Nhịn ăn trước mổ, nguy hại sức khỏe người bệnh

Có đến hơn 50% trường hợp chờ mổ suy dinh dưỡng, thậm chí lên đến 90% ở nhóm người có bệnh lý nặng. Nhịn ăn trước mổ không đúng là "bệnh dịch thầm lặng" đối với người bệnh sau phẫu thuật.

Chị Nguyễn Thị H, (40 tuổi, ở Hải Dương) thực hiện nhịn ăn thải độc, làm đẹp, sau đó chán ăn, cân nặng suy giảm (40 kg, cao 1,63 m). Khi phát hiện bị ung thư dạ dày, chị tiếp tục nhịn ăn để “bỏ đói tế bào ung thư” và sạch ruột trước mổ. Kết quả, chị bị suy dinh dưỡng không thể phẫu thuật.

“Có đến hơn 50% trường hợp chờ mổ suy dinh dưỡng, thậm chí lên đến 90% ở nhóm người có bệnh lý nặng kèm theo. Quan điểm nhịn ăn trước mổ đã không còn phù hợp nữa. Việc nhịn ăn trước mổ có thể khiến người bệnh gặp biến chứng tử vong sau mổ”, ThS.BSCKI Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, nhấn mạnh.

Nhầm lẫn giữa giảm cân làm đẹp và sụt cân do bệnh

Ghi nhận của phóng viên Khoa học và Đời sống tại một số bệnh viện cho thấy, nhiều người mắc bệnh lý gây giảm cân, nhưng vẫn mong muốn giảm cân duy trì vóc dáng, nên đã bỏ qua giai đoạn sớm phát hiện bệnh.

ThS. BSCKI Hà Hải Nam và e kíp phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K

ThS. BSCKI Hà Hải Nam và e kíp phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K

Ảnh hưởng của thiếu hụt dinh dưỡng tới phẫu thuật

1. Làm chậm lành vết thương, gây xì bục miệng nối ruột, vết thương lâu liền.

2. Chức năng miễn dịch giảm dẫn đến nhiễm trùng vết mổ hoặc nhiễm trùng máu có thể bị sốt sau mổ, vết thương chảy dịch, khó liền.

3. Chức năng các cơ quan: hô hấp (gây hạn chế hô hấp), thận tiết niệu (đái ít), giảm thể tích khối cơ gây teo cơ và sức cơ, thoái triển niêm mạc tiêu hoá gây kém hấp thu, đi ngoài…

4. Kéo dài thời gian nằm viện khiến tốn kém chi phí và công chăm sóc.

5. Nặng nhất là tăng cao tỷ lệ biến chứng sau mổ và tử vong.

“Đó chính là lý do khiến suy dinh dưỡng trước mổ được coi là ‘bệnh dịch thầm lặng’ ảnh hưởng kết quả điều trị Ngoại khoa. Ngay tại nước Mỹ, nơi có nền y học tiên tiến, chỉ có 20% được chỉ định điều trị dinh dưỡng đúng mức trước mổ”, ThS.BSCKI Hà Hải Nam nói.

Như trường hợp của chị Nguyễn Thị H, kể trên, ThS.BSCKI Hà Hải Nam cho biết, người bệnh chán ăn kéo dài, lại có mong muốn giảm cân giữ dáng (chỉ ăn một chút bánh và uống vitamin tổng hợp, nước hoa quả, nói không với tinh bột....), nên không thấy có gì đáng ngại dù những người xung quanh nhắc nhở chị H. giữ sức khỏe.

Thay vì nhận định nguy cơ, chị H, coi đó là những lời khen. Chỉ đến khi cảm thấy buồn nôn và đau tức vùng thượng vị, đi ngoài ra máu…, chị đi khám mới biết ung thư dạ dày giai đoạn muộn.

Tại khoa Ngoại tiêu hoá, Bệnh viện K, khoảng 70% người bệnh có tình trạng sụt cân trước khi vào viện, đa phần được chẩn đoán mắc các bệnh lý ác tính của dạ dày, đại trực tràng, gan, tuỵ… Dinh dưỡng thiếu hụt có thể do u tiến triển gây suy mòn, đau đớn khiến người bệnh không dám ăn, đặc biệt là tâm lý buông xuôi, nhịn ăn chữa bệnh... gây tình trạng suy kiệt.

Theo ThS.BSCKI Hà Hải Nam, 50% số người bệnh chờ mổ bị suy dinh dưỡng. Đây là con số thực tế hàng ngày tại các cơ sở ngoại khoa trên toàn quốc. Thậm chí, nhóm người bệnh có các bệnh lý nặng kèm theo như COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), bệnh thận mạn tính, bệnh nhân phải nằm hồi sức tích cực, xơ gan…, con số này còn ở mức 65-90%.

Tỷ lệ này với người bệnh phải can thiệp vào ổ bụng khoảng 55%. Thống kê từ các bệnh viện trên toàn nước Mỹ cho thấy, 2/3 số người phẫu thuật bụng có tình trạng dinh dưỡng không đúng mức.

Tránh để người bệnh đói và khát trước mổ

ThS.BS CKI Hà Hải Nam nhận định, trước đây, quan niệm người bệnh tuyệt đối “ No food or drink” - không thực phẩm và đồ uống trước mổ, hay còn được gọi là hướng dẫn “nothing-by-mouth”, tức là nhịn ăn - uống tuyệt đối trước mổ 6 tiếng, do lo ngại dạ dày bị “đầy”, khiến dịch trào ngược vào đường thở khi mổ.

Quan điểm này giờ không còn chính xác nữa. Người bệnh nên uống dịch có chứa carbohydrate (loại dung dịch được cung cấp bởi khoa Dinh dưỡng của các bệnh viện) trước mổ 2 tiếng sẽ giúp làm giảm tỷ lệ tăng đường huyết sau mổ, giảm đáp ứng gây viêm sau mổ và giúp đường tiêu hoá tái hoạt động sau mổ tốt hơn.

BSCKII Lưu Kính Khương, nguyên Trưởng khoa Gây mê hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhân dân 115, cho hay, trước các ca phẫu thuật, người bệnh phải nhịn ăn để tránh nguy cơ hít sặc dịch dạ dày vào đường thở khi gây mê đặt nội khí quản, vì hít sặc gây viêm phổi, tăng nguy cơ tử vong chu phẫu. Đó là lý do lâu nay bệnh nhân được dặn nhịn ăn, nhịn uống nhiều giờ trước mổ.

Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu gần đây, người bệnh chỉ cần nhịn ăn 6 tiếng trước mổ đối với thức ăn đặc, 2 tiếng đối với nước trong. Vì khi nhịn đói lâu hơn, cơ thể sẽ dùng nguồn glucose dự trữ có trong gan và cơ làm giảm sức cơ, rối loạn đường huyết, chậm lành vết thương do còn quá trình tăng dị hóa đạm sau mổ.

Mặt khác, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở những bệnh nhân nhịn đói lâu hơn, lượng dịch dạ dày không ít hơn và nguy cơ hít sặc cũng không thấp hơn so với những bệnh nhân nhịn uống chỉ 2 giờ trước phẫu thuật.

Một nghiên cứu trên 880 bệnh nhân cho thấy, uống 800 ml nước đường 12,5% vào buổi tối trước ngày phẫu thuật, 400ml trước mổ 2 – 3 giờ làm giảm nhu cầu insulin, ít tăng đường huyết hơn và giảm rõ tổn thương cơ tim so với nhóm dùng giả dược.

Ngoài ra, việc tăng phục hồi sau mổ, giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong sau mổ cũng được chứng minh trong nhiều nghiên cứu ở các quốc gia tại châu Âu, Trung Quốc, Brazil, Canada và New Zealand trong phẫu thuật bụng, chỉnh hình, tim và cắt tuyến giáp.

Vì vậy, theo ThS.BSCKI Hà Hải Nam, người bệnh cần can thiệp về dinh dưỡng từ 7 đến 14 ngày trước mổ. Mục đích để bồi hoàn năng lượng thiếu hụt, cải thiện chức năng cơ thể và bảo tồn hệ vi sinh đường ruột.

Việc bổ sung dinh dưỡng tốt nhất là qua đường ăn uống. Trường hợp người bệnh không thể ăn, nhai, nuốt như viêm miệng, u thực quản... phải can thiệp dinh dưỡng bổ sung qua thực phẩm bổ sung; Bổ sung dinh dưỡng qua đường miệng (chủ yếu); qua sonde, truyền tĩnh mạch....

Bệnh nhân khi được phẫu thuật là một stress đối với cơ thể. Để đáp ứng với tình trạng stress này, cơ thể sẽ tiết ra các hormon như: Cortisol, epinephrine, glucagon, GH, aldosterol, ADH... làm tăng nhu cầu chuyển hóa nên cơ thể cần nhiều năng lượng hơn.

Sau mổ, trong quá trình lành vết thương, diễn ra sự biến đổi nội tiết trong cơ thể. Điều này đòi hỏi nhu cầu năng lượng cao để giúp cơ thể hồi phục" - BSCKII Lưu Kính Khương

Theo Đời sống
Tiểu sử tân Chủ tịch nước Lương Cường

Tiểu sử tân Chủ tịch nước Lương Cường

Nhận được tín nhiệm cao từ các đại biểu QH, ông Lương Cường, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021-2026. Nghị quyết bầu Chủ tịch nước đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 21/10.
back to top