• Nguyễn Xí – đại thần của bốn đời vua
•Nguyễn Xí – đại thần của bốn đời vua – kỳ 2: Sóng gió trong triều chính
Đền thờ Nguyễn Xí.
Phản đảo chính
Sự tích dòng họ Nguyễn ở Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An kể rằng: Có lần bọn phản tặc thử xem có phải Nguyễn Xí mù thật hay không. Chúng chờ lúc vị lão thần sắp bước chân qua bậc cửa, thì lén đem đặt đứa con nhỏ chưa đầy một tuổi của ông ngay dưới thềm. Nguyễn Xí biết rõ, nhưng đành cắn răng dẫm chết con, để chúng tin chắc là mình thật sự bị mù!
Nhờ giỏi ngụy trang, Nguyễn Xí trở thành người đứng đầu nhóm trung thần nghĩa sĩ, cẩn trọng bí mật soạn sửa cuộc “phản đảo chính” diệt trừ kẻ tiếm ngôi Lê Nghi Dân và bè lũ vây cánh…“ngày 6 tháng sáu năm 1460 – Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “các đại thần là Thái bảo Lê Xí và Lê Liệt… bàn định: “Lạng Sơn vương Nghi Dân dám làm việc giết vua cướp ngôi, tức là hạng ác nghịch nhất nước.
Chúng ta, mang danh nghĩa những bầy tôi có công lao với kẻ giết vua cướp ngôi, thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới suối vàng được nữa”. Sau khi ở trong triều lui ra, các đại thần ngồi cả tại nhà Nghị sự.
Bọn Lê Xí đứng đầu, xướng xuất việc nghĩa, trước hết giết tên Đồn, tên Ban ngay trước nhà Nghị sự, sau đóng các cửa thành lại, rồi sai bọn Nhân Thuận thống lĩnh cấm binh, bắt đảng phản nghịch là lũ Trần Lăng hơn một trăm người giết hết. Các đại thần định nghị truất Nghi Dân làm Lệ Đắc hầu, bắt phải thắt cổ tự tử”.
Sau đó đến việc lập lại trật tự triều chính. Vẫn có Nguyễn Xí là người đứng đầu, các đại thần đã tìm được hoàng tử Lê Tư Thành trong hoàng tộc và quyết định đưa lên ngôi.
Ngày mồng 8 tháng sáu năm 1460, Lê Tư Thành làm lễ đăng quang ở điện Tường Quang trong hoàng thành Đông Kinh, chính thức ban bố niên hiệu Quang Thuận – niên hiệu sẽ còn được dùng trong 10 năm đầu của đại cuộc trị vì 38 năm, với nhiều thành công của vị hoàng đế tài danh Lê Thánh Tông.
Giữ mình có đạo
Từ đấy, Nguyễn Xí được hoàng đế Lê Thánh Tông hết sức nể vì, tưởng thưởng. Trong tháng sáu năm 1460, Nguyễn Xí được lên hàng Thái phó đứng thứ hai trong “Tam Thái”, kèm hai chữ tin cẩn “Nhập nội” và giữ chức Bình chương quân quốc trọng sự (Tể tướng), với tước phong Á quận hầu.
Tháng mười năm ấy chính thức luận công khen thưởng, tước hiệu của Nguyễn Xí đã được vinh thăng thành Quỳ Quận công. Ngự chế của nhà vua ban cho Nguyễn Xí, dệt gấm thêu hoa chẳng những công lao mà còn cả tính cách người lập công: “Xướng đại nghĩa để trừ kẻ hung tàn, ngươi đã có công như công yên được nhà Hán; lấy ngôi thượng công mà ban phong thưởng ngươi đáng được cái vinh dự cắt đất phân phong… Giữ mình có đạo, hồn nhiên như viên ngọc không lộ sáng; nghiêm sắc mặt ở triều, lẫm liệt như thanh kiếm mới tuốt… Lúc nước có biến phi thường, chỉ mình ngươi lo cứu vãn. Ngươi thực là bề tôi trung ái của ta…”.
Nguyễn Xí là một trong số rất ít danh tướng và cũng là khai quốc công thần đã phục vụ cho bốn đời vua Lê. Và với lời trên đây về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Xí cũng là quá đủ để hậu thế mãi mãi tôn vinh ông.
Năm 1465, Nguyễn Xí qua đời, thọ 69 tuổi, được truy tặng làm thái sư, thụy là Nghĩa Vũ; năm Hồng Đức thứ 15 (1484) tặng làm Cương quốc công, sau phong phúc thần, dựng đền ở Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An. Ngày 30, tháng Giêng âm lịch hàng năm, tổ chức Lễ hội Đền Nguyễn Xí. Tên ông được đặt cho một phố ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Trung Thành