Nguồn gene cực quý từ cây lúa ma

(khoahocdoisong.vn) - Cây lúa ma (hay còn gọi lúa trời, lúa dại) là giống lúa dại đặc hữu của Việt Nam, chứa rất nhiều nguồn gene quý hiếm không thể tìm thấy ở bất cứ giống lúa nào. Từ cây lúa ma có thể chọn ra nhiều giống lúa ưu việt khác.

Năng suất cực thấp

Ở Việt Nam, có một giống lúa dại là “bảo bối” cho các nhà nghiên cứu về gene lúa, đó chính là giống lúa ma. Cây lúa ma hiện đang được lưu giữ và bảo tồn với diện tích hơn 800ha, tồn tại được trên đồng nước ở Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) và hạt lúa là thức ăn cho nhiều loài. 

Lúa ma ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Lúa ma ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa cho biết, sở dĩ dân gian gọi là lúa ma vì hạt lúa có đuôi rất dài, hạt lúa vừa chín sẽ tự rụng khi có ánh nắng mặt trời. Khi rụng, hạt sẽ trôi khắp nơi, bám vào đâu là mọc thành cây ở đó. Lúa ma chín chỉ một lần duy nhất trong năm, là giống lúa có nguồn gene kháng rầy nâu và rầy lưng trắng khá tốt. Lúa ma trổ bông vào tháng 10 và bắt đầu chín vào tháng 11 - 12, bông lúa ma chín với vỏ trấu màu vàng đen. Giống lúa này mỗi lần chín chỉ vài hạt chứ không chín rộ cả bông như những giống lúa được trồng hiện nay. Nếu không thu hoạch trước khi Mặt Trời mọc, khi gặp ánh sáng hạt lúa chín sẽ tự rụng. Lúa ma chín vào mùa nước nổi nên muốn thu hoạch phải dùng thuyền và chỉ rung cây để đập cho hạt rơi vào thuyền.

Đây là loại lúa chịu phèn, vượt nước rất tốt, có thể vượt mực nước có độ sâu từ 3 - 5m. Khi nước lũ dâng cao tới đâu lúa ma bò ngoi lên khỏi mặt nước tới đó, mỗi ngày vươn cao từ 0,1 - 0,15m và tồn tại được trên dòng nước. TS Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ cho hay, đối với lớp nước mặt rất chua (pH<3), trong điều kiện chua này, hạt của các loài thực vật khác không thể nảy mầm nhưng hạt lúa ma vẫn nảy mầm và rễ phát triển sâu vào trong đất. Lúa ma tự động rụng vào đất, chờ đến mùa mưa năm sau lại nảy mầm và tiếp tục một vòng đời mới.

“Trong khi các giống lúa hiện đại cho năng suất hàng chục tấn/ha thì giống lúa ma chỉ cho năng suất 30 - 40kg/ha. Dù vậy, nó vẫn là nguồn tài nguyên thực vật vô cùng quý giá”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.

Giá trị khoa học cao

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, ngày nay khi thực hiện nghiên cứu chọn giống hiện đại, để chọn ra các gene như chịu hạn, chua, phèn, mặn hay ngập úng… cho cây lúa, các nhà khoa học đều phải lấy nguồn gene từ cây lúa ma. Lý do là các đặc tính này ở cây lúa ma là chọn lọc tự nhiên hàng nghìn năm rồi nên rất bền vững, kiểu gene cũng rất ổn định, gần như không bị thay đổi tính trạng khi lai tạo. Trong khi đó, các giống lúa lai tạo do con người không có được đặc tính này. Điều đặc biệt là các đặc tính như chịu phèn, chịu hạn, vượt nước, chín nhanh và hạt giữ được sức nảy mầm lâu đều không có ở các giống lúa cao sản đang canh tác hiện nay.

Trong tương lai chúng ta sẽ phải sản xuất ra nhiều giống lúa khác nhau để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt. Việc bảo tồn lúa ma chính là nền tảng để có thể nhân ra các giống lúa đặc biệt này.

Lý giải có phải giống lúa ma chỉ sống ở vùng ngập nước Đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, thực ra trước đây ở miền Bắc cũng có rất nhiều lúa ma. Khi đó diện tích đầm lầy còn nhiều, nhưng hiện giờ thì gần như không còn nữa bởi môi trường tự nhiên để giống lúa phát triển đã không còn.

Hơn nữa, giống lúa này cho hạt nhỏ, hạt gạo gãy và nát, chất lượng không dẻo thơm như lúa lai nên người dân nói chung không trồng mà chúng chỉ mọc hoang. Ngày xưa đói kém nên người ta sử dụng loại gạo này để nấu cháo chống đói rất phù hợp do gạo rất nhanh nát. Ở Việt Nam hiện có tới 21 loài lúa ma khác nhau. Đây là nguồn gene thực vật không quốc gia nào có được, dù chỉ là loài lúa mọc hoang như cỏ dại. Hiện ở một số viện nghiên cứu về lúa cũng trồng loại lúa này để phục vụ cho công tác nghiên cứu là chủ yếu.

Theo Đời sống
back to top