Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, người khỏi bệnh bạch hầu thường sẽ có miễn dịch lâu dài, có thể bảo vệ suốt đời nếu không bị suy giảm miễn dịch do dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh ác tính, HIV… Tỷ lệ tái nhiễm bệnh bạch hầu không cao, chỉ khoảng 2-5%.
Sức cảm thụ của người với vi khuẩn bạch hầu không cao, khoảng 15-20%, nhưng miễn dịch không bền và không đi đôi với mức độ nặng nhẹ của bệnh, kèm theo miễn dịch chỉ có tính kháng độc mà không diệt khuẩn.
Nên nếu vi khuẩn bạch hầu xâm nhập nhiều và độc lực cao, thì người miễn dịch yếu vẫn có thể mắc bệnh. Do đó nên tiêm nhắc lại vắc xin 10 năm/lần để tăng cường miễn dịch bảo vệ cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh lây qua đường hô hấp thường xuyên.
Các ca mắc bạch hầu trong những năm vừa qua cho thấy, nguy cơ mắc bệnh luôn thường trực và biện pháp duy nhất để bảo vệ dài lâu khỏi căn bệnh này là chủng ngừa nhắc lại theo đúng lịch.
Ảnh BVCC |
Để phòng ngừa bệnh bạch hầu, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp chủ động như sau:
- Gia đình có con nhỏ nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu dạng phối hợp, tiêm đủ liều và đúng lịch tiêm vắc-xin bạch hầu.
- Mỗi cá nhân đều nên xây dựng thói quen rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh vùng mũi họng hàng ngày, tắm rửa sạch sẽ. Khi ho hoặc hắt hơi sổ mũi nên lấy tay che mũi miệng. Hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc mắc bệnh bạch hầu.
- Đảm bảo môi trường xung quanh nhà ở, trường học, lớp học thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng mặt trời.
- Khi bản thân có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu thì phải thông báo cho mọi người trong gia đình và cần được cách ly nhanh chóng, tránh để mọi người tiếp xúc trực tiếp với mình và nên đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Khi dịch bệnh bùng phát thì việc phòng bệnh trong các ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc như tiêm vắc xin phòng ngừa bạch hầu, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.