Giấy đi đường 4.0: Sao Hà Nội không “học theo” Đà Nẵng?

Người dân đang phàn nàn về việc Hà Nội tiếp tục thay đổi hình thức cấp giấy đi đường. Nhiều ý kiến cho rằng cách làm của Đà Nẵng rất thành công, vậy tại sao không học theo mô hình đó? 

Quy trình tiếp nhận, xét duyệt và cấp giấy đi đường mới của Hà Nội từ ngày 5/9 đang khiến dư luận lo lắng vì quá phức tạp.

Thời công nghệ nhưng vẫn thủ công

Công an TP. Hà Nội đã hoàn thành và từng bước triển khai phần mềm cấp, kiểm tra giấy đi đường có nhận diện cho đối tượng đủ điều kiện tham gia giao thông qua mã QR code trên địa bàn TP. Hà Nội.

Dự kiến có 6 nhóm đối tượng được lực lượng chức năng xét duyệt hồ sơ, cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến người dân cho rằng dù đã có hướng dẫn nhưng vẫn còn hiểu, gây hoang mang về việc thủ tục cấp giấy đi đường. Họ cho rằng các thủ tục này là rối rắm, trải qua nhiều bước gây phiền toái cho người dân.

Giay di duong 4.0: Sao Ha Noi khong “hoc theo” Da Nang?
 Hà Nội chuẩn bị cấp mới giấy đi đường.

Anh Phạm Quang Hưng, 45 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, sau khi đọc thông tin về việc dự kiến cấp giấy đi đường mới trên phương tiện truyền thông, bản thân anh và nhiều người chưa hiểu rõ quy trinh xin, cấp loại giấy này. 

Theo anh Hưng, anh hiện đang làm việc trong một công ty cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu ở quận Thanh Xuân, thuộc nhóm 6, đối tượng được cấp giấy đi đường.

"Đối với nhóm 6, về quy trình có 4 bước, tôi thấy về quy trình như vậy là chưa thực sự ổn, vì phải trải qua nhiều bước, rối lắm, gây phiền toái cho người dân. Chưa kể, lực lượng cảnh sát khu vực, công an mỗi ngày sẽ phải tiếp nhận hàng nghìn bộ hồ sơ thì làm sao có thể xử lý kịp, trong khi các anh đang phải xử lý rất nhiều công việc" - anh Hưng băn khoăn.

Anh Hưng cho rằng, Hà Nội nên sử dụng một phần mềm công nghệ chung để người dân, cơ quan tự động đăng ký. Kết quả được hay không sẽ do cơ quan cấp thanh lọc, trả lời. Tránh việc thủ công cầm giấy tờ kéo đến trụ sở cơ quan nhà nước, dễ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Chị Vũ Thu Hà, quận Thanh Xuân cũng băn khoăn, hiện nay việc cấp giấy đi đường của Hà Nội là căn cứ vào nơi ở hay nơi làm việc của cơ quan. Bản thân chị cũng đang trong tình trạng ở quận Thanh Xuân nhưng cơ quan ở quận Ba Đình.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng cho rằng, đối với vấn đề quy định lại về việc cấp giấy đi đường  vẫn chưa hợp lý, chưa khả thi.

Quy định, hướng dẫn có những nội dung khó hiểu, dẫn đến áp lực cho người dân, doanh nghiệp và quá tải đối với cơ quan chức năng trong việc cấp giấy đi đường.

Theo dự kiến quy trình cấp giấy đi đường có hai cơ quan (2 cấp) có thẩm quyền cấp giấy là Công an phường và Công an thành phố.

Trong khi đó, đối tượng được phép đi lại theo Chỉ thị 16 tại Hà Nội là 6 nhóm, nếu để hai đầu mối này cấp giấy đi đường khả năng sẽ quá tải, chậm trễ dẫn đến khó khăn cho công dân, doanh nghiệp và quá tải về công việc đối với chính cơ quan Công an.

Với số lượng người được phép ra đường như hiện nay rất nhiều, khi quá nhiều người gọi điện và liên hệ qua email của cơ quan chức năng, các đầu mối tiếp nhận thông tin và xem xét cấp giấy hiện tượng quá tải hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo luật sư Cường, để giảm thiểu số người ra đường thì đơn giản nhất là hạn chế số người được phép hoạt động trong thời gian thành phố áp dụng Chỉ thị 16 thay vì việc gia tăng các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phức tạp cho việc cấp giấy ra đường, ảnh hưởng đến cả cơ quan chức năng và người dân trong việc thực hiện thủ tục này.

"Nếu chúng ta không tìm được ra nguyên nhân, không chỉ đúng nguyên nhân thì mọi biện pháp đều sẽ không mang lại hiệu quả.

Tính đến nay, Hà Nội đã 4 lần ban hành quy định về mẫu giấy đi đường, những lần trước đã có bất cập, phiền toái nhất định. Do đó, người dân lo ngại những quy định mới về mẫu giấy đi đường sẽ gây phiền toái cho người dân, doanh nghiệp và làm phiền cả các cơ quan chức năng đang căng sức chống dịch.

Tận dụng công nghệ để quản lý

Tại TP. Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đã hướng dẫn các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn cấp giấy đi đường trực tuyến; thời gian áp dụng từ 8h ngày 5/9.

Có hai địa chỉ đăng ký giấy đi đường, gồm web giaydiduong.danang.gov.vn và tải ứng dụng eTicket-DaNang trên điện thoại thông minh. Người đăng ký thành công được cấp mã QR Code để in ra giấy (lưu lại một bản ở cơ quan, đơn vị). Công an sẽ lập các chốt kiểm soát cứng, tuần tra lưu động.

Giấy đi đường 4.0: Sao Hà Nội không “học theo” Đà Nẵng? ảnh 2
 Một mẫu giấy đi đường của Đà Nẵng trong đợt này.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, ứng dụng cho phép thực hiện các bước đăng ký, phê duyệt, cấp giấy đi đường QR Code và nhận giấy đều trực tuyến. Thành phố dựa trên dữ liệu để kiểm tra, xử lý các hành vi đăng ký, cấp và sử dụng không đúng giấy đi đường.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được phép hoạt động mới có quyền đăng ký người tham gia giao thông, đến nơi làm việc và trở về nhà; số lượng khống chế từ 30 đến 50%; nếu đáp ứng 3 tại chỗ thì một số lĩnh vực được tối đa 70% lao động.

Người đăng ký phải cung cấp đầy đủ thông tin, chính xác trên ứng dụng. Giấy đi đường chỉ có giá trị tham gia giao thông theo nguyên tắc "một cung đường hai điểm đến", không được sử dụng vào mục đích khác, nhất là đi chợ, siêu thị...

Để thuận lợi cho việc giám sát, Đà Nẵng yêu cầu người đăng ký giấy đi đường phải cung cấp thông tin biển số xe dùng để đi lại thường xuyên; chi tiết mục đích đi lại và thông tin về nơi cư trú. Người đang ở vùng đỏ không được cấp giấy đi đường.

Trường hợp người đăng ký được cấp giấy đi đường vì thuộc vùng xanh, nhưng sau đó khu vực nơi ở chuyển sang màu đỏ thì giấy đi đường lập tức bị huỷ trên hệ thống ứng dụng. Người đã về vùng đỏ thì không được di chuyển ra bên ngoài. Dữ liệu vùng đỏ, vùng xanh cập nhật tại covidmaps.danang.gov.vn và bit.ly/vungdovangxanh.

Đối với doanh nghiệp thay ca hoặc thay đổi nhân viên, giấy đi đường đã cấp trước đó phải được thu hồi và cập nhật danh sách nhân viên mới. Người được cấp giấy đi đường không cho mượn, photo hay giao cho người khác sử dụng; nếu vi phạm sẽ bị thu hồi giấy và xử phạt theo quy định.

Người dân muốn ra đường trong các trường hợp cấp bách, cần thiết (đến ngân hàng, mua tạp hóa...) thì đề nghị UBND xã, phường cấp giấy; nếu được đồng ý, giấy đi đường phải ghi thời gian đi, về, tổng số giờ tham gia giao thông, lộ trình, điểm đến, mục đích đi lại...

UBND phường, xã sẽ cấp giấy đi đường (trực tuyến hoặc trực tiếp nếu người dân không có điện thoại thông minh hay máy tính đế đăng ký) cho chủ cửa hàng tạp hóa; các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa điện, nước dân sinh; các nhà hàng, quán ăn (trong vùng xanh); dịch vụ hợp tác xã nông nghiệp; tang lễ...

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông, nói việc áp dụng cấp giấy đi đường trực tuyến sẽ tránh được tình trạng người dân tập trung đông người đến các công ty, cơ quan, công sở.

"Ứng dụng cấp giấy đi đường đã tích hợp hết dữ liệu về các cơ quan, doanh nghiệp, số lượng được phép hoạt động trong thời gian thành phố cách ly xã hội và cập nhật vùng đỏ, vùng vàng, vùng xanh nên sẽ kiểm soát được việc đăng ký ngay từ đầu, tránh tình trạng cấp sai giấy đi đường" - ông Thạch nói.

Theo kienthuc.net.vn
back to top