Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh lý hô hấp nặng do nhiễm virus

Mỗi ngày khoa Hồi sức Hô hấp Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận 5-10 trẻ điều trị các bệnh lý hô hấp nặng do nhiễm virus kèm theo sốt.

BSCKII. Lê Thanh Chương, Trưởng khoa Hồi sức hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trung bình mỗi ngày khoa Hồi sức Hô hấp tiếp nhận 5-10 trẻ điều trị các bệnh lý hô hấp nặng do nhiễm virus kèm theo sốt. Nhiễm virus có sốt thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa đông xuân.

Những dấu hiệu thường gặp ở trẻ nhiễm virus là sốt ở nhiều mức độ khác nhau, có thể là sốt thoáng qua, sốt nhẹ hoặc có những trẻ sốt cao liên tục. Khi trẻ sốt cao có thể rét run toàn thân, một số trẻ có thể bị co giật. Trẻ có thể sốt đơn thuần hoặc kèm theo các dầu hiệu khác tùy từng loại virus và từng trẻ như ho, chảy mũi trong, tiêu chảy, phát ban, mụn nước trên da…

sot-virus-1.jpg
Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh lý hô hấp nặng do nhiễm virus

Sốt virus thường cấp tính, kéo dài 3 – 5 ngày, ít khi quá 7 ngày. Sốt virus có thể đơn thuần và tự khỏi nhưng cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác, gây diễn biến nặng tùy vào từng loại virus và cơ địa của trẻ.

Nhiều loại virus có thể gây bệnh cảnh rất nặng đe dọa tính mạng của trẻ hoặc để lại di chứng nặng nề như virus gây viêm não Nhật Bản, virus gây bệnh tay – chân – miệng, virus Dengue gây sốt xuất huyết, virus Rota gây tiêu chảy mất nước…

Theo BSCKII Lê Thanh Chương, hiện các bệnh do virus gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Nếu trẻ sốt virus đơn thuần có thể điều trị tại nhà, theo hướng dẫn của bác sĩ: mặc thoáng mát, uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu giàu dinh dưỡng, ăn thêm quả, nước ép trái cây… Cha mẹ nên dự phòng sẵn thuốc hạ sốt để dùng khi cần thiết.

Khi thân nhiệt trẻ cao trên 38,5 độ C đo ngoài da (nách, trán, lỗ tai) thì có thể dùng paracetamol (tên biệt dược: Efferalgan, Panadol, Hapacol…) với liều 10-15mg/kg cân nặng mỗi 6 giờ để tránh sốt quá cao có thể gây các phản ứng bất lợi như co giật, mất nước, mệt mỏi nhiều.

Nếu chưa loại trừ được trẻ có bị sốt xuất huyết hay không thì không được dùng các thuốc chứa thành phần ibuprofen (tên biệt dược: Sotstop, Brufen…) vì có thể gây xuất huyết nặng thêm.

sot-virus.jpg
Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh lý hô hấp nặng do nhiễm virus

Khi trẻ bị nhiễm virus, cha mẹ không nên quá lo lắng hoặc quá chủ quan. Cần chăm sóc trẻ chu đáo, phát hiện được các dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám. Một số dấu hiệu cần biết như: sốt đơn thuần 2 – 3 ngày không thuyên giảm, sốt kèm theo các dấu hiệu toàn thân hoặc các cơ quan khác như mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, phát ban, mụn nước trên da, giật mình, co giật, ho, khó thở, tiêu chảy…

Để phòng ngừa nhiễm virus, cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc nguồn lây: tránh tiếp xúc người đang nhiễm virus, tránh nơi đông người, nằm màn, phun thuốc diệt muỗi… Cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ: cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng (khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trong năm đầu đời), thường xuyên cho trẻ vận động tăng cường thể lực, tạo môi trường sống trong sạch, vui vẻ, lành mạnh; tiêm phòng đầy đủ văcxin tạo miễn dịch chủ động cho trẻ chống lại virus (cúm, sởi, quai bị, viêm não nhật bản, bại liệt, rotavirus…).

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top