Mặc dù chưa có kết luận chính thức, nhưng những phát hiện này đã tạo ra được tiếng vang lớn và dành được nhiều sự quan tâm của giới khoa học.
Nguy cơ sức khỏe từ xăm mình
Ngày nay, khi việc làm đẹp từ các hình xăm trở nên phổ biến, thì câu hỏi khiến giới y khoa đang quan tâm là liệu việc làm đẹp này có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người? Cho tới nay, các quy định về sức khỏe và an toàn liên quan đến xăm trổ chỉ mới tập trung chủ yếu vào các quy định về an toàn vệ sinh và phòng ngừa nhiễm trùng.
Các hiệu ứng lên sức khỏe trong thời gian dài, chẳng hạn như ung thư, thì rất khó để theo dõi bởi nó cần quá trình phức tạp và thời gian lâu dài. Nhưng mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports đã cung cấp thêm một số thông tin khoa học làm sáng tỏ thêm vấn đề này.
TS. Hiram Castillo-Michel - Cơ quan ứng dụng bức xạ Synchrotron châu Âu (European Synchrotron Radiation Facility-ESRF)ở Grenoble, Pháp - tác giả nghiên cứu cho biết: “Nhiễm trùng da là một tác dụng phụ thường gặp của việc xăm mình. Bên cạnh đó, xăm mình cũng ghi nhận báo cáo các trường hợp có nguy cơ về sức khỏe bao gồm sự hình thành u hạt và dị ứng xuất hiện trực tiếp trong vùng da xăm”.
Sự di chuyển của mực xăm đến các hạch bạch huyết cũng đã được quan sát thấy ở những bệnh nhân ung thư vú, u ác tính, ung thư tinh hoàn seminoma (một dạng hay gặp của ung thư tinh hoàn) và ung thư biểu mô tế bào vảy (chiếm phần lớn các trường hợp ung thư âm đạo).
Từ các dữ liệu dịch tễ học theo dõi các đoàn hệ lớn trong nhiều thập niên và điều tra lịch sử xăm hình của những người tham gia nghiên cứu, TS. Michel cho biết: “Các nguy cơ dài hạn thường xuất hiện nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ sau khi phơi nhiễm”.
Mặc dù rất khó để xác định mối liên hệ giữa xăm hình và các tác dụng phụ mạn tính, và vẫn chưa thể khẳng định về tác động lâu dài trên sức khỏe của các yếu tố này. Nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy các sắc tố và các thành phần độc hại có trong hạch bạch huyết của người xăm mình.
Ảnh hưởng của kim loại trong mực xăm
Mực xăm thường là các chất màu hữu cơ nhưng cũng có thể gồm cả các kim loại nặng như niken, crom, mangan, coban hoặc titanium dioxide (TiO2)... Các kim loại nặng này là thành phần phổ biến thứ hai thường được sử dụng.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích mẫu da và hạch bạch huyết tại các khu vực có hình xăm của những người tình nguyện. Một trong các mục tiêu chính của phân tích này là để đánh giá xem việc xăm mình làm thay đổi tỉ lệ các chất độc hại trong cơ thể như thế nào. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng nhôm, crôm, sắt, niken và đồng đều đã tăng lên trong cả hai mẫu da và hạch bạch huyết.
Trong mẫu nghiên cứu của người hiến tặng, nồng độ cadimi và thủy ngân tăng lên trong các hạch bạch huyết nhưng không tăng lên trong các mẫu da. TiO2, một chất độc hại được dùng để tạo màu trong các hình xăm, cũng đã được tìm thấy trong các mẫu da và hạch bạch huyết. TiO2 cũng được sử dụng làm phụ gia thực phẩm, kem chống nắng và sơn. Đây có thể là nguyên nhân gây ngứa và làm cho vết xăm chậm lành. Mới đây, Cơ quan Hóa chất châu Âu đã công bố TiO2 là chất gây ung thư khi hít phải.
Hình xăm càng lớn, độ bóng càng cao thì lượng mực sử dụng càng nhiều - nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe càng lớn.
Các nhà khoa học cho biết, sẽ cần nghiên cứu thêm về hàm lượng trung bình của các chất độc hại này trong da. Từ đó sẽ ước tính được hàm lượng của những yếu tố này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc ung thư trong suốt cuộc đời của những người xăm mình. Các chất độc hại từ hình xăm sẽ qua da vào hạch bạch huyết và lan rộng, quá trình này diễn ra dường như suốt cuộc đời.
TS. Michel cho biết: Kích thước và độ bóng của hình xăm sẽ quyết định lượng mực được sử dụng. Vì thế mà lượng chất độc hại hấp thu vào cơ thể với mỗi hình xăm là khác nhau.
Nhóm nghiên cứu đang có kế hoạch tiếp tục điều tra ảnh hưởng của chất độc hại có trong hình xăm lên các cơ quan và mô nội tạng khác trong cơ thể, từ đó có thể xác định các vị trí di chuyển tiềm năng của các thành phần trong mực xăm.
Việc lắng đọng các yếu tố độc hại từ mực xăm trong các hạch bạch huyết chưa bao giờ được nghiên cứu trước đây cho nên những phát hiện này đã tạo ra được tiếng vang lớn. Mặc dù kết quả nghiên cứu chưa đủ để kết luận hình xăm có thể làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng qua nghiên cứu, TS. Castillov-Michel cho rằng: Mọi người nên nhận thức được những rủi ro có thể xảy ra khi xăm trổ.