Nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm vì khàn tiếng

Nhiều người chủ quan trời lạnh giọng nói thay đổi không chữa trị, đến khi đi khám thì phát hiện bệnh lý nguy hiểm.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc bệnh viện tai mũi họng TW cho biết, thời gian gần đây, số người đến khám do viêm nhiễm đường hô hấp kèm theo mất tiếng tăng. Nguyên nhân do lạnh, sau nhiễm COVID-19, nhiễm cúm và ô nhiễm môi trường...

Từ người lành thành câm

Chị Nguyễn Thu H., (54 tuổi, Hà Nội) trời lạnh bị húng hắng ho và cả nhà bị cúm vừa khỏi nên chị mua thuốc về uống. Sau hơn 1 tháng khàn tiếng không khỏi, họng đau không nói được chị đi khám thì được kết luận viêm xoang, viêm thanh quản nặng và u nang dây thanh. Do chị để bệnh quá lâu nên dù được các bác sĩ mổ xoang, cắt u nang và điều trị tích cực nhưng chị cũng không lấy lại được chất giọng của mình.

Anh Nguyễn Văn Minh (Hải Dương) bị viêm mũi dị ứng nên chuyện mất tiếng đối với anh là bình thường. Chỉ đến khi nuốt đau, khó thở, người mệt mỏi sụt cân... anh mới chịu tới bác sĩ. Kết quả anh bị ung thư thanh quản đã di căn. Dù được điều trị tích cực bằng xạ trị và hóa chất anh vẫn không thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Các chuyên gia cho biết, khoảng 60 – 80% nguyên nhân gây khàn tiếng hoặc mất tiếng vào mùa lạnh thường do virus, 20 -30% còn lại do vi khuẩn gây ra. Khoảng 10% còn lại do dị ứng, lạnh hoặc do nấm mốc.

Theo khảo sát của PV Khoa học và Đời sống, hơn một tuần nay trời lạnh kéo dài khiến số lượng bệnh nhân đến khám bệnh đường hô hấp tại các bệnh viện Hà Nội như: BV Hữu Nghị Việt – Xô, BV Đa khoa Thanh Nhàn, Bạch Mai, Tai mũi Họng TƯ... đều rất đông. Tại bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tuần qua có khoảng 500 bệnh nhân đến thăm khám các bệnh liên quan đến hô hấp, trong đó 100 bệnh nhân phải nhập viện Nội trú...

Ảnh: PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh đang thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh Trần Hải

Ảnh: PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh đang thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh Trần Hải

Khàn tiếng quá 7 ngày cần đi khám

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh nhấn mạnh, khi thời tiết thay đổi, muốn hay không muốn giọng nói cũng có sự thay đổi, nhất là những người hay có bệnh về tai mũi họng. Vì vậy, buổi sáng mọi người thường phải e hèm hoặc khạc rung cho chất xuất tiết ra, tiếng nói mới trở lại trong trẻo. Việc khàn tiếng nếu xảy ra chốc lát như vậy rồi hết hoặc sau cảm cúm quá thời hạn 7 ngày, giọng trong trẻo, mũi khô, họng khô, hết đau thì là hiện tượng bình thường. Nhưng nếu quá 7 ngày bệnh kéo dài, tiếng đục, rè và không nói được giọng to hoặc không nói được nhiều, nói thấy đau họng, mệt mỏi thì đó là dấu hiệu bệnh lý.

“Dân ta rất coi thường việc ngạt mũi, sổ mũi, khàn tiếng… coi đó là bệnh thông thường, nhưng không biết đó là hậu họa của những bệnh nghiêm trọng. 100% bệnh nhân bị bệnh ở thanh quản đều có tiền sử viêm xoang, viêm mũi họng. Hơn nữa, nó không chỉ dừng lại bởi viêm thanh quản cấp và mạn tính, viêm đặc hiệu, u lành tính (u hơi, u đặc, u máu, u nhú, u nang, polyp, hạt dây thanh...) hoặc ung thư thanh quản, liệt thanh quản... Có không ít người chủ quan, coi thường tới khám và điều trị muộn (khàn tiếng khoảng 3 tuần trở lên) không những không bảo tồn được giọng nói, mà còn trở thành người tật nguyền – câm vĩnh viễn, thậm chí có thể tử vong sau 18 tháng nếu không được điều trị ung thư thanh quản”, PGS.TS Ngọc Dinh cảnh báo

PGS.TS Dinh cho biết thêm, hiện ung thư thanh quản chiếm khoảng 2% tổng số các loại ung thư. Chủ yếu hay gặp ở nam giới, chiếm trên 90%, hay gặp ở độ tuổi từ 50-70 (72%), từ 40-50 tuổi ít hơn (12%). Vì vậy, nam giới từ 40 tuổi trở nên nếu khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, cần khám xem có phải ung thư thanh quản không. Tuy nhiên, bệnh hiện còn gặp nhiều cả ở phụ nữ và nam giới trẻ dưới 30 tuổi.

“Vì vậy, khi bị viêm mũi, viêm xoang, khan tiếng, nuốt khó… tốt nhất nên đi khám để điều trị kịp thời. Để phòng bệnh tốt nhất không nên hút thuốc, uống nhiều rượu, tránh các yếu tố kích thích: sự thay đổi của khí hậu, tiếp xúc với hóa chất, với các chất khí, bụi bẩn ... Khi bị khàn tiếng, người bệnh không nên gắng sức để nói, bởi làm vậy khiến cho các dây thanh khép kín, không bảo vệ được các cơ quan bên dưới dẫn tới viêm phế quản, viêm phổi”, PGS.TS Ngọc Dinh khuyên.

Box:

Để đề phòng khàn tiếng, phải chú ý giữ ấm mũi, họng, cổ, ngực, không đứng trước luồng gió lạnh... Nếu bị ngạt mũi, sổ mũi, viêm họng thì phải chữa ngay. Đặc biệt, cần vệ sinh răng miệng cẩn thận và tránh viêm thanh quản mạn tính (tiền đề của một ung thư hoá), nhiễm khuẩn vùng răng miệng, viêm mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin...

Box:

Khàn tiếng trong ung thư thanh quản xuất hiện khá sớm, lúc đầu khi còn nhẹ thì chỉ giống như khàn giọng khi bị cúm; tình trạng khàn giọng ngày càng tăng, các thuốc điều trị viêm thanh quản ít có tác dụng. Giai đoạn sau, tiếng nói trở nên thô ráp, khàn đặc, mất hết âm sắc, khó nói, nói đau, đấy là lúc khối u ở thanh quản đã tiến triển.

Theo Đời sống
back to top