Nghi vấn nhà xe Bình An phá luồng tuyến: Sở GTVT tỉnh Hoà Bình lên tiếng

Sau khi Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống đăng tải loạt bài về nghi vấn nhà xe Bình An phá luồng tuyến vận tải, mới đây, Sở GTVT tỉnh Hoà Bình có văn bản báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT).

Sở GTVT tỉnh Hoà Bình cho biết, báo cáo của đơn vị này dựa trên cơ sở giải trình của Bến xe khách Trung tâm (Công văn số 98/BC- BXK ngày 15/7/2024) và Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải (DVVT) Hòa Bình (Công văn số 13/DVVTHB ngày 15/7/2024), đồng thời qua kiểm tra, rà soát thực tế.

Theo đó, tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh Bình An (Hòa Bình) - Mỹ Đình (Hà Nội), do Công ty TNHH DVVT Hòa Bình hoạt động khai thác từ năm 2010. Tiền thân xuất phát của tuyến vận tải hành khách này là tuyến Bến xe khách trung tâm - Mỹ Đình được hoạt động từ năm 2006, cũng do Công ty TNHH DVVT Hòa Bình khai thác.

Đến năm 2010, Nhà nước có chủ trương xã hội hoá, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng bến xe. Công ty TNHH DVVT Hòa Bình đầu tư xây dựng và công bố khai thác Bến xe khách Bình An từ tháng 3/2010. Vị trí hai bến xe này cách nhau hơn 5 km, đều nằm trong khu vực thành phố Hòa Bình. Sau đó, đơn vị được chấp thuận chuyển các phương tiện đang hoạt động trên tuyến từ Bến xe khách Trung tâm về Bến xe Bình An.

Xe khách Bình An của Công ty TNHH DVVT Hòa Bình "ghé" Bến xe Trung tâm Hòa Bình để đón, trả khách. Ảnh: Thiên Tuấn.

Xe khách Bình An của Công ty TNHH DVVT Hòa Bình "ghé" Bến xe Trung tâm Hòa Bình để đón, trả khách. Ảnh: Thiên Tuấn.

Thời điểm trên, để tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, hạn chế tình trạng phương tiện dừng, đỗ đón, trả khách không đúng nơi quy định trong địa bàn thành phố Hoà Bình, trên cơ sở đề xuất của Công ty TNHH DVVT Hòa Bình tại Công văn số 104/DVVTHB ngày 27/5/2010, Báo cáo số 58/BC-BXKTT ngày 14/6/2010 của Bến xe khách Trung tâm và căn cứ tình hình thực tế, ngày 25/6/2010, Sở GTVT Hòa Bình có Công văn số 494/SGTVT-VTCN, bổ sung điểm dừng, đỗ đón trả khách tại Bến xe khách Trung tâm tỉnh Hòa Bình đối với tuyến Hoà Bình - Hà Nội (Mỹ Đình), do Công ty TNHH DVVT Hòa Bình đang hoạt động, khai thác.

Theo đó, Bến xe khách Trung tâm Hòa Bình và Công ty TNHH DVVT Hòa Bình đã ký Hợp đồng để các phương tiện của Công ty TNHH DVVT Hòa Bình, dừng đỗ 5 phút tại Bến xe khách Trung tâm đón, trả khách.

Thời điểm năm 2018, địa bàn tỉnh Hòa Bình chỉ có duy nhất cây cầu nối bờ phải và trái sông Đà. Do đó, để kết nối Quốc lộ 6 với Bến xe Bình An, đơn vị khai thác buộc phải đi qua cầu Hòa Bình 1 và theo lộ trình hoạt động đã nhiều năm khai thác để đến Bến xe Mỹ Đình.

Tháng 10/2018, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình hoàn thành, đưa vào khai thác hoạt động. Trên cơ sở Công văn số 12779/BGTVT-VT ngày 9/11/2018 của Bộ GTVT về việc bổ sung quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đến năm 2020 và đề xuất của Công ty TNHH DVVT Hòa Bình, Sở GTVT Hòa Bình đã ban hành Công văn số 2557/SGTVT-QLVT,PTN ngày 15/11/2018, chấp thuận thay đổi hành trình chạy xe đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh Hoà Bình (Bình An) - Hà Nội (Mỹ Đình).

Hành trình chạy xe sau khi điều chỉnh như sau: Bến xe khách Bình An - QL6 - Đường Hoà Lạc - Hoà Bình - Đại lộ Thăng Long - Đường Châu Văn Liêm - Đường Lê quang Đạo - Mễ Trì - Bến xe Mỹ Đình và ngược lại.

"Tuy nhiên, tính đến nay, lộ trình trong khu vực thành phố Hoà Bình chưa được cập nhật rõ hành trình chi tiết (hiện nay trên địa bàn thành phố Hòa Bình đã có thêm và thay đổi tên một số tuyến phố). Thời gian tới, Sở GTVT Hòa Bình sẽ phối hợp Sở GTVT Hà Nội để thống nhất điều chỉnh, cập nhật rõ lại lộ trình hoạt động trong khu vực thành phố Hòa Bình theo quy định", trích công văn của Sở GTVT tỉnh Hoà Bình.

Trước đó, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản đề nghị Sở GTVT Hòa Bình khẩn trương thực hiện rà soát, kiểm tra làm rõ thông tin phản ánh của báo chí, xử lý vi phạm (nếu có), báo cáo hiện trạng, vướng mắc trong quá trình cấp thực hiện quản lý luồng tuyến cố định, gửi Cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 15/7/2024; tiếp tục đôn đốc Phòng Quản lý Vận tải chủ động khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của ô tô, camera lắp đặt trên xe kinh doanh vận tải để cảnh báo, xử lý theo quy định đối với hành vi vi phạm.

Theo Đời sống
back to top