Nhận biết bệnh do ngoại tà xâm nhập

Con người sống trong môi trường thiên nhiên luôn biến động, nếu sức chống đỡ của con người yếu đi (chính khí hư) và tác động của môi trường vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể thì các yếu tố trên trở thành nguyên nhân gây bệnh (tà khí).

Người xưa gọi những yếu tố gây bệnh do khí hậu thời tiết là ngoại nhân (nguyên nhân bên ngoài), đó là những nguyên nhân tác động từ thiên nhiên vào cơ thể.

Đó là những yếu tố khí hậu đã trở nên trái thường đối với mỗi con người, sự cân bằng giữa tác động của nó và sức chống đỡ của cơ thể đã mất, tác động của nó đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Người ta gọi nó là ngoại tà.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/ngoai-cam-405x228.jpg

Thể dục nâng cao sức khỏe chống lại ngoại tà xâm nhập.

Phong: Là khí của mùa xuân, thuộc dương. Phong luôn biến động (thiện hành đa biến). Nó thường tác động ở phần trên cơ thể (ở đầu, ½ ngực). Ở đây, nó có thể xâm nhập vào cơ phu gây bệnh cảm phong (đau đầu, ho, tịt mũi, chảy nước mũi); Có thể vào kinh lạc gây thương phong hoặc phong trúng kinh lạc, chủ yếu là kinh thái dương (sốt, sợ gió, đau đầu, hơi ra mồ hôi, mạch phù hoãn);

Có thể vào sâu trong tạng phủ gây trúng tạng phủ, kinh lạc: hôn mê, liệt nửa người (trúng tạng phủ), liệt nửa người (trúng kinh lạc). Phong trúng kinh lạc, tạng phủ được gọi là trúng phong. Biểu hiện của phong là luôn biến động: tê, buốt, ngứa, đau chạy, đau giật, cơ máy, cơ giật…

Hàn: Là khí của mùa đông, thuộc âm, hàn thường làm tổn thương khí dương của tỳ vị, phế, thận làm khí trệ huyết ngưng, làm bì phu gân cơ và kinh mạch co lại. Biểu hiện của khí dương của tỳ vị trúng hàn: chân tay giá lạnh, người lạnh, ỉa lỏng, đái trong dài, nôn nước trong, dãi nhiều, nặng thì có thể ngất đi.

Biểu hiện của khí trệ huyết ngưng: do hàn đau cả người (nếu tà ở biểu), đau bụng (nếu hàn ở trường vị). Biểu hiện của bì phu bị hàn co lại: tấu lý co lại, khí dương không tỏa ra được nên sợ lạnh, sốt, không mồ hôi. Biểu hiện của cơ gân kinh lạc bị hàn co lại: co cứng, co quắp, lạnh toát, tê dại không biết gì.

Thử nhiệt: Là khí mùa hè, thuộc dương, thử có tính nhiệt, tính thăng phát dễ làm tổn thương khí, tổn thương tân dịch, thương tâm. Biểu hiện của tính nhiệt (tác động ở phần dương): sốt cao, khát, mạch hồng, nhiều mồ hôi. Biểu hiện của tính thăng phát: hoạt động làm khí bị thương ở phần âm, tấu lý mở.

Khi tấu lý mở, tân dịch sẽ thoát ra bằng mồ hôi. Nếu mồ hôi mất quá nhiều, khí sẽ tổn thương quá mức có thể sẽ có hôn mê (thương tâm). Mùa hè thử dễ có thấp kèm theo, lúc đó có thêm chứng thấp (chân tay nặng, ăn kém, ỉa lỏng…).

Thấp: Là khí của mùa trưởng hạ (cuối hè) thuộc âm, thấp có tính nặng nề, dính, dễ làm trở ngại khí cơ. Biểu hiện của tính nặng nề dính: có cảm giác chân tay nặng nề, đầu nặng như bí bó lại, không tỉnh táo, khớp khó vận động, hoặc nước đái đục, phân sền sệt, đái ỉa không khoái, ngực đầy, bụng đầy, bụng đau, mót rặn…

Táo: Là khí của mùa thu, thuộc âm, táo có tính khô, dễ làm tổn thương tân dịch. Biểu hiện thường có mũi miệng khô, da khô nứt, lông tóc không mượt, phân khô, nước đái ít, ho khan ít đờm hoặc không có đờm.

Hỏa: Là nhiệt ở mức độ cao, hỏa có tính bốc lên, đốt tổ chức, chưng khô tân dịch, bức huyết vọng hành. Hỏa có thể do phong, thử, thấp, uất lại hóa thành. Biểu hiện tính hỏa bốc lên: Cảm giác nóng rát, sốt cao, sợ nóng, bồn chồn không yên, mặt đỏ, lưỡi loét, viêm lợi, lưỡi đỏ rêu vàng, nước đái đỏ, mạch sác.

Biểu hiện làm khô tân dịch: mồm khô thích uống nước lạnh, lưỡi khô, phân táo. Biểu hiện của huyết vọng hành: nôn máu, chảy máu cam, xuất huyết dưới da.

Dịch lệ: Là nguyên nhân gây bệnh có tác dụng truyền nhanh và làm tổn thương mạnh, còn gọi là lệ khí, dịch khí, độc khí, với “đường vào cơ thể là mũi mồm”. Dịch lệ có thể do khí hậu khắc nghiệt tạo thành (rét, nắng, hạn, lụt, lam sương chướng khí), có thể do rác bẩn, vật chết lưu cữu tạo thành.

Biểu hiện thường có: tâm phiền, bồn chồn, nói sảng, lú lẫn như đần như say, sắc mặt sạm, mạch phục trầm (trầm trì) rêu lưỡi cáu như phấn hoặc vàng dày khô.

GS Hoàng Bảo Châu

(nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền T.Ư)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top