Người ta đang sống ảo nhiều hơn sống thật!

Nói về chuyện giờ nhiều người tham gia vào mạng xã hội facebook, thích sống ảo, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ, Hạnh phúc cho rằng chính người sử dụng mạng xã hội phải tự gạn lọc thông tin cần thiết, đừng trở thành nạn nhân của những trò bịa đặt, khiêu khích, hùa theo tâm lý đám đông. Nếu cứ tin mọi thứ trên mạng xã hội thì chẳng mấy chốc tự biến mình thành con rối của kẻ khác.

“Ngáo Face” không khó hiểu

Bà có dùng Facebook không?

Tôi có chứ. Ngày nào mà chẳng phải vào Facebook , hôm nào mà không vào xem tin tức, cập nhật tình hình của bạn bè là cũng nhớ lắm. Kiểu như nghiện ấy.

Trước đây tại buổi giao lưu với các tân sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, TSKH Đoàn Hương đã phát biểu rằng hiện nay, một bộ phận giới trẻ đang bị mắc căn bệnh “ngáo face”, đam mê Facebook một cách mù quáng. Bà có đồng tình với quan điểm này?

Vậy bà có dùng Facebook không, cô nghĩ sao về ý kiến đó?

Bản thân tôi thấy đồng tình với TSKH Đoàn Hương. Với những gì đang diễn ra trên Facebook hiện nay như đủ like thì đốt trường, đủ like thì lột đồ hay tung những clip đánh đập bạn bè lên Facebook của một số người thì rõ ràng đang có hiện tượng “ngáo face”.

Trước hết tôi cho rằng TSKH Đoàn Hương là người có trách nhiệm với giới trẻ, trăn trở nhiều với các hiện tượng xã hội nên mới phát biểu như vậy.

“Ngáo” nghĩa là một biểu hiện đến mức điên rồ, đến mức biểu hiện thành hành động không chuẩn mực, thậm chí là có thể giết người, biểu hiện của những kẻ thần kinh có vấn đề.

Rõ ràng hiện tượng “ngáo Face” ở mức điên rồ, mất hết lí trí là có. Nhưng không phải ai sử dụng Facebook cũng thế, mà chỉ ở một số người thôi.

Với bản thân bà, Facebook đem lại điều gì?

Thực ra thì việc tham gia vào mạng xã hội của tôi là để biết người trẻ hiện nay sống như thế nào, nghĩ ra sao. Rồi qua đó thì kết bạn, chia sẻ, tìm hiểu tin tức và mọi thứ. Facebook có mặt tốt và mặt xấu.

Đó là phương tiện để tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau và chắc có lẽ nó còn phát triển lên nhiều nữa. Nếu chúng ta không tận dụng được thì cũng là một sự thiệt thòi.

Bản thân tôi tự thấy thiếu Facebook là cũng khó chịu, bạn bè tôi cũng bảo “không có Facebook là phát ốm đấy!” (cười).

Bà làm những gì trên Facebook?

Thì tôi gửi thư, nhắn tin cho bạn bè, cập nhật tin tức bạn bè, thậm chí là viết báo trên đó nữa. Tôi thấy nó cực kỳ tiện ích. Bạn bè không phải gặp nhau mà vẫn hàn huyên tâm sự được. Bây giờ không biết đến mạng internet, không biết đến mạng xã hội thì bị coi như “mù chữ” rồi.

Tôi già đã thế, người trẻ lại càng mê hơn thì cũng dễ hiểu. Và khi đã mê rồi thì việc mê một cách thái quá, thể hiện một cách thái quá thành mức “ngáo Face” cũng là điều dễ hiểu.

Mạng ảo kéo theo nhiều thứ ảo

Rõ ràng Facebook đang ngày càng trở nên phổ biến và ảnh hưởng nhiều đến đời sống?

Thì từ bản thân mình mà suy ra là đúng như thế. Trước đi đâu tôi cũng phải đem theo cái máy ảnh, giờ thì chỉ cần có cái điện thoại chụp rồi đưa lên mạng là ai cũng biết mình đang ở đâu.

Với người trẻ thì dường như mạng xã hội đang là con dao hai lưỡi?

Thực ra với ai cũng vậy, với giới trẻ thì khác là ở chỗ ít kinh nghiệm, dễ bị adua, đua đòi theo chúng bạn, theo sự hô hào của đám đông, không phân biệt được phải trái, đúng sai, nên dễ mắc sai lầm. Nếu không có hiểu biết rộng, kinh nghiệm sống tốt thì lại nguy hại.

Bởi đó là nơi mà ai cũng có thể nói lên suy nghĩ của mình, thật giả lẫn lộn, nên có nhiều thứ sai, nhiều thứ là bịa đặt. Nên thông tin trên mạng, độ tin cậy của những tình cảm thể hiện trên đó không nhiều. Bởi nó búa xua như một cái chợ, thành ra mức độ tin cậy của những thông tin trên đó là không nhiều.

Đã có những trường hợp bị xử lý nặng do tung tin sai sự thật, thậm chí suy diễn thông tin về chính trị trên Facebook. Rõ ràng, đó không chỉ là nơi tự do nói nghĩ, mà đó còn là cạm bẫy với người nhẹ dạ?

Bây giờ thông tin nhiễu loạn, bản thân thế giới cũng nhiễu loạn, thì những thông tin trên mạng xã hội lại càng nhiễu. Nếu không tỉnh táo để gạn lọc thì rất dễ mắc bẫy. Đáng sợ nhất là những người trẻ tiếp nhận thông tin đó một chiều, rất nguy hiểm.

Vậy làm thế nào để người trẻ không rơi vào tình trạng “ngáo” như vậy?

Bố mẹ, giáo viên, gia đình, xã hội phải có hành động giúp đỡ người trẻ. Chính bố mẹ, ông bà, phải là những người cũng biết Facebook để cũng lên mạng, tham gia giáo dục, uốn nắn con cháu, không để xảy ra tình trạng đốt trường, lột đồ, thách thức cộng đồng mạng như hiện nay. Làm sao để vẫn tận dụng được mặt tốt của nó mà không bị ảnh hưởng tiêu cực tác động.

Đừng để mình trở thành “ngáo”

Số người có những hành động không kiểm soát trên Facebook không quá nhiều, nhưng rõ ràng tình trạng loạn thông tin, đưa tin một chiều trên mạng xã hội đang rất đáng báo động?

Thực ra thì cũng như người nghiện thôi, có người nghiện nặng, nghiện nhẹ. Những người “thần kinh không bình thường” đến mức “ngáo”, có những hành động dại dột thì tôi nghĩ là không nhiều đâu.

Vấn đề đáng lo ngại là người ta thể hiện trách nhiệm xã hội như thế nào trước thực trạng đó? Tại sao lại bấm like cho hành động khó hiểu như vậy?

Phải chăng vì là thế giới ảo nên người ta vô trách nhiệm. Tôi cho rằng mỗi người phải tự có ý thức chắt lọc thông tin, đừng tự biến mình thành kẻ “ngáo”.

Có một số người “ném đá” phát ngôn của TSKH Đoàn Hương, cho rằng như thế là miệt thị người sử dụng Facebook. Trong khi như bà nói, sự nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội bây giờ là rất đáng lo?

Tôi nghĩ phát ngôn đó xuất phát từ sự quan tâm thực lòng đến giới trẻ, nên nhìn nhận nhiều mặt để mà điều chỉnh những hành vi chưa phù hợp. Lên mạng ảo thì hãy đóng vai của một người ảo. Đừng để mạng ảo làm thay đổi đời sống thực của mỗi người theo hướng tiêu cực.

Công cụ nào cũng có những mặt trái. Cha mẹ đừng để con cái thèm khát tình cảm chỉ bởi về đến nhà là mỗi người “ôm” một chiếc điện thoại. Đừng để cuộc sống thật bị quên lãng, mình trở thành người sống bên lề cuộc sống của chính mình, thì đó cũng là hiện tượng “ngáo”.

Sử dụng mạng xã hội, bà có tin những gì đọc, nghe, xem hàng ngày trên đó?

Làm sao mà tin được chứ! Ví dụ có một ông kêu làng lên là người ta đang tiêu diệt cây ở Thủ Lệ kìa. Trong khi thực tế là người ta chuyển các cây đi nơi khác để trồng lại. Rồi chuyện bịa nhiều lắm.

Tôi làm tư vấn tình cảm, người ta bịa ra đủ loại tình huống trớ trêu rồi đưa lên mạng xã hội để hỏi. Nhưng khi hỏi địa chỉ, tên tuổi thì không có.

Rồi những cái ảnh ghép đưa lên để bình luận, tung hỏa mù. Vô thiên lủng những thứ từ rác rưởi đến tinh hoa đều có thể có.

Chuyện bịa nhiều như thế, nên mình phải biết chọn lọc thông tin. Nhiều khi một sự việc trên mạng xã hội có đến 90% là giả.

Làm thế nào để bà sàng lọc được cái giả – thật ấy?

Tôi nghĩ rằng mình phải có kỹ năng sàng lọc. Còn nếu cứ cái gì cũng tin thì thật đáng lo ngại.

Xin cảm ơn bà!

Không thể điều chỉnh được việc đưa thông tin lên mạng xã hội bởi đó là quyền của mỗi người. Dần dần, mỗi người sẽ tự biết và điều chỉnh hành vi của mình. Người thông minh thì lợi dụng được cái tích cực để phục vụ cuộc sống, còn người cả tin, khờ dại thì phải chịu hậu quả. Riêng đối với giới trẻ thì cần có phương pháp định hướng thông tin, chỉ dẫn những thông tin nào tốt, xấu để gạn lọc, tránh tình trạng thông tin xấu lấn lướt, ảnh hưởng trực diện đến đời sống, tinh thần, hành động của giới trẻ”.

Bà Lê Thị Túy

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top