Buồn ngủ xảy ra như thế nào?
Đầu tiên phải hiểu vì sao chúng ta buồn ngủ. Cảm giác buồn ngủ là do sự tích tụ một chất hóa học trong não gọi là adenosine. Khi tỉnh táo, quá trình sử dụng năng lượng và chuyển hóa diễn ra, lượng adenosine tăng dần. Vì vậy, tỉnh táo càng lâu càng dễ buồn ngủ.
Trong quá trình ngủ, cơ thể sẽ làm giảm chất này trong não nhờ hệ bạch huyết. Vì vậy, khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng, lượng adenosine cũng như cảm giác buồn ngủ sẽ ở mức thấp nhất và chúng ta có cảm giác tươi tỉnh.
Ví dụ, nếu bạn thức liên tục 30 tiếng, bạn sẽ thấy thật sự buồn ngủ và nhanh chóng ngủ thiếp đi, ngủ rất sâu, thậm chí bạn còn ngủ lâu hơn bình thường. Đó là do lượng adenosine tăng rất cao và khiến bạn vô cùng buồn ngủ.
Tương tự như vậy, nếu bạn thức khuya, vượt qua giờ đi ngủ bình thường, bạn sẽ buồn ngủ nhanh chóng bởi vì lượng adenosine tăng.
Như thế nào là ngủ quá nhanh?
Thời gian đi vào giấc ngủ khó đánh giá vì phụ thuộc vào một số yếu tố. Một trong những yếu tố phức tạp đó là bộ nhớ không thể ghi nhớ hoàn toàn khoảng thời gian mà bạn đang mơ màng. Do đó, bạn có cảm giác như là bạn rơi vào giấc ngủ nhanh hơn thực tế vì bạn không thể nhớ được thời gian giữa ngủ và thức; và khoảng thời gian này sẽ bị bộ nhớ xóa vĩnh viễn.
Giai đoạn sớm nhất đi vào giấc ngủ là pha 1. Hơn một nửa chúng ta nhầm lẫn, xem giai đoạn này là chưa vô giấc ngủ vì chúng ta có thể dễ dàng bị đánh thức trong pha 1. Vì vậy, nhiều người cho rằng mình thao thức lâu hơn vào buổi tối, trong khi thật sự họ đã bắt đầu rơi vào giấc ngủ ( và cũng nhanh chóng thoát ra). Khoảng thời gian chuyển từ trạng thái thức tỉnh sang ngủ gọi là thời gian tiềm tàng khởi phát giấc ngủ.
Cách duy nhất để đánh giá khách quan thời gian bắt đầu ngủ là đánh giá hoạt động điện của não. Các điện cực được gắng trên đầu để khảo sát các sóng não. Đo điện não đồ là một phần của xét nghiệm đánh giá giấc ngủ, gọi là đa ký giấc ngủ. Đa ký giấc ngủ còn đo điện tim, điện cơ mắt, điện cơ cằm, điện cơ chân, mức oxy trong máu, thông khí hô hấp, chuyển động cơ hô hấp, tiếng ngáy.
Giấc ngủ khởi đầu cùng với mất trương lực cơ và chậm sóng điện não, gọi là sóng theta. Sóng theta có tần số từ 4 - 8 lần mỗi giây. Đối với não ở trạng thái tỉnh táo sẽ có sóng điện não có tần số gấp đôi. vì vậy, một số người trong giai đoạn ngủ sớm nhất sẽ mất nhận thức và đáp ứng với xung quanh.
Cảm giác buồn ngủ là do sự tích tụ một chất hóa học trong não gọi là adenosine
Trung bình mỗi người không buồn ngủ quá mức sẽ bắt đầu giấc ngủ từ 5 đến 15 phút. Nếu thời gian này kéo dài hơn 20 - 30 phút có thể là dấu hiệu của chứng mất ngủ. Còn nếu thời gian ít hơn 5 phút người đó đã ngủ quá nhanh, đó có thể là dấu hiệu bệnh lý liên quan đến giấc ngủ, có thể là thiếu ngủ hoặc giấc ngủ kém chất lượng.
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng buồn ngủ trầm trọng?
Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên buồn ngủ là thiếu ngủ. Nếu bạn không ngủ đủ giấc để cơ thể được nghỉ ngơi và loại bỏ lượng adenosine, bạn sẽ nhanh chóng buồn ngủ.
Trung bình một người dành hơn 8 giờ để ngủ, nhưng có những người cần ngủ nhiều hơn, số khác ít hơn. Nếu bạn buồn ngủ nhanh chóng, cần nhiều giấc ngủ ngắn, ngủ gục hay ngủ li bì vào ngày cuối tuần có thể cơ thể bạn đang thiếu ngủ nghiêm trọng. Kéo dài thời gian mỗi giấc ngủ là đủ để giảm tình trạng thiếu ngủ và lâu buồn ngủ hơn.
Chất lượng giấc ngủ kém cũng khiến bạn thèm ngủ thường xuyên. Nguyên nhân phổ biến của tình trạng ngủ chập chờn là tình trạng ngưng thở khi ngủ, tình trạng này có liên quan đến ngáy to, rối loạn nhịp thở làm bạn thức giấc thường xuyên trong đêm. Ngoài ra, nghiến răng hay tiểu đêm cũng làm suy giảm chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, các vấn đề trên đã có thể điều trị hiệu quả giúp cải thiện giấc ngủ của bạn.
Thêm vào đó, những cử động chân chu kì về đêm có liên quan đến hội chứng chân không yên cũng làm gián đoạn giấc ngủ. Tình trạng ngủ chập chờn cũng liên quan đến bệnh ngủ rũ - Narcolepsy là bệnh rối loạn não hiếm gặp. Bộ não không thể điều chỉnh việc ngủ và thức dậy như bình thường, khiến người bệnh đột nhiên rơi vào giấc ngủ mà không có cảnh báo trước.
Nếu những xét nghiệm không tìm ra nguyên nhân, người ta cho là chứng buồn ngủ vô căn.
Đánh giá chứng ngủ quá mức
Cách đơn giản nhất để đánh giá cơn buồn ngủ là hoàn thành bộ câu hỏi gọi là bảng đánh giá giấc ngủ Epworth. Điểm cao, đặc biệt là trên 10, có liên quan đến gia tăng buồn ngủ. Xét nghiệm chuyên sâu hơn đã đề cập ở trên.
Một thử nghiệm khác gọi là test ghi nhận thời gian tiềm khởi đầu giấc ngủ - Multiple sleep latency test (MSLT) cũng được dùng để đánh giá cơn buồn ngủ và khả năng của bệnh ngủ rũ. Thử nghiệm MSLT bao gồm 5 đợt ngủ ngắn, mỗi đợt 20 phút cách mỗi hai giờ trong 1 ngày.
Kết quả thử nghiệm MSLT được xem là bất thường nếu trung bình bạn mất dưới 8 phút để đi vào giấc ngủ hay khởi phát giai đoạn Chuyển động mắt nhanh (rapid eye movement REM) trong ít nhất 2 đợt ngủ ngắn. Kết quả này có khả năng cao mắc chứng ngủ rũ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Bắt đầu giấc ngủ sau 5 - 15 phút là lý tưởng. Nếu bạn ngủ quá nhanh, bạn cần đến gặp chuyên gia về giấc ngủ để được tư vấn tốt hơn.