Đàng Hạ” bí ẩn của xứ mình…
Hoàng Văn Minh – Phước Tín (Theo Lao động)