Nguy cơ bị 'đánh cắp nguồn gene' sản vật quý

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều sản vật của Việt Nam có những giá trị vượt trội về dinh dưỡng nhưng đang mất dần do các giống bản địa không cạnh tranh nổi với giống mới.

Cải cay như mù tạt, dưa leo có eo

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với rất nhiều giống cây trồng đặc sản, từ cây ăn quả đến cây lương thực, trồng rừng, hoa hay cây dược liệu. Đây chính là tài sản quốc gia mà ở những nước phát triển không có được. Nhiều nước gần như không có giống cây trồng đặc sản do hệ quả của phát triển. Chúng ta đang chủ trương phát triển nông nghiệp hữu cơ, việc bảo tồn nguồn gene các giống cây trồng đặc sản sẽ nâng cao giá trị cho nông sản. Đặc biệt, có những giống cây trồng đặc hữu, chỉ có ở Việt Nam. Khi được phát triển, chắc chắn sẽ trở thành những đặc sản có thương hiệu khi xuất khẩu ra thế giới.

Điểm chung của các giống cây trồng đặc sản là năng suất thấp, thời gian canh tác dài, khó thích nghi, song chất lượng lại rất cao. Không ít người tiêu dùng hiện nay phàn nàn rằng rau cỏ, thịt cá, trái cây... bây giờ lúc nào cũng có sẵn, không kể phải vào mùa. Quả to đấy, đẹp đấy, nhưng ăn thì nhạt nhẽo, không có mùi vị đặc trưng. Trong khi đời sống tăng cao, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm lại những nông sản ngày xưa, là các sản vật vùng miền dù giá thành cao hơn.

GS.VS Trần Đình Long cho biết, có thể ví dụ những đặc sản như cải bẹ xanh có vị cay như mù tạt, dưa leo có hình thức thắt eo màu xanh, cà chua quả nhỏ nhiều cơm, đậu bắp, khổ qua, bầu sao... là những loại rau đặc hữu ở Việt Nam. Hay những giống lúa đặc hữu nằm trong ngân hàng gene thế giới bởi độ thơm, dẻo, giàu dinh dưỡng. Về hoa thì phong lan cũng có đến mấy chục loài đặc hữu, không có ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Ngay ở Hà Nội cũng có các giống cây đặc sản như bưởi Diễn, cam Canh, quýt Tích Giang, nhãn muộn Ðại Thành, bưởi đỏ Mê Linh...

Hay như giống xoài Yên Châu (Sơn La), quả xoài tròn, rất thơm ngon, ngọt, bổ dưỡng, có thể nặng tới 2,5kg/quả. Xoài Yên Châu được coi là giống xoài bản địa duy nhất của miền Bắc Việt Nam được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) liệt kê trong danh mục cần giữ gìn và phát triển. Xoài nổi tiếng có mùi thơm đặc trưng, hình dạng tương đối tròn, quả chín vỏ có màu xanh ngà, đốm nâu - đen lấm tấm, thịt màu vàng đỏ, vị ngọt đậm đà.

Giống bưởi đỏ Mê Linh lúc còn non trông không khác gì những loại bưởi bình thường khác với vỏ màu xanh. Chỉ khi chín, vỏ của nó mới bắt đầu có màu vàng và dần đỏ lên nhìn rất đẹp mắt. Bưởi đỏ Mê Linh có 2 loại là bưởi đỏ "Bánh Men" và bưởi đỏ "Lũm". Đây là hai giống bưởi đỏ có nguồn gene bản địa quý hiếm, có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều địa phương. Bưởi có hương thơm đặc trưng, vị ngọt thanh...

Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Việt Nam xếp thứ 16 trong số 25 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Ngân hàng Gene cây trồng quốc gia hiện đang lưu giữ rất nhiều những nguồn gene đặc sản và cổ truyền của Việt Nam, thậm chí nhiều nguồn gene không còn tồn tại ngoài sản xuất như lúa tẻ tép, mộc tuyền hay chiêm râu...

Nguồn gene bị đánh cắp

GS.VS Trần Đình Long cho biết, Việt Nam có nhiều giống cây quý hiếm, có một không hai, việc bảo hộ bản quyền giống bản địa cũng như phát triển giống theo phương thức nông nghiệp hữu cơ để duy trì tính chất gốc rất quan trọng. Thực tế, công tác bảo tồn nguồn gene của Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Hiện nay, một số nước có công nghệ tiên tiến đã cố tình lấy các giống bản địa về, sau đó cải tiến đi một chút để sử dụng thương mại. Sau khi được đầu tư về thương hiệu, hình ảnh, các giống này đem lại lợi nhuận cực kỳ cao so với cùng sản phẩm sản xuất ở trong nước. Chúng ta biết thế, mà chỉ đứng nhìn, không làm được gì.

Có những giống chúng ta đã đánh mất quyền bảo hộ, mất nguồn gene quý hiếm do có nhiều giống chúng ta chưa bảo vệ được. Ví dụ, như gạo Jasmine 85, chúng ta đã tạo ra giống lúa này 20 năm có lẻ, từng xuất khẩu sang Mỹ với giá cao, nhưng do không đăng ký bản quyền nên đã bị một số nước lấy mất giống để sử dụng thành thương hiệu của họ. Một số giống lúa thơm của ta cũng đã bị nước láng giềng lấy, đăng ký bản quyền, xuất khẩu đi khắp nơi.

Hay như giống thanh long, từ chỗ chỉ có thanh long ruột trắng, chúng ta nghiên cứu, lai tạo, nhập khẩu để phát triển thêm thanh long ruột đỏ. Nhưng chỉ vì không chú trọng đúng mức đến việc đăng ký bản quyền, Đài Loan (Trung Quốc) đã lấy một số gene giống thanh long của Việt Nam, lai tạo để cho ra một giống thanh long mới ưu việt hơn. Trong trường hợp này, dù biết rõ ràng họ đã vi phạm bản quyền nhưng chúng ta cũng không thể nào làm khác được bởi theo quy định, chỉ cần có một tính trạng khác đi là có thể đăng ký giống mới.

Ví dụ, Hà Nội có cây đặc sản là húng Láng thì hiện nay, gần như không còn đất để trồng húng Láng tại làng Láng nữa bởi đất đã bị đô thị hóa hết. Chỉ còn cách bảo tồn ở dạng hạt với các tính trạng ban đầu. Phương án bảo tồn tại chỗ đã không thực hiện được bởi nhà cao tầng mọc lên san sát, diện tích đất để bảo tồn là không có.

Theo GS.VS Trần Đình Long, muốn đẩy mạnh việc bảo hộ phải làm bài bản ngay từ khâu xây dựng chính sách, phải có những thay đổi mạnh mẽ trong khâu quản lý chứ không thể làm tản mát được. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, đăng ký bản quyền, đổi mới xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy xây dựng một ngân hàng gene quốc gia, mang tầm cỡ quốc tế. Chúng ta không thể nói chuyện bảo hộ nếu cứ để người dân trồng tự phát, chạy theo thị trường...

GS.VS Trần Đình Long

GS.VS Trần Đình Long

Hiện Việt Nam có khoảng 35.000 mẫu giống được lưu giữ tại hệ thống bảo tồn cây trồng quốc gia do Trung tâm Tài nguyên thực vật làm đầu mối. Các giống thuộc nhóm nguồn gene: Cây ngũ cốc, cây đậu đỗ, cây rau và gia vị, cây có củ, cây ăn quả và cây công nghiệp, cây thức ăn chăn nuôi và cây cải tạo đất, cây hoa, nấm ăn và nấm dược liệu.

Theo Đời sống
back to top