Nguyễn Công Trứ- kinh bang tế thế – Kỳ 2:  Công cuộc khai hoang

Trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Công Trứ đã làm hai việc đáng chú ý hơn cả là khai hoang và giúp triều đình “an dân”.

Hết sức an dân

Về “an dân”, dưới triều Gia Long và Minh Mạng, do chính sách hà khắc nên liên tiếp xảy ra các cuộc khởi nghĩa nông dân. Nguyễn Công Trứ là quan văn nhưng cầm quân làm tướng; năm 1827, nhận lệnh cùng Tổng quản Phạm Văn Ly dẹp yên khởi nghĩa nông dân của Phan Bá Vành ở Nam Định.

Tiếp đó, năm 1833, Nguyễn Công Trứ được cử làm tham tán quân vụ đi đánh dẹp cuộc nổi dậy của Nông Văn Vân ở vùng thượng du Bắc Kỳ. Năm 1841, ông lãnh chức quyền tuần phủ An Giang, sau đó giữ chức đô ngự sử, được cử vào Nam Kỳ đánh dẹp phong trào nổi dậy ở Trà Vinh, cùng Nguyễn Tri Phương, Phạm Văn Điển đánh bại cuộc xâm nhập biên giới phía Nam của quân Xiêm, cùng Doãn Uẩn đuổi đánh tan liên quân Xiêm – Chân Lạp xâm nhập biên giới.

Có lúc đã từng làm tham tán quân vụ trấn Tây Thành (Nam Vang). Đến đời Thiệu Trị, Nguyễn Công Trứ cùng Trương Minh Giảng chống quân địch ở trấn Tây Thành không thành công và bị giáng chức. Sau nhờ giết được tướng giặc Phiên Tăng, Nguyễn Công Trứ mới được phục hồi chức cũ.

Thực thi dẹp yên các cuộc khởi nghĩa, Nguyễn Công Trứ thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân, từ đó, ông hết sức chăm lo cho cuộc sống đói nghèo của họ.

Trong sớ nói về năm quy ước trong làng những năm 1829, ông đề nghị “đặt nhà học” cho con em nông dân được học hành, “đặt xã thương”  ở các làng để quản lý thóc gạo. Khi nào giá cao thì bán, giá hạ thì mua, gặp lúc thuỷ hạn bất thường đem thóc chiếu cấp cho từng người, năm nào được mùa sẽ theo số đã cấp thu lại để chứa trữ”.

Trong sớ nói về tệ cường hào năm 1828, ông tố cáo cái hại cường hào làm cho đến nỗi con mất cha, vợ mất chồng, tính mệnh phải thiệt hại, tài sản phải sạch không và đề nghị triều đình trị tội rất nặng…

Những cuộc dinh điền

Về khai hoang, là người yêu nước, thương dân, có nhãn quan về kinh tế, Nguyễn Công Trứ thấy miền duyên hải Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương có nhiều đất tự nhiên bỏ hoang bèn nghĩ ra kế hoạch khẩn hoang. Ông tấu xin nhà nước cấp tiền gạo để chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp khai sinh ở các địa phương này.

Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn, Ninh Bình

Năm 1828, Nguyễn Công Trứ được thăng tham tri bộ Hình (trông coi việc thi hành án ở Dinh tổng trấn Bắc thành) kiêm chức doanh điền sứ, lãnh đạo công cuộc khẩn hoang vùng ven biển các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình.

Đây là điều kiện thuận lợi để Nguyễn Công Trứ thực thi ý tưởng của mình và chỉ trong vòng 2 năm, công cuộc khai hoang thành công tốt đẹp, lập ra hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình), cùng hai tổng Hoành Thu và Ninh Nhất (Nam Định).

Năm 1832, khi làm bố chánh rồi tổng đốc Hải Yên (Hải Dương, Quảng Yên), Nguyễn Công Trứ tiếp tục khẩn hoang vùng ven biển Hải Yên.

Hoạt động trên lĩnh vực kinh tế của ông được nhân dân ghi nhớ. Hiện còn rất nhiều từ đường thờ cúng ông ở hai huyện nói trên và quê hương ông. Nhiều đình chùa tại các địa phương này cũng thờ và tôn ông làm thành hoàng làng.

Trong đền kỷ niệm công cuộc dinh điền ở làng Đông Quách, Tiền Hải, Thái Bình có câu đối rất cảm động: “Đặc địa sinh từ, Đông Ấp nhất bách niên kỷ niệm – Kinh thiên trụ Thạch, Hồng sơn thiên vạn cổ tề cao” (Trên đất dựng sinh từ, làng Đông Ấp trăm năm kỷ niệm – Giữa trời trơ cột đá, ngọn Hồng Sơn muôn thuở sánh cao).

Năm 1858, khi nghe tin thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, lúc đó dù đã 80 tuổi, Nguyễn Công Trứ vẫn dâng sớ lên vua Tự Đức xin được tòng quân đánh giặc: “Dù tôi như cái màn, cái lọng rách cũng không nỡ tự nản trí. Còn chút hơi thở nào xin lên đường ngay”.

(còn nữa)

TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top