Hạt nêm có hóa chất bảo quản?
Một số người thắc mắc rằng, thực phẩm xương, thịt để vài ngày là ôi thiu, dù có nấu chín, bảo quản kỹ. Vậy hạt nêm làm từ thịt vì sao lại có hạn sử dụng đến cả năm? Phải chăng có chất bảo quản? Sử dụng hạt nêm lâu dài có gây hại gì cho sức khỏe hay không.
Lý giải điều này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, hạt nêm được làm từ thịt với quy trình công nghệ hiện nay khá khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, thịt sẽ được hầm lên, tách mỡ và cô đặc dịch.
Sau đó một số nơi sẽ sử dụng luôn bột thịt này trộn với các gia vị khác như mì chính, muối, chất thơm tạo sự hấp dẫn1 số chất nhóm umani tạo vị ngọt. Một số nơi thì đưa vào thủy phân với enzim để tạo độ ngọt cho sản phẩm. Thành phần của hạt nêm khá đơn giản nên không có gì độc hại.
“Với quy trình như vậy, sản phẩm đã được tách mỡ sẽ không bị ôi thiu. Hơn nữa đã được xử lý ở nhiệt độ cao nên khó có vi khuẩn phát triển, không giống với thịt chúng ta nấu hàng ngày.
Do đó, chúng có hạn sử dụng dài hơn. Còn lo lắng sử dụng nhiều hạt nêm có độc hại không, thì nếu sản phẩm chỉ có những thành phần đó, không có gì là độc hại cả. Về bản chất nó cũng chỉ như bột canh hay mì chính chúng ta sử dụng thường ngày”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Đừng kỳ vọng hạt nêm nhiều dinh dưỡng
Có người đặt câu hỏi, hạt nêm làm từ thịt, vậy chúng có cung cấp dinh dưỡng giống như thịt không? Có thể thay thế thịt khi chế biến các món ăn thường ngày? PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, hạt nêm chỉ là gia vị, không phải là món ăn.
Giống như các loại gia vị khác, chúng giúp cho món ăn trở nên hấp dẫn hơn, ngon miệng hơn, chứ không phải là thực phẩm để cung cấp dinh dưỡng. Cho rằng hạt nêm phải có dinh dưỡng cao, thay thế được thịt trong chế biến món ăn là rất sai lầm.
“Giống như nước mắm, có độ đam rất cao. Nhưng không ai ăn cả bát nước mắm mỗi ngày để bổ sung chất đạm cả. Do đó, đừng kỳ vọng hạt nêm phải nhiều dinh dưỡng để thay thế thịt trong bữa ăn. Bản thân hạt nêm hay mì chính đều không bổ béo gì, nhưng lại cần thiết để khiến người ăn thấy ngon miệng, ăn nhiều hơn”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Không lạm dụng
Hiện có nhiều người lạm dụng hạt nêm, quá phụ thuộc vào hạt nêm khi chế biến món ăn cũng là thói quen không tốt. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, người nội trợ phải tạo được thói quen nêm nếm gia vị chuẩn, sao cho không quá thừa và cũng không quá thiếu, không quá mặn hay ngọt, nhưng cũng không quá nhạt.
Hạt nêm tạo vị ngọt cho món ăn. Với những món như canh xương hầm, thịt kho, thịt rang, canh thịt… bản thân chúng đã rất ngọt và ngon rồi, chỉ cần cho thêm chút muối cho có vị mặn là được, không cần phải dùng đến hạt nêm nữa. Hay một số món rau nếu kết hợp với thịt thì ăn sẽ rất “ngang” như canh rau đay, rau muống… Những món này không nên cho hạt nêm vào, sẽ làm mất vị của món ăn nguyên bản, không có tác dụng kích thích vị giác.
“Việc lạm dụng quá nhiều hạt nêm làm cho cảm giác về món ăn của mỗi người sẽ bị sai lệch. Hơn nữa lượng muối trong hạt nêm cũng không phải là ít, ăn quá nhiều muối đương nhiên không tốt cho sức khỏe. Các bà nội trợ nên lưu ý điều này”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên.Box
Không thể phân biệt hạt nêm giả
Gần đây, nhiều vụ buôn bán hạt nêm giả các thương hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được phát hiện. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, người tiêu dùng không thể phân biệt được hàng thật hay hàng giả. Chỉ những người thực sự tinh mắt, tinh miệng thì mới phát hiện ra. Tốt nhất là chỉ mua ở những cửa hàng uy tín và khi có bất cứ dấu hiệu khác lạ nào trên bao bì nhãn mác cũng không mua.