Hệ lụy có thể giống chiến tranh thế giới thứ hai
Vvề thông tin Trung Quốc công bố cho ra đời hai trẻ song sinh được chỉnh sửa gene để không mắc bệnh HIV, ThS Hoàng Hoa Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học công nghệ - Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, các nghiên cứu khoa học trên đối tượng là con người đều phải xét trên hai khía cạnh, khía cạnh khoa học và khía cạnh đạo đức. Theo thông lệ quốc tế các nghiên cứu trên đối tượng là con người, không chỉ cần sự chấp thuận của đối tượng tham gia nghiên cứu mà trước hết nghiên cứu đó phải được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học xem xét và chấp thuận trước khi triển khai. Việc này không thấy đề cập trong các thông tin liên quan nghiên cứu của tác giả người Trung Quốc, việc thông qua Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học nhằm bảo vệ các quyền, sự an toàn và sức khỏe của đối tượng tham gia nghiên cứu.
Việc chỉnh sửa gene nếu sử dụng vào mục đích tốt thì có thể có lợi nhưng sử dụng vào mục đích không tốt thì hậu quả rất khó lường. Hệ lụy này có thể giống như trong chiến tranh thế giới thứ hai phát xít Đức cho rằng, dân tộc Đức là dân tộc thượng đẳng có bộ gene tốt. Họ cực đoan và thiếu tôn trọng các dân tộc khác nên dẫn đến nạn diệt chủng dân tộc khác như dân tộc Do thái
Gần đây một nhà khoa học đã cảnh báo khi các nhà khoa học giải mã được bộ gene và tìm ra công nghệ cắt dán để chỉnh sửa nếu không cẩn thận thì nhân loại sẽ có thể bị hủy diệt bởi những “người siêu nhân”. Khi chỉnh sửa gene tạo ra những người có năng lực quá vượt trội thì rất khó kiểm soát. Vì vậy, cần lưu ý bất kỳ sự nghiên cứu nào cũng cần có sự kiểm soát để làm sao tiến bộ khoa học đó phải được ứng dụng vào mục đích tốt, bảo đảm sự phát triển bền vững, tránh để lợi dụng vào mục đích xấu.
Nguy cơ gì có thể xảy ra với trẻ chỉnh sửa gene ?
Trả lời câu hỏi có nguy cơ gì đối với trẻ chỉnh sửa gene, ThS Sơn cho biết, trước khi triển khai một nghiên cứu trên con người thì phải có các nghiên cứu cơ bản trong phòng thí nghiệm, các thử nghiệm trên động vật nhằm đánh giá các lợi ích và nguy cơ của công nghệ mới. Đối với các nghiên cứu lâm sàng trên đối tượng là con người phải được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt với thời gian theo dõi lâu dài. Tuy nhiên, trong trường hợp này các thông tin được cập nhất rất hạn chế nên khó đánh giá. Trong những thông tin về hai bé chỉnh sửa gene này thì chưa được tiếp cận các thông tin đó.
Về ảnh hưởng đến gene các thế hệ sau, theo ThS Sơn, về mặt nguyên tắc gene là vật liệu di truyền. Việc tác động đến gene là tác động đến vật liệu di truyền và nó có thể truyền từ thế hệ này qua thế hệ sau, đặc biệt là khi tác động tới những người còn đang trong độ tuổi sinh sản và nhất là trong giai đoạn phôi thai. Sự tác động trước mắt hay lâu dài cần sự đánh giá nhưng cần phải hiểu rằng gene tác động thông qua sự chỉ huy việc sản xuất các protein tương ứng do đó cần thời gian. Hơn nữa, sự xuất hiện của một bệnh có thể không chỉ bởi một gene mà có thể chịu sự tác động tương hỗ của các gene và nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải cứ có gene đó là có bệnh hoặc ngược lại.
Nếu lạm dụng việc chỉnh sửa gene có thể sẽ tiến tới giống như tình trạng mọi người đang phẫu thuật thẩm mỹ ai cũng đẹp giống nhau, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên và riêng có của mỗi người. Mỗi người mỗi cá thể sinh ra là một đặc ân nhưng mỗi cá thể cần thấy được giá trị riêng của bản thân và hãy sống là chính mình mà không phải là bản sao của người khác. Việc nghiên cứu, phát triển các phương pháp mới, kỹ thuật mới để điều trị, dự phòng cần cân nhắc cho từng bệnh, từng cá thể cụ thể nhưng không nên lạm dụng và cũng không nên tuyệt đối hóa việc chỉnh sửa gene có thể giải quyết được mọi vấn đề bởi con người ta có hàng nghìn thứ bệnh.
Chỉnh gene trị bệnh có là cứu cánh?
ThS Sơn chia sẻ, về gene trị liệu trên cả thế giới vẫn là vấn đề mới, Việt Nam cũng quan tâm và có các nhà khoa học hợp tác với quốc tế nhưng chưa có đăng ký chính thức nghiên cứu ở trên người Việt Nam. Việc chỉnh sửa gene để chữa bệnh theo ThS Sơn có thể được nhưng vẫn cần phải có hội đồng khoa học, hội đồng đạo đức xem xét trên từng trường hợp cụ thể dựa trên các bằng chứng khoa học cẩn thận, có sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ cho đối tượng trên cơ sở được cung cấp thông tin một cách đầy đủ những lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra. Hiện Bộ Y tế cũng đã có những thông tư quy định về thử nghiệm lâm sàng và những thông tư quy định về công nhận kỹ thuật mới, phương pháp mới hết sức chặt chẽ.
Theo ThS Sơn gene cũng có thể bị đột biến do những tác nhân như virus, hóa chất, phóng xạ...bộ gene có thể biến qua các thế hệ để tiến hóa thích nghi với tự nhiên. Việc thay đổi theo tự nhiên để thích nghi là theo hướng tích cực còn nếu can thiệp nhân tạo nhiều khi chưa đánh giá được hết mặt lợi hại, nhiều khi được mặt lợi này nhưng mặt hại khác lại chưa kiểm soát được thì hậu quá thật khó lường.
Chẳng hạn, gene trị liệu mới chưa có đánh giá nhưng trong thuốc thì đã có những bài học bị trả giá rất đắt. Ví dụ như thuốc Thalidomide từng là thuốc không thể thiếu để chống nghén cho bà bầu được dùng phổ biến ở châu Âu và Úc nhưng sau đó người ta thấy trẻ sinh ra bị hội chứng chim cánh cụt (con bị dị dạng hoặc cụt tay chân) do mẹ sử dụng thuốc. Hơn nữa, tác động gene là tác động đến vật liệu di truyền nó không chỉ ảnh hưởng đến thế này mà cả thế hệ sau nên phải rất thận trọng. Việc lạm dụng chỉnh sửa gene không chỉ sinh ra những con người giống nhau mà còn có thể có những nguy hại mà ta chưa biết được.
ThS Sơn phân tích, gene là vật liệu di truyền, trong bộ gene có rất nhiều gene khác nhau có những gene thúc đẩy quá trình nào đó nhưng cũng có những gene kìm hãm quá trình đó. Bộ gene rất tinh vi và phức tạp có gene này kiểm soát gene kia và có những gene nằm im đến thời điểm nào đó mới được kích hoạt chứ không phải cứ có gene đó là phòng được bệnh đấy...Có thể nói gene có sự tác động tương hỗ với nhau rất tinh vi và phức tạp. Vì vậy, không thể nhìn nhận vấn đề theo một chiều.
Chẳng hạn, giải thưởng Nobel về y học năm 2018 được trao cho các nhà khoa học vì công trình nghiên cứu điều trị ung thư bằng cơ chế ức chế miễn dịch âm tính. Cái hay của miễn dịch là chống lại tác nhân gây bệnh nhưng ngược lại miễn dịch quá lại sinh ra tự miễn tức là chống lại những cái bình thường của con người. Với bệnh nhân ung thư cái người ta đang cần là chống lại tế bào ung thư, đành phải duy động nhiều tế bào miễn dịch, nhiều đội quân để chống lại tế bào ung thư nhưng ngược lại nếu lạm dụng nó cũng có thể làm mất sự cân bằng trong cơ thể.
Vì vậy, ThS Sơn khẳng định khi tiếp cận vấn đề mới cần nhìn ở cả hai góc độ khoa học và đạo đức và quan trọng nhất là cần sử dụng cho đúng người, đúng thời điểm thì mới tốt còn nếu lạm dụng thì vừa dễ bị lợi dụng vừa có thể gây ra hiểm họa thì khó lường. Bởi gene khác với các phương pháp khác là không thu hồi được, chẳng hạn thuốc có thể ngừng nhưng gene cấy rồi thì lấy ra không đơn giản. Nếu sai sữa chữa khó hơn rất nhiều vì vậy cần cân nhắc và có chỉ định rất chặt chẽ...
Mỗi chúng ta đều có 25.000 gene trong cơ thể nhưng sự khác biệt giữa bạn và tôi là biến thể gene, chứ không phải gene. Ngoài chức năng quyết định đặc tính của cơ thể con người, gene còn có chức năng... gây bệnh. Một khi gene đột biến (tức là một mảng DNA đột nhiên bị thay đổi, như từ TGCCA thành TCCCA chẳng hạn) có thể gây ra rối loạn tế bào, bệnh tật, thậm chí tử vong. Chỉ một thay đổi rất nhỏ như thế có thể làm cho chúng ta phải suốt đời đau khổ vì gene.