Người viết sử nhà

Người viết sử nhà, với

Ông Đào Thành Lạng và vợ.

Đi tìm ngày sinh của mình

Trong căn phòng trên tầng 3 của ông Đào Thành Lạng có rất nhiều sách. Rất nhiều tập dày ông sưu tầm các bài báo hay viết về các chủ đề: đất nước, về Đảng, Bác Hồ, về Khu gang thép Thái Nguyên nơi ông công tác trước đây…Có những tập phải gọi là công trình vì được sưu tầm rất kỳ công, dán và đóng bìa rất cẩn thận.

Ông bảo từ bé đã mê viết lách. Lúc đầu thì làm báo tường. Sau dù học ngành kỹ thuật cơ khí, nhưng vì mê viết lách nên ông được điều về làm công tác tuyên huấn của đoàn Thanh niên Khu gang thép Thái Nguyên, rồi về làm phóng viên ở đài phát thanh của nhà văn hóa, viết bài cộng tác với các báo.

Từ khi nghỉ hưu ông có đam mê là ghi chép về lịch sử quê hương, dòng họ mình. Sinh ra ở Thái Bình, gia đình lên khai hoang trên Tuyên Quang, có giai đoạn còn lên tận Yên Bái, bản thân ông thì lập nghiệp trên Thái Nguyên, đến khi nghỉ hưu lại chuyển về Hà Nội để gần con cháu.

Về quê, thấy gia phả ghi chép còn sơ sài, ông muốn ghi lại đầy đủ hơn. Từ ý nghĩ đó, ông chịu khó tới thăm các cụ cao tuổi trong làng, nghe họ kể lại những câu chuyện của chính mình, những điều họ đã trải qua hay những gì nghe kể lại. Lắm lúc lại phải đối chiếu, lục tìm trong các tư liệu.

Ngay như chuyện ngày sinh của chính ông cũng phải trải qua một quá trình tìm tòi khá thú vị. Bởi giấy khai sinh thời đó thường cất vào ống tre, khi chạy loạn bị cháy mất. Bố mẹ không nhớ chính xác ngày tháng, chỉ nhớ khi du kích đánh ở bốt Cầu Lại (Thái Bình) đúng vào phiên chợ Diệc, trong lúc chạy loạn sang làng khác thì sinh ra ông. Từ những chi tiết mà các cụ nhớ mang mang như thế, lại phải sang tận làng đó để tìm hiểu. Người đỡ đẻ cho mẹ ông giờ đã mất.

Lục tìm trong sử sách, ông được biết ta đánh bốt Cầu Lại mấy lần, riêng năm 1951 vào dịp đầu năm, ngày 9/3 có trùng với ngày âm đúng là ngày có phiên chợ. Để chắc chắn về ngày sinh của mình, ông còn nhờ người xem tử vi xem có đúng tính cách của mình không.

Nuôi dưỡng tình cảm với quê hương cho con cháu

Cái thời đó, rất nhiều người mất giấy khai sinh và không có điều kiện để làm lại, nhưng riêng ông lại rất quan tâm tới việc tự đi tìm hiểu về ngày sinh của mình. Cũng từ đó mà năm 2000, khi còn đang công tác ông đã có ý tưởng tìm hiểu về quê hương, dòng họ mình, nhưng mãi tới khi nghỉ hưu mới có điều kiện để làm. Đến nay đã có được khoảng 200 trang viết và vẫn tiếp tục thu thập tư liệu và chỉnh sửa.

Ông bảo, điều quan trọng nhất là muốn để lại cho con cháu một tài liệu về quê hương, gia đình lớn, gia đình nhỏ, những con người trong dòng tộc mình. Mà đã viết sử thì phải chân thực, dù sự thật có phũ phàng đi nữa thì vẫn phải tôn trọng.

Bằng các việc làm của mình, ông luôn muốn để con cháu gần gũi, gắn bó với quê hương. Một năm ít nhất là về quê 3 lần vào dịp trước Tết, ngày Thanh minh và ngày 27/7. Mỗi dịp như thế đều cho các cháu về chơi quê nội, quê ngoại, kể cả quê mẹ của ông nữa. Thứ nhất là để các cháu hình dung quê là thế nào, để biết thế nào là cái chổi rễ, cái nong, cái nia, con trâu, con bò. Thứ hai là để nuôi dưỡng tình cảm với quê hương cho các cháu.

Niềm vui của ông bây giờ là viết lách và làm vườn. Trên sân thượng có một khu vườn nhỏ trồng các loại rau dền, mùng tơi, khoai lang, có dàn thiên lý… tuy nhỏ thôi nhưng cũng đủ để sáng và chiều ông lên đây chăm sóc, tưới tắm nhưng chủ yếu là để thư giãn. Sáng dậy thấy trong người thoải mái thì ông đi bộ chừng 2-3km. Còn thời gian thì viết lách, giao lưu với bạn bè, tham gia công tác mặt trận ở địa phương, tham gia CLB thơ…

Bảo Anh

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top