Tôi năm nay 56 tuổi, thường có cảm giác ngứa da khó chịu mặc dù tôi luôn giữ vệ sinh thân thể, thường xuyên tắm rửa, có khi ngày 2 lần. Có phải tôi bị yếu gan nên bị ngứa?
Nguyễn Hữu Tuân (Hà Nội)
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng ngứa da.
Ngứa trên da có nhiều nguyên nhân, có khi chỉ đơn giản là do da bị khô. Tắm rửa nhiều chỉ làm tình trạng da khô tăng hơn. Ngứa da cũng có thể do nguyên nhân khác như dị ứng, các bệnh về da (eczema, vẩy nến, ghẻ,…), bệnh gan, suy thận, thiếu máu thiếu sắt, các vấn đề về tuyến giáp và ung thư, bao gồm bệnh bạch cầu và Lymphoma.
Các bệnh như chứng đa xơ cứng, tiểu đường, dây thần kinh bị chèn ép và bệnh Zona (Herpes Zoster) cũng có thể gây ngứa. Một số thuốc điều trị như kháng sinh, thuốc chống nấm, giảm đau cũng có thể gây phản ứng phụ là ngứa…
Vì bạn không nói rõ ngứa da như thế nào, có tổn thương trên da hay không cùng những yếu tố sức khỏe khác nên khó có thể chẩn đoán.
Nếu bạn chỉ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và thường xuyên tắm để giảm cảm giác này mà không ngứa tới mức phải gãi, không có các tổn thương trên da thì có thể chỉ là da bạn quá khô.
Nên thực hiện các biện pháp chăm sóc da, giữ ẩm cho da. Không nên tắm nước quá nóng. Sau khi tắm, sử dụng các loại sản phẩm giữ ẩm như kem dưỡng ẩm. Tình trạng này sẽ giảm và hết sau một thời gian chăm sóc da đúng cách.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý, nếu da ngứa không giảm bớt sau 2 tuần tự chăm sóc tại nhà thì cần đi khám để xác định nguyên nhân. Lưu ý khi có các triệu chứng khác như: ngứa trên một khu vực nhỏ, kết hợp với các nốt đỏ hoặc ngứa kèm da khô, nứt nẻ, rỉ dịch, kết vẩy…
Ngứa đến nỗi luôn tay gãi, gây xây xước nhiễm khuẩn trên da. Ngứa gây mất ngủ, ảnh hưởng tới sinh hoạt bình thường. Ngoài ra, cơ thể có các triệu chứng khác như mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, sốt, giảm cân, nước tiểu bất thường về màu sắc…
Theo BS. Lê Hoàng Bách/Suckhoedoisong.vn