Hàm lượng protit trong bột nhộng tằm cao tới 73,5%, gồm nhiều acid amin quan trọng. Trong 100g nhộng tằm có 79,7g nước, 13g protid; 6,5g lipid và cung cấp tới 206 calo. Hàm lượng protein trong nhộng tằm rất cao, chiếm tới 73,5%, gồm nhiều acid amin quan trọng như leucin, isoleucin, lysin, threonin, cystein, phenylalanin, tyrosin, valin, arginin, alanin, glycin, serin…
Cũng vì cao đạm nên nhộng tằm không thể bảo quản được lâu, một khi đã nấu chín mà không ăn hết, không được bảo quản tốt, chất đạm sẽ bị phân hủy không còn giá trị dinh dưỡng và trở thành chất độc gây hại cho cơ thể.
Nhiều tác dụng chữa bệnh
Theo y học cổ truyền, nhộng tằm có vị mặn, ngọt, tính bình, tác dụng bổ dưỡng tốt như sâm nhung. Dân gian từ lâu đã biết dùng loại thực phẩm này làm món ăn hấp dẫn. Với cách chế biến không mấy cầu kỳ, nhộng tằm thường được rang với hành mỡ cùng một chút lá chanh sẽ cho ra món ngon, béo, ngậy và thơm. Nhộng tằm rất tốt đối với trẻ nhỏ.
Với trẻ còi xương dùng bạch cương tàm sao qua tán nhỏ, uống mỗi lần 1,5g nước sắc lá bạc hà. Để tăng cường dinh dưỡng cho trẻ còi xương người ta cho trẻ ăn nhộng tằm với cháo chim sẻ, chim chút. Người già yếu, yếu thận hay tiểu són, tiểu nhiều lần, táo bón… cũng được sử dụng món ăn này.
Về dinh dưỡng, nhộng tằm chứa nhiều canxi và phốt pho cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, đồng thời có tác dụng chống bệnh còi xương và suy dinh dưỡng. ở người cao tuổi, dùng nhộng tằm kết hợp với hoa hẹ giúp bổ thận, dùng để trị mộng tinh, đau lưng, mỏi gối, nhức mỏi trong chân, lạnh chân; tốt cho tiêu hóa; bổ phổi, tiêu đờm, trị suy nhược cơ thể, già yếu, liệt dương…
Để trị giun sán, biện pháp đơn giản là lấy nhộng rang chín, mỗi ngày ăn 15-20 con. Trẻ em hay người lớn bị sởi có thể áp dụng bài thuốc, nhộng 15g, sà sàng tử 10g, tạo giác thích 10g, bạch tiên bì 10g, khổ sâm 10g sắc uống. Với trẻ chậm phát dục, dùng nhộng tằm 250 con luộc chín, sấy khô, sau đó đem rang vàng với dầu vừng, nêm đủ mắm muối, mỗi ngày ăn 10 con.
Trẻ em cam tích dùng nhộng tằm rang chín, mỗi ngày ăn 10 con chiêu với mật ong. Trẻ em bị trĩ xuất huyết, xích lỵ lấy nhộng 1g, hoa hòe 30g, chỉ xác 10g, trắc bá diệp 15g sắc uống. Trẻ bị động kinh, co giật lấy 5 con nhộng, cương tàm 10 con, bán hạ chế 15g, ngô công 1 con sắc uống. Với người trung tuổi, để cải thiện khả năng tình dục, chiết xuất từ nhộng tằm chứa hàm lượng cao acid amin arginine, đây là một tiền chất giúp tổng hợp nên ôxit nitrit giúp tăng cường khả năng tình dục.
Dù chưa có nghiên cứu nhưng nhiều người mắc bệnh xương khớp, bị chứng phong thấp ăn nhộng tằm thường xuyên thấy giảm triệu chứng đau rõ rệt. Với phụ nữ, nhộng tằm có tác dụng làm đẹp do phần đầu của nhộng tằm có chứa một lượng dồi dào các nucleotit tự do và các quercetin glycoside có khả năng ức chế việc sản sinh ra hợp chất AGES, chống lại các tác nhân gây lão hóa.
Nhộng tằm giàu giá trị dinh dưỡng và có tác dụng chữa được nhiều chứng bệnh. Tuy nhiên khi mua nhộng nên chọn con tươi, còn sống. Khi ăn cũng không nên ăn nhiều vì đây là thực phẩm cao đạm, dễ dị ứng, mỗi tháng chỉ nên ăn 2-3 bữa, chế biến bữa nào ăn hết bữa đó. Người có cơ địa dị ứng không nên ăn nhộng tằm. Nếu ăn nên ăn thăm dò 1-2 con rồi tăng dần số lượng xem cơ thể có thích ứng với loại thực phẩm này không.
Một số món ăn đơn giản từ nhộng tằm
-Nhộng ngâm rượu trắng hỗ trợ liệt dương
Nguyên liệu: Nhộng 100g, rượu gạo 500ml. Chế biến: Nhộng rửa sạch, để ráo nước, sao khô, cho vào rượu ngâm khoảng 1 tháng đem ra uống.
-Nhộng xào hẹ hỗ trợ táo bón, xơ vữa động mạch
Nguyên liệu: Nhộng 50g, hẹ 200g, gia vị vừa đủ. Chế biến: Nhộng cho vào chảo dầu nóng, nêm gia vị, đun khoảng 2 phút và cho thêm lá hẹ. Hẹ chín bắc ra ăn nóng.
-Nhộng rang lá chanh hỗ trợ suy nhược cơ thể
Nguyên liệu: Nhộng 100g, lá chanh, gia vị vừa đủ. Chế biến: Rửa sạch nhộng và luộc khoảng 3 phút. Vớt nhộng, để khô. Lá chanh cắt thành sợi nhỏ. Sau khi sơ chế xong, làm nóng chảo dầu và cho nhộng, gia vị, lá chanh vào đảo đều đến khi chín bắc ra ăn ngay.
-Nhộng tằm chiên xù hỗ trợ suy dinh dưỡng
Nguyên liệu: Nhộng 500g, 1 gói bột cà ri, 2 quả trứng gà, 1 thìa súp xốt tương cà chua, 100g bột rán xù, 1 thìa cà phê hạt nêm, 50g rau cải xanh, rau mùi, dầu ăn. Chế biến: Nhộng rửa sạch, vớt để ráo. Đập trứng vào tô, cho hạt nêm, cà ri vào rồi đánh tan đều. Nhúng nhộng vào trứng, lăn qua bột xù rồi thả vào chảo dầu chiên vàng, giòn. Nhộng chín cho vào lá cải xanh, quấn lại. Dùng kèm với tương cà chua. Khi bày ra đĩa trang trí với rau mùi thêm hấp dẫn.
Lương y Xuân Bá