Hỏi: Có phải nhựa sinh học thì sẽ phân hủy sinh học?
Nguyễn Hoàng Tâm (Hà Nội)
TS Đường Khánh Linh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Nhựa phân hủy sinh học là loại nhựa có thể bị phân hủy bởi các vi sinh vật, thường là vi khuẩn tạo thành nước, carbon dioxide và sinh khối trong một khoảng thời gian xác định. Các sản phẩm sau phân hủy có thể tiếp tục tham gia vào chu trình carbon và không để lại bất kỳ hợp chất nào có thể gây hại cho môi trường. Quá trình phân hủy sinh học polymer có thể được chia thành 4 giai đoạn: Suy thoái sinh học, phân rã polymer, phân hủy sinh học và khoáng hóa. Một loại nhựa được coi là nhựa sinh học nếu nó được sản xuất một phần hoặc toàn bộ bởi các polymer có nguồn gốc sinh học. Không phải tất cả các loại nhựa sinh học đều có khả năng phân hủy sinh học. Chẳng hạn như nhựa bio-PE, bio-PP, bio-PET có nguồn gốc sinh học nhưng chúng có các tính chất tương đồng với nhựa cùng loại được sản xuất từ nguồn dầu mỏ, nghĩa là không có khả năng phân hủy sinh học.