Lucy Hughes, một nữ sinh viên tại Trường Đại học Sussex của Anh chứng minh được, rác thải từ công nghiệp cá thực phẩm là nguồn nguyên liệu bền vững. Cô đã phát minh ra quy trình chế biến rác thải từ cá thực phẩm thành một nguồn nguyên liệu nhựa thay thế với hy vọng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ nhựa sử dụng một lần và chất thải công nghiệp thực phẩm từ cá.
Nữ sinh Lucy Hughes với những chế phẩm từ chất thải cá |
Lucy đã liên hệ với một nhà máy chế biến và bán buôn cá ở Newhaven và tiến hành một chuyến tham quan nhà máy nhằm xác định những loại chất thải khác nhau, có thể trở thành nguyên liệu cho sản xuất như: bộ phận nội tạng, máu, giáp xác, động vật vỏ cứng, da và vảy cá.
Chỉ riêng ở Anh, trong quá trình sản xuất thực phẩm trên đất liều có tới 170.000 tấn chất thải hải sản hàng năm và trên thế giới là 50 triệu tấn. Chất thải hữu cơ thực phẩm cá thường được đổ ra bãi rác hoặc thiêu hủy. Những nghiên cứu tra đầu tiên cho thấy da và vảy cá là những chất thải có tiềm năng trở thành nguồn nguyên liệu tốt nhất trong chất thải, do có các protein có tính linh hoạt cao và độ bền vững lớn.
Nữ sinh 24 tuổi này cũng phát hiện được phương pháp sử dụng tảo đỏ tại địa phương để liên kết các protein, chiết xuất từ chất thải của cá. Những liên kết phân tử chồng chéo chặt chẽ tạo nên sự vững chắc và tính linh hoạt của vật liệu mới. Không giống như chất kết dính, được phát triển trên đất liền, tảo đỏ không cần bất kỳ nguồn nước ngọt, đất màu mỡ hay phân bón nào để sinh trưởng và phát triển.
Loại thực vật đa dụng này có thể sinh trưởng, phát triển trên toàn thế giới và có hàm lượng carbon tự nhiên. Lucy Hughes đã thực hiện hơn100 thí nghiệm khác nhau, tinh chỉnh thành phần và quy trình chế tạo thành nhựa sinh học.
Cuối cùng, cô tạo được là một tấm vật liệu trong suốt và linh hoạt (có thể uốn, vặn), đặt tên là MarinaTex. Loại nguyên liệu này rất lý tưởng để chế tạo các bao bì sử dụng một lần, đòi hỏi tương đối ít nguồn tài nguyên, sử dụng ít năng lượng và sản xuất ở nhiệt độ dưới 100 độ C.
Theo Hughes, những chất thải hữu cơ từ một con cá tuyết Đại Tây Dương có thể đủ để để sản xuất 1.400 túi. Phát minh của cô chỉ sử dụng các chất thải không mong muốn từ ngành công nghiệp chế phẩm cá cho nhựa sinh học của mình.
Trên thực tế, MarinaTex không thực sự là nhựa hay polymer. Đây là một vật liệu hữu cơ tổng hợp mới, có quy trình khác với nhựa trong chế tạo phôi và sản xuất, nhưng có chức năng và hình dáng tương tự như nhựa. Loại vật liệu này cuối cùng sẽ bị mờ đi và phân hủy sinh học hoàn toàn sau từ bốn đến sáu tuần.
Hughes nhấn mạnh, vật liệu MarinaTex không có mùi. Thử nghiệm ban đầu với vật liệu nguyên mẫu cho thấy nhựa sinh học mới có độ bền tương tự như nhựa polyetylen mật độ thấp (LDPE) có độ dày tương đương. Những tính chất mới của nhựa sinh học này sẽ được điều tra chi tiết hơn trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Nhựa sinh học mới chế tạo từ phế phẩm công nghiệp thực phẩm cá. Video JamesDysonFoundation