Không dùng tinh dầu tinh khiết khắp nơi
Theo ghi nhận của KH&ĐS, thị trường tinh dầu khá phong phú với đủ chủng loại khác nhau, từ sả chanh, tràm, cam, chanh, bưởi đến tinh dầu quế, lavender, hoa hồng, bạc hà, gừng… Giá của tinh dầu cũng khá phong phú, tùy thương hiệu, thể tích, chủng loại mà có nhiều mức khác nhau.
Trung bình một lọ 10ml có giá từ 60.000 – 70.000đ, nhưng cũng có nơi chỉ bán 20.000 – 30.000đ. Cá biệt, có những loại tinh dầu để trong chai, lọ lớn đến vài trăm ml cũng chỉ có giá vài chục ngàn đồng. Làm thế nào để nhận biết tinh dầu đúng chuẩn, không bị pha trộn tạp chất là bài toán khó với người tiêu dùng.
Tinh dầu này có mùi rất nặng, đặc nên côn trùng sẽ sợ mà bay đi.
GS.TS Phạm Quốc Long, Viện trưởng Viện Hóa học và Các hợp chất thiên nhiên cho biết, tinh dầu để trong các chai nhỏ như ngón tay là loại tinh dầu tinh khiết, hay còn gọi là tinh dầu cao cấp. Người ta sử dụng loại tinh dầu xả chanh, cam, bưởi, bạc hà, tràm… để xua đuổi côn trùng là rất phù hợp.
Tinh dầu này có mùi rất nặng, đặc nên côn trùng sẽ sợ mà bay đi. Loại tinh dầu đựng trong các chai lớn là cặn tinh dầu. Trong quá trình xử lý, trích xuất tinh dầu ở quy mô lớn thì có cặn, người ta đóng chai cặn này để tận dụng mùi tinh dầu còn sót lại. Tinh dầu này chất lượng không cao nhưng hoàn toàn có thể đuổi được côn trùng.
“Không nên sử dụng tinh dầu tinh khiết ở khắp mọi nơi vì rất lãng phí. Ví dụ như trong nhà vệ sinh, trong các khe, hốc nhà, các lùm cây, chậu cây… cần đuổi côn trùng thì người ta dùng tinh dầu này. Tinh dầu cặn có hàm lượng loãng hơn tinh dầu tinh khiết, nhưng mùi hương vẫn không thay đổi, có thể sử dụng để phun, xịt, cọ rửa nhà vệ sinh… đuổi côn trùng.
Chỉ sử dụng tinh dầu tinh khiết trong phòng ngủ hoặc cho vào các đèn đốt để tinh dầu lan tỏa khắp không gian. Nhiều người không biết, cứ sử dụng tinh dầu tinh khiết để xịt khắp nhà, thậm chí là cả trong nhà vệ sinh, là rất lãng phí”, GS.TS Phạm Quốc Long cho biết.
Theo GS.TS Phạm Quốc Long, đa phần tinh dầu thiên nhiên nguyên chất rất dễ bay hơi và nó cũng có xu hướng phai mùi nhanh hơn các loại tinh dầu pha trộn tạp chất. Tinh dầu thiên nhiên mang mùi thơm tự nhiên, giúp bạn cảm thấy thoải mái và không gây chóng mặt, đau đầu.
Pha loãng để biết tạp chất
Theo GS.TS Phạm Quốc Long, tinh dầu thiên nhiên nói chung rất tốt cho sức khoẻ và ngược lại, tinh dầu bị pha trộn các tạp chất lại là kẻ thù của sức khoẻ. Ví dụ như sử dụng tinh dầu có pha acetone thì khi hít phải có thể bị ngộ độc, trường hợp hít phải tinh dầu này suốt đêm thì có thể bị phù nề đường hô hấp.
Trường hợp tinh dầu được pha loãng với cồn thì không có hại nhiều bằng việc pha với các dung môi khác như acetone, xăng, dầu hỏa. Tinh dầu có mùi rất nặng nên người ta có thể pha ra hàng vài chục lần cũng không phát hiện được mùi tạp chất, trừ khi đưa tinh dầu vào chạy máy để biết thành phần.
“Có một cách để nhận biết tinh dầu có đúng chuẩn hay không là pha loãng ra để nhận biết mùi. Khi pha loãng, mùi tinh dầu sẽ giảm đi, mùi của dung môi sẽ tăng lên. Nếu là tinh dầu pha trộn tạp chất thì lúc này mùi của các dung môi sẽ không bị át đi, có thể ngửi thấy được và dễ dàng nhận biết mùi của acetone, xăng, dầu trong đó.
Loại tinh dầu có tạp chất thì dù có pha loãng ra cũng tác động không tốt đến sức khoẻ. Việc hít thở tinh dầu này không có tác dụng thư giãn mà chỉ làm cơ thể thêm mỏi mệt, đau đầu, choáng váng”, GS.TS Phạm Quốc Long cho biết thêm.
Khi nhỏ một giọt tinh dầu ra khỏi lọ, nếu thấy độ nhớt của tinh dầu làm bạn cảm thấy khó khăn khi nhỏ ra thì đó là tinh dầu chất lượng tốt. Còn nếu như thấy tinh dầu vẫn bị đục, và độ nhớt tinh dầu kém, có thể nhỏ tinh dầu ra dễ dàng thì đây là một dấu hiệu cho thấy chất lượng tinh dầu đã bị thay đổi.
Bảo Khánh