Những cánh đồng sạch không hóa chất gọi đàn chim trở về

Nói không với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), cánh đồng nguyên liệu của Công ty sữa Dalatmilk trở thành đất lành của nhiều loài chim, cò - hình ảnh trước đó chưa từng có.
canh-dong.jpg

“Quyết định gây sốc”

Trang trại Dalatmilk (thành viên của Tập đoàn TH) rộng 500ha đặt tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng là vùng trồng cỏ, ngô và nhiều cây trồng khác làm thức ăn cho 2.000 con bò sữa. Trang trại đã áp dụng thành công chuyển đổi hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV vào quá trình sản xuất, điểm khởi đầu tạo nguồn nguyên liệu sữa sạch.

Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Dalatmilk cho biết: Thói quen canh tác có sử dụng một phần phân hóa học, thuốc BVTV đã có từ nhiều năm - trước khi Dalatmilk về với Tập đoàn TH. Nhưng sau khi trở thành thành viên của một doanh nghiệp theo đuổi giá trị cốt lõi “Trân quý Mẹ Thiên nhiên”, coi trọng sản xuất gắn với trách nhiệm cộng đồng, thì Dalatmilk theo đuổi phương thức canh tác sạch, không hóa chất.

“Khi Ban lãnh đạo Dalatmilk quyết định áp dụng quy định không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chuyển đổi từ phân bón hóa học thay bằng phân bón hữu cơ từ chất thải của bò sữa, đó là một quyết định gây sốc với anh em nhân viên, bởi họ tin rằng, nếu như không sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thì cỏ dại, sâu bệnh sẽ phá hoại hết, không thu hoạch được thứ gì”, ông Hải kể lại.

canh-dong-1.jpg
Dalatmilk theo đuổi phương thức canh tác sạch, không hóa chất.

Năm đầu tiên bỏ hoàn toàn thuốc BVTV, ngô gieo xuống chỉ độ vài ngày là cỏ mọc um tùm, tốt nhanh hơn ngô. Thuốc diệt cỏ không được phép dùng như trước đây nữa mà phân bò hữu cơ được trải thành thảm trên đất.

Vụ đầu tiên, cả đất và cây chưa quen loại phân mùn này nên cây trồng cứ xác xơ, còi cọc. Đến năm thứ 2 năm, đất mới tạo được độ mùn, xốp, cây trồng mới phát triển xanh tốt trở lại. Một ưu điểm khi chuyển sang dùng phân hữu cơ rải khắp bề mặt, nó tạo thành lớp mùn thảm sẽ hạn chế được sự phát triển cỏ dại, giúp cây trồng chính lớn nhanh hơn và ít có sâu bệnh.

“Đến 2018, chúng tôi chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bón phân hóa học, qua mấy năm sản xuất rồi, việc chuyển đổi này chứng minh hiệu quả giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí sản xuất và quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe người lao động, môi trường sinh thái tự nhiên”, ông Hải nói.

canh-dong-2.jpg
Những cánh đồng không hóa chất là điểm khởi đầu trong quy trình sạch của sữa tươi Dalatmilk - thương hiệu “Di sản từ cao nguyên” được người tiêu dùng yêu thích.

Lan tỏa chuyển đổi sản xuất hữu cơ

Dalatmilk hiện liên kết thu mua sữa tươi cho các nông hộ nuôi bò với số lượng khoảng 1.000 con. Chuyển đổi hữu cơ thành công trên cánh đồng của nhà máy góp phần lan tỏa đến các nông hộ, đặc biệt là tận dụng chất thải từ chăn nuôi để bón vào đồng ruộng, tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất, thiết lập kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Ngô Minh Hải, thay đổi rõ nhất là hộ nuôi bò giờ đây gần như không bỏ phí nguồn chất thải từ chăn nuôi. Hộ nào cũng đầu tư mua mùn cưa, vỏ trấu… trải nền chuồng làm đệm lót sinh học giữ lại phân, nước tiểu bò thải ra hàng ngày. Cách làm này giúp chuồng khử được mùi hôi và quan trọng hơn là nó giúp nông dân có được nguồn phân hữu cơ chất lượng, thậm chí có nguồn thu phụ.

“Mùn cưa, vỏ trấu trải làm nền chuồng cứ sau vài tháng thay lớp đệm lót sinh học đó ra là có doanh nghiệp mua lại để sản xuất phân hữu cơ. Bỏ ra 4 - 5 triệu đồng ban đầu nhưng khi bán thì thu về tới 7 - 8 triệu đồng. Chuyển đổi hữu cơ nếu thuyết phục suông thì khó nhưng mình đi tiên phong, người dân thấy việc ấy đem lại lợi ích cho họ thì họ làm thôi”, ông Hải bày tỏ.

canh-dong-3.jpg
Đàn cò trắng trên những cánh đồng không hóa chất của trang trại sữa tươi Dalatmilk tại Đơn Dương – Lâm Đồng.

Hiện nay, 100% diện tích đất canh tác trên các cánh đồng của Dalatmilk đã không sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, chỉ sử dụng phân hữu cơ để chăm sóc, tạo độ mầu mỡ cho đất vừa tận dụng chất thải chăn nuôi vừa giúp cây trồng phát triển tốt, vừa giảm được giá thành sản phẩm.

Nhưng với ông Ngô Minh Hải, điểm thú vị nhất là những cánh đồng của Dalatmilk hiện giờ giống như các khu bảo tồn sinh thái, nơi cư trú của rất nhiều loài chim. Dalatmilk cũng đặc biệt ấn tượng với nhiều đối tác ghé thăm là hàng rào sinh học với 3 hàng cây xanh dài khoảng 2,8km trồng nhiều loại từ cây ăn quả như vú sữa, xoài đến các loại cây bóng mát như thông, bạch đàn, phượng xà cừ. Cây cối được bảo vệ nghiêm ngặt, phát triển tự nhiên giúp duy trì đa dạng sinh học.

“Lợi ích của không sử dụng thuốc BVTV, phân bón hữu cơ trong vài năm qua là tái tạo các hệ sinh vật trong đất, nước. Đặc biệt nhất, mỗi lần cánh đồng chạy máy cày phơi đất chờ gieo hạt vụ mới, chim cò kéo về từng đàn lớn, bay lượn trắng cả cánh đồng, tìm kiếm thức ăn. Những hình ảnh này, trước đây chưa bao giờ có ở Dalatmilk”, ông Hải kể.

Theo VietnamDaily
back to top