Người đặt cơ sở cho xứ Đàng Trong

(khoahocdoisong.vn) - Người đặt cơ sở cho xứ Đàng Trong được lịch sử lựa chọn, đó chính là Nguyễn Hoàng, một tài năng lớn, với tính năng động và mềm dẻo.

Quá trình đất Champa nhập vào Đại Việt

Lịch sử Việt Nam được mở đầu bằng sự ra đời của ba vương quốc cổ đại đầu tiên là nước Văn Lang- Âu Lạc ở miền Bắc, nước Lâm Ấp- Champa ở miền Trung và nước Phù Nam ở miền Nam.

Vùng đất Thuận Quảng vốn thuộc lãnh thổ của Champa đã từ lâu nhập vào bản đồ Đại Việt và được khai thác trong nhiều thế kỷ. Thuận Hóa là đất Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, Ô Lý của Champa trở thành đất của Đại Việt vào thời Lý, Trần thế kỷ XI (1069). Vua Lý Thánh Tông đi đánh Champa, bắt được vua nước ấy là Chế Củ (Rudravarman IV), Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính để được tha. Vua Lý Thánh Tông bằng lòng.

Năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình (nay là huyện Lệ Ninh, Quảng Bình), châu Ma Linh làm châu Minh Linh (nay là huyện Bến Hải, Quảng Trị), châu Bố Chính nay là đất các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Và thế kỷ XIV (năm Bính Ngọ 1306), vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Champa là Chế Mân, Chế Mân dâng đất hai châu Ô, Lý, làm lễ vật dẫn cưới. Năm Đinh Mùi (1307), đổi châu Ô làm châu Thuận, châu Lý làm châu Hóa.

 Quảng Nam đến đèo Cù Mông (ranh giới giữa tỉnh Bình Định và Phú Yên) cũng là một phần đất Champa được sát nhập vào Đại Việt thời Hồ Quý Ly (năm Nhâm Ngọ 1402) Hồ Quý Ly đánh Champa, chiếm 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, tức đất Chiêm Đông, Cổ Lũy của Champa- nay là đất Quảng Nam, Quảng Ngãi. Năm Tân Mão 1471 Lê Thánh Tông chinh phạt Champa lấy gần hết đất của Champa đặt thành thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa.

Thuở ban đầu của vùng đất Thuận Quảng

Trên những vùng đất mới sát nhập vào bản đồ nước ta, các triều đại quân chủ đã từng tiến hành chính sách di dân và khẩn hoang. Hồ Quý Ly cho chiêu mộ dân nghèo không có ruộng đất ở ngoài Bắc, bắt di cư vào Thăng Hoa khai khẩn và kêu gọi các nhà giàu nộp trâu bò, mua phẩm tước để cấp cho dân di cư.

Trong triều Lê Sơ, Thuận Quảng là nơi đi đày của những tội nhân bị khép tội lưu cận châu và lưu viễn châu. Nhà Lê đã sử dụng lực lượng tội nhân đó với các tù binh người Hoa, người Chăm... để tiến hành chính sách khẩn hoang lập đồn điền. Trong số 43 sở đồn điền thời Lê Thánh Tông, có 4 sở thuộc về đất Thuận Quảng là: Triệu Phong, Tân Bình, Thăng Hoa, Tự Nghĩa.

Dưới thời Hồng Đức (1470- 1497), Thừa tuyên Thuận Hóa gồm 2 phủ, 8 huyện, 4 châu với 732 xã trên tổng số toàn quốc là 6851 xã (Phủ biên tạp lục). Thừa tuyên Quảng Nam mới thành lập từ năm Tân Mão (1471) gồm có 3 phủ, 9 huyện với gần 500 xã.

Miền đất Thuận Quảng tuy đã có lịch sử khai phá lâu đời như vậy, nhưng nói chung trình độ kinh tế, xã hội còn lạc hậu, thấp kém. Đến thế kỷ XVI, người ta vẫn coi Thuận Hóa là đất Ô châu Ác địa, là đất biên viễn xa xôi, độc địa, là xứ sở đầy đọa của những tội nhân và tù binh chiến tranh.

Dưới thời nhà Mạc (1527- 1592), phủ thuế đất Ô châu chỉ toàn là các thứ lâm thổ sản, các sản phẩm tự nhiên như hương liệu, ngà voi, sừng tê, da trâu, nhung hươu, mây, gỗ... phản ánh một hình thái kinh tế tự nhiên lạc hậu lúc bấy giờ.

(còn nữa)

Theo Đời sống
back to top