Đầu giờ chiều ngày 7/9, đại diện hàng chục doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội tìm đến địa chỉ của Sở Công Thương tại quận Cầu Giấy. Theo ghi nhận của Zing, đây đa phần là những doanh nghiệp chưa được cấp giấy đi đường mặc dù đã nộp hồ sơ trước đó.
“Công ty tôi đã làm thủ tục xin cấp giấy đi đường qua email của Sở từ ngày 5/7. Đến nay vẫn không nhận được hồi âm, cực chẳng đã tôi mới phải đến đây tìm hiểu”, Bích Thủy - chủ một doanh nghiệp phân phối thiết bị y tế - cho biết.
Bắt đầu từ ngày mai 8/9, TP Hà Nội chính thức áp dụng mẫu giấy đi đường mới chứa mã QR. Đối với nhóm doanh nghiệp dịch vụ công ích, thiết yếu, việc cấp giấy đi đường sẽ do công an xã/phường hoặc một số ban ngành như Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải đảm nhiệm.
Hà Nội sẽ siết chặt quy định về giấy đi đường mới vào ngày 8/9. Ảnh: Hồng Quang. |
Với mong muốn sớm xin được giấy phép, ngay từ những ngày đầu, doanh nghiệp của chị Thủy đã liên lạc với công an khu vực để làm thủ tục.
“Tôi gửi email nhiều lần nhưng đều không thành công, hỏi ra mới biết hòm thư của phường đang quá tải, việc liên lạc với công an phường cũng rất khó khăn. Nộp thành công rồi thì phường trả lại hồ sơ, hướng dẫn tôi đăng ký trực tiếp với Sở Công Thương Hà Nội do lĩnh vực của doanh nghiệp quá rộng”, chị trần tình.
Dự kiến trong ngày 10/9, doanh nghiệp của chị sẽ tiếp nhận lô hàng thiết bị y tế nhập khẩu từ cảng Hải Phòng về Hà Nội. Tuy nhiên, nếu vẫn không có giấy đi đường từ nay cho đến lúc hàng cập bến, hoạt động vận chuyển của doanh nghiệp này sẽ hoàn toàn tê liệt, đó là chưa kể những thiệt hại phát sinh từ chi phí lưu kho bãi.
Chia sẻ thêm, chị Thủy cho biết việc giới hạn giấy đi đường cho nhân viên cũng khiến doanh nghiệp đối mặt vô số khó khăn. Hiện tại, doanh nghiệp này chỉ được phép đăng ký giấy đi đường cho 30% lao động, tương đương 8-9 nhân viên.
“Tính riêng đội ngũ lái xe vận chuyển, bốc dỡ hàng đã là 6 người. Doanh nghiệp không thể đảm bảo khả năng hoạt động khi chỉ có 3 nhân viên quản lý, chưa kể lãnh đạo, được phép ra đường”, chị phàn nàn.
Sát ngày thực hiện quy định mới nhưng vẫn chưa thấy thông tin phản hồi, chị Thủy tỏ ra sốt ruột. Mặc dù vậy, ngay cả khi đến Sở Công Thương, chị vẫn phải ngậm ngùi quay xe ra về tay trắng.
“Cơ quan có bảng hướng dẫn đăng ký giấy đi đường kèm số điện thoại người phụ trách nhưng tôi gọi không thấy bắt máy, giờ không biết ai có thể hỗ trợ bây giờ”, chị phàn nàn.
Không riêng chị Thủy, nhiều doanh nghiệp khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Trao đổi với Zing, Khải Hân - đại diện một doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu - lộ rõ vẻ lo lắng.
“Chúng tôi đăng ký qua Sở từ ngày 6/9, giờ không biết tình hình hồ sơ ra sao, có được chấp thuận hay thiếu sót gì không. Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là sớm nhận được giấy đi đường. Nếu không có, tức là chúng tôi phải tạm dừng hoạt động trong ngày mai”, vị này bộc bạch.