Nhiều cán bộ giỏi xin nghỉ việc: Chất xám “chảy” đi đâu?

Liên tiếp các trường hợp cán bộ thuộc Đề án 500 của tỉnh Quảng Nam và người tài giỏi thuộc Đề án nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng làm đơn xin nghỉ việc, dư luận không khỏi băn khoăn về tình trạng “chảy máu chất xám” hay lãng phí đầu tư nguồn nhân lực cho địa phương.

Không ít người đặt nghi vấn về môi trường làm việc chưa phù hợp để cán bộ phát huy tài năng, hay hiện tượng “ma cũ, ma mới”, ghét người giỏi hơn mình trong cơ quan hành chính…

Chị Võ Thị Như Cẩm, cán bộ Đề án 500 của tỉnh Quảng Nam cho rằng, có được công việc làm là quý lắm rồi.

Xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam có 4 cán bộ tham gia Đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2016 (gọi tắt là Đề án 500). Trong khi huyện này đang trở thành “điểm nóng” về tình trạng cán bộ Đề án 500 làm đơn xin nghỉ việc thì cả 4 cán bộ của xã Tam Dân lại “an phận thủ thường”.

Trong suy nghĩ của những cán bộ Đề án đang làm việc tại đây thì có việc làm ổn định trong thời buổi sinh viên Đại học ra trường đứng xếp hàng chờ xin việc là may mắn rồi.

Chị Võ Thị Như Cẩm, cán bộ thuộc Đề án 500 của tỉnh đang phụ trách Địa chính xã Tam Dân, huyện Phú Ninh cho biết, cán bộ Đề án 500 vừa ra trường đã có mức thu nhập thuộc hàng top đầu ở xã, như thế đã là tốt lắm rồi.

“Đối với Đề án 500, ban đầu chúng em được tuyển sinh, trúng tuyển đi học và đến khi về làm việc là rất vinh dự. Về đây, bản thân em được sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, vì em không phải là người địa phương. Khó khăn mà các chị, các anh ở những địa phương khác gặp phải, theo em là do bên ngoài tác động”.

Huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam có 40 cán bộ tham gia Đề án tuyển chọn, đào tạo. Hiện đã có 3 người làm đơn xin nghỉ việc, trong đó có 1 Phó Chủ tịch UBND xã.

Nguyên nhân do công việc không phù hợp, cơ chế gò bó và lương không đủ nuôi vợ con. Ông Võ Sinh, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Phú Ninh cho biết, trong điều kiện của 1 tỉnh còn nhiều khó khăn như Quảng Nam thì việc đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để đào tạo cán bộ bổ sung vào đội ngũ cán bộ công chức xã, phường còn thiếu và yếu như hiện nay là sự cố gắng lớn.

Địa phương cũng đã có những ưu ái cho đội ngũ này như tuyển thẳng vào ngạch công chức, được hưởng mức lương khởi điểm của sinh viên Đại học chính quy ra trường, được bố trí công việc phù hợp với ngành học, một số trường hợp trở thành cán bộ chủ chốt ở xã…

Theo ông Sinh, những trường hợp xin nghỉ việc đều đã tìm được 1 công việc phù hợp với mức lương cao hơn. Đó cũng là điều dễ hiểu.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã cử hơn 640 học viên đi học theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (gọi là Đề án 922). Hiện có 93 người rút khỏi Đề án. Nhiều trường hợp nêu lý do thôi việc để đoàn tụ gia đình, sức khỏe không đảm bảo, tìm công việc khác phù hợp hơn.

Chị Phan Minh Diệu Hằng, Phó trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, sau khi được cử đi học về đã được bố trí công việc khá phù hợp với chuyên môn. Nói về những học viên xin thôi việc, chấp nhận bồi thường chi phí đào tạo, chị Hằng cho rằng, nếu cảm thấy công việc không phù hợp thì tốt nhất xin thôi việc. Còn nếu đã xác định cống hiến thì đừng nên “đứng núi này trông núi nọ”.

Chị Phan Minh Diệu Hằng, cán bộ Đề án 922 thành phố Đà Nẵng cho rằng không nên đứng núi này trông núi nọ.

“Thẳng thắn mà nói thì đồng lương của công chức Nhà nước chắc chắn không hấp dẫn bằng thu nhập ngoài doanh nghiệp, nhưng đôi lúc cũng cần phải cân nhắc. Đồng lương đối với các bạn trẻ ban đầu chắc chắn là một trong những yếu tố quyết định tạo động lực để làm việc. Nhưng dần dà, giữa quan hệ đồng nghiệp, giữa môi trường làm việc thì đó không phải là yếu tố quyết định hẳn giữa việc ở lại hay ra đi”, chị Hằng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ thành phố Đà Nẵng cho biết, con số cán bộ Đề án xin nghỉ việc cũng là chuyện bình thường. Bởi khi xây dựng Đề án, thành phố cũng đã lường trước việc một số trường hợp “dứt áo ra đi”.

Theo ông Chiến, việc chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư nhân là bình thường. Có điều, khi học viên muốn ra khỏi Đề án trước hết phải có trách nhiệm hoàn trả lại tiền ngân sách cấp cho đi học. Hiện, đa số các trường hợp xin ra khỏi Đề án đã trả lại tiền, chỉ có một vài trường hợp do khó khăn nên chưa thể hoàn trả.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, PGĐ Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, học viên Đề án 922 muốn nghỉ phải trả lại tiền đào tạo.

Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm, nếu học viên Đề án không bồi hoàn kinh phí theo đúng cam kết ban đầu thì sẽ bị khởi kiện ra tòa:

“Đề án đã bổ sung kịp thời cho nguồn nhân lực khu vực công với nguồn nhân lực rất có chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của thành phố nói chung. Đặc biệt đáp ứng nguồn nhân lực cho một số lĩnh vực mũi nhọn của thành phố, ví dụ như công nghệ thông tin, y tế… Theo đúng mục tiêu của Đề án là tạo nguồn cán bộ quản lý, cán bộ chuyên gia cho một số lĩnh vực của thành phố. Cụ thể, hiện nay, có 56 học viên của đề án được bổ nhiệm vào chức vụ Trưởng, Phó phòng, hoặc là Phó Giám đốc sở. Còn việc học viên ra đi là bình thường, không phải vấn đề lớn”, ông Chiến cho biết.

Theo Hoài Nam (VOV.VN)

Theo Đời sống
Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Tại một bãi đất quy hoạch thuộc địa bàn phường Phước Long A, TP Thủ Đức (TP HCM), vốn từ lâu được xem là “điểm đen” của rác thải tự phát, khi các bãi rác thải lớn ô nhiễm tồn tại “tra tấn” người dân sinh sống trong khu vực.
back to top