Tượng Nguyễn Xí.
Đứng đầu các đại thần
Tháng 8/1426, sau khi làm chủ từ Thanh Hóa đến Thuận Hoá, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm ba cánh bắc tiến, Đinh Lễ, Nguyễn Xí đánh Đông Quan. Tiếp đó, đem quân phục binh ở Tốt Động, Chúc Động; tương kế tựu kế dụ Thông vào ổ mai phục, rồi đốt pháo giả làm hiệu cho quân Minh tiến vào.
Quân Vương Thông thua to, Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân bị giết, một vạn quân bị bắt sống. Thông cùng các tướng chạy về cố thủ Đông Quan. Lê Lợi được tin thắng trận liền tiến đại quân ra Bắc vây thành, Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ vây phía nam thành.
Tháng 2/1427, tướng Minh là Phương Chính đánh úp Lê Triện ở Từ Liêm, Triện tử trận. Tháng 3 Vương Thông đánh trại quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt. Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ mang 500 quân thiết đột tiếp viện, đánh đuổi quân Minh đến My Động. Hậu quân Lam Sơn không theo kịp, Vương Thông quay lại đánh, hai tướng cưỡi voi bị sa xuống đầm lầy, bị quân Minh bắt mang về thành.
Đinh Lễ không chịu hàng bị giết, còn Nguyễn Xí, nhân một đêm mưa gió dùng mưu lừa quân gác ngục trốn thoát trở về. Sau đó ông lại cầm quân tham gia trận chiến Xương Giang tiếp ứng cho Lê Sát bắt được Hoàng Phúc, Thôi Tụ. Đó là trận thắng lợi kết thúc khởi nghĩa Lam Sơn.
Mùa xuân Mậu Thân (1428) đại thắng, Lê Lợi lên ngôi Thuận Thiên hoàng đế, tướng Nguyễn Xí một lúc được nhận “quốc tính họ Lê, danh hiệu “Khai quốc công thần” với chức vị Long hổ thượng tướng quân.
Năm năm sau, Lê Thái Tổ băng hà. Cùng với quan Đại tư đồ Lê Sát – đứng đầu nhóm đại thần nhận ủy thác phò tá thái tử Lê Nguyên Long lên ngôi. Nguyễn Xí trở thành phụ nhiếp chính triều đình và từ năm 1437 làm quan Tham tri chính sự của vua trẻ Thái Tông.
Bị cách chức, đuổi về quê
Trong cuộc khủng hoảng triều chính những năm cuối thời Lê Thái Tông, các đại thần tranh giành, hãm hại lẫn nhau, Nguyễn Xí may mắn được yên lành, nên khi vua Thái Tông mất bất đắc kỳ tử năm 1442 ở “Vụ án Lệ Chi Viên”, để lại ngai vàng cho hoàng thái tử Lê Bang Cơ chưa đầy 2 tuổi, thì người được nhận di chiếu, ủy thác việc phò ấu chúa kế vị ngôi vua – trở thành hoàng đế Lê Nhân Tông chính là Nguyễn Xí, cùng với Thiếu bảo, Tham tri chính sự Trịnh Khả, Nhập nội Đại đô đốc Đinh Liệt…
Nhưng đến những rối loạn cung đình, tiếp tục thời Lê Nhân Tông, thì Nguyễn Xí không tránh được liên lụy.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép việc năm 1445 “Nhà vua còn nhỏ tuổi, hoàng thái hậu coi giữ triều chính, cất nhắc những người thân thích họ hàng. Thấy Nguyễn Xí không ăn cánh nên ghét bỏ.
Bấy giờ có việc đi đánh Chiêm Thành. Xí đã vâng lệnh, nhưng chưa đi, bị kẻ quyền thần tố cáo, buộc vào tội chết”. Rất may “Triều đình cho rằng, Xí là bậc kỳ cựu, có công lao, nên chiếu cố theo bát nghị trong luật lệ”, chỉ bị cách chức Nhập nội Đô đốc và đuổi về quê…
Năm 1448, triều chính dần ổn định, các bậc công, cựu đại thần cũng ngày càng thưa vắng, giữa cung đình, lại thấy Nguyễn Xí xuất hiện và được dự vào hàng “Tam Thiếu”, phụ trách chính quyền cấp cao, với chức Thiếu bảo, Tri quân dân sự.
Trải tiếp mười năm triều vua Lê Nhân Tông, Nguyễn Xí được vinh thăng tới chức Thái bảo, dự vào hàng “Tam Thái”, thì bất ngờ xảy ra vụ “đảo chính cung đình”. Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân giết em trai là hoàng đế Lê Nhân Tông để cướp ngôi.
Sự biến xảy ra vào một đêm tháng mười năm Kỷ Mão (1459). Từ đấy cho đến tháng sáu năm Canh Thìn (1460) là 8 tháng tang tóc và bi thương của triều đình. Ngụy vương và loạn thần đắc chí, còn các trung thần nghĩa sĩ thì náu mình, ẩn nhẫn, lo và chờ dịp khôi phục quốc thống.
(còn nữa)
Nguyễn Trung Thành