Sau 45 ngày thực hiện giãn cách, Hà Nội bắt đầu cấp giấy đi đường theo mẫu mới có QR code để phục vụ việc siết chặt theo phương án phân vùng và hạn chế người ra ngoài.
Đây là lần thứ 4 thành phố đổi mẫu giấy đi đường. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không thông báo cụ thể về thủ tục, biểu mẫu và tiêu chí xét duyệt khiến nhiều doanh nghiệp thuộc khối tư nhân gặp khó, phải đi lại nhiều lần và thậm chí chấp nhận bỏ cuộc.
“Nếu 2 ngày nữa họ không phản hồi, tôi chấp nhận bỏ cuộc”
Theo quy định mới, các cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu, thẩm quyền cấp giấy đi đường cho nhóm này thuộc về công an xã, phường, thị trấn.
Một ngày trôi qua kể từ khi thành phố "chốt" phương án cấp giấy đi đường mới, anh Đ.V.H., chủ một doanh nghiệp thiết bị y tế ở phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội), cho biết anh vẫn chưa thể hoàn thành các thủ tục xin cấp giấy đi đường mới cho hơn chục nhân viên của mình. Hàng ngày, họ phải di chuyển từ nhà đến doanh nghiệp và đi giao hàng nên bắt buộc phải có loại giấy này.
Mặt hàng kinh doanh của công ty này chủ yếu là bình oxy, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế… Sau khi liên hệ lên UBND phường Phương Mai, anh H. được hướng dẫn liên hệ với cảnh sát khu vực.
“Doanh nghiệp của tôi có trụ sở trên phố Phương Mai, tuy nhiên nơi kinh doanh, sản xuất lại ở phố Lương Định Của. Dù chỉ cách nhau chưa tới 2 km, lại cùng một phường nhưng do 2 cảnh sát khu vực khác nhau phụ trách. Sau khi gọi điện qua lại liên tục tôi mới ‘chốt’ được xem chiến sĩ nào mới phụ trách công ty của mình”, anh nói.
Các doanh nghiệp thuộc khối tư nhân đang bối rối trước "ma trận" thủ tục cấp giấy đi đường mới của Hà Nội. Ảnh: Đức Anh. |
Tiếp đó, anh Đ.V.H. được yêu cầu hoàn thành 7 loại thủ tục, giấy tờ gồm: Đơn đề nghị; đăng ký kinh doanh; phương án sử dụng lao động mùa dịch; phương án phòng, chống dịch; file danh sách cán bộ, nhân viên đề nghị cấp giấy đi đường; các file tài liệu khác liên quan đến vấn đề đi đường của nhân viên nếu là trường hợp có khung giờ không cố định theo giờ như ca trực và giấy giới thiệu gửi đến UBND phường thẩm định hồ sơ cấp.
“Khi tôi hỏi thì chiến sĩ cảnh sát khu vực không cung cấp được biểu mẫu sẵn và tôi cũng rất lo với chừng ấy giấy tờ cần phải hoàn thiện thì đến khi nào chúng tôi mới được cấp giấy mới”, anh H. nói.
Tiêu chí xét duyệt chưa rõ ràng
Trong khi đó, anh H.Q.H. (chủ một doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ tại quận Bắc Từ Liêm), tỏ ra băn khoăn về những tiêu chí xét duyệt của cơ quan chức năng.
“Hiện các doanh nghiệp đã nghỉ hết, nếu không cho bảo vệ đi làm thì lấy ai trông nom tài sản của doanh nghiệp? Tôi rất băn khoăn khi phía thành phố không đưa ra các tiêu chí đánh giá và xét duyệt cụ thể như thế nào mới được cấp giấy, trong khi công an cấp xã cũng rất dè chừng, đề phòng giấy bị cấp sai mục đích”, anh H. chia sẻ.
Với đặc thù nhân viên nằm rải rác khắp thành phố, anh H. đang phải xin cấp giấy cho 46 bảo vệ cùng 7 người khối điều hành do không đảm bảo điều kiện ăn ở "3 tại chỗ". Tuy nhiên, phía cảnh sát khu vực phản hồi rằng nhân viên làm việc ở khu vực nào sẽ xin giấy đi đường ở khu vực đó. Do vậy, doanh nghiệp này quyết định làm thủ tục trước cho 7 người làm việc tập trung ở khối điều hành.
Sau hướng dẫn của cảnh sát khu vực, anh H. gửi hồ sơ vào địa chỉ email của công an phường lúc 8h sáng 6/9. Tới khoảng 17h cùng ngày - 9 tiếng sau khi nộp hồ sơ - đại diện doanh nghiệp liên hệ cảnh sát khu vực thì vị này cho hay lượng hồ sơ quá lớn nên phía UBND phường chưa thể phê duyệt xong và được hẹn tới 9h sáng 7/9 mới phản hồi kết quả.
“Tôi mới nộp đăng ký cho 7 nhân viên mà họ hẹn hơn một ngày mới thông báo kết quả trong khi 8/9 thành phố sẽ xử phạt người ra đường không có giấy mới. Trong trường hợp khó khăn quá, tôi đành chấp nhận cho 46 bảo vệ còn lại nghỉ việc”, anh H. nói.
“Thiếu một tư duy tổng thể”
Đánh giá về việc Hà Nội loay hoay cấp giấy đi đường khiến người dân gặp khó, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng tình trạng của Hà Nội cũng là tình trạng chung của cả nước hiện nay.
QR code nói riêng và ứng dụng công nghệ 4.0 nói chung đang bị sử dụng như một trào lưu. Mỗi địa phương làm một kiểu trong khi điều quan trọng nhất là hiệu quả và thuận tiện cho người dân thì chưa rõ ràng. Vị chuyên gia đánh giá giải pháp của Hà Nội đang thủ công hóa công nghệ từ khâu nộp hồ sơ đến kiểm tra trên đường.
“Một giải pháp đưa ra để đáp ứng một mục tiêu cao nhất nhưng bên cạnh đó nó còn liên quan đến nhiều giải pháp và các mục tiêu liên quan. Nếu không có sự liên kết tổng thể, làm được việc này thì có nguy cơ hỏng việc khác”, ông Liên chia sẻ.
Với việc cấp và kiểm soát giấy đi đường theo mã QR của Hà Nội, ông Liên cho rằng mục tiêu là rất tốt, không có gì để bàn cãi khi chính quyền bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân.
Tuy nhiên, người quản lý lại đang chạy theo các vấn đề cụ thể, các vấn đề chịu sức ép mà thiếu đi một tư duy quản trị chung. Chính điều đó gây nguy cơ phát sinh thủ tục cho doanh nghiệp và người dân. Mặt khác, việc này còn gây ùn tắc ở các chốt kiểm soát. Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh hoàn toàn có thể xảy ra.
Dòng người ùn ứ tại chốt kiểm soát ở Hà Nội vào sáng 6/9. Ảnh: Việt Linh. |
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng không thể thấy giải pháp có vấn đề mà không làm và phản ứng vùi dập. Khi chưa có điều kiện và giải pháp tốt hơn thì cần ứng dụng ngay những thứ đang có trong tay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách như hiện nay. Điều đáng nói là khi áp dụng, người quản lý cần có tư duy điều chỉnh nhanh nhất những bất cập nảy sinh và gia tăng thuận lợi cho người dân.
“Mục tiêu quản lý là tối thượng nhưng chúng ta cũng cần chia sẻ với những khó khăn của người dân để tính khả thi được cao lên. Nếu chỉ khăng khăng mục tiêu quản lý một cách cứng nhắc thì rất dễ có tác dụng ngược”, ông Liên nói.
Về những giải pháp dài hơi, ông Vũ Hoàng Liên đánh giá cơ quan quản lý Nhà nước cần một tổng đạo diễn có tư duy quản trị và tầm nhìn tổng thể. Ông lý giải khi thiếu một tổng đạo diễn, chúng ta sẽ không có một kịch bản và một quy hoạch tốt.
Lấy ví dụ về một số ý kiến cho rằng vì sao Hà Nội không học theo mô hình cấp giấy đi đường của Đà Nẵng, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng ông không đánh giá giải pháp của địa phương nào tốt hơn. Tuy nhiên, chính lúc này, cơ quan quản lý cùng một tổng đạo diễn sẽ phải đứng ra đánh giá, rằng giải pháp này tốt, giải pháp kia chưa đạt. Từ đó có sự điều hành, hướng dẫn các địa phương áp dụng toàn bộ hoặc một phần.
“Nếu có một tổng đạo diễn lắp ghép các hệ thống này lại trên nền tảng dữ liệu dân cư quốc gia thì không chỉ Hà Nội mà cả nước hoàn toàn có thể tận dụng sức mạnh công nghệ trong chống dịch, thay vì loay hoay và lãng phí nguồn lực xã hội như hiện nay”, ông Liên đánh giá.