Nghi vấn nhà xe Bình An phá tuyến vận tải liên tỉnh Hoà Bình - Hà Nội

Loạt xe khách tuyến cố định của hãng xe Bình An chạy tuyến Bến xe Bình An (Hòa Bình) - Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) đang hoạt động trên các tuyến đường bị cho là không có trong lộ trình chấp thuận.

Theo phản ánh, nhiều năm qua, gần 30 xe khách của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình kinh doanh vận tải tuyến cố định Bến xe Bình An (TP Hòa Bình) - Bến xe Mỹ Đình (TP Hà Nội) có dấu hiệu hoạt động ngoài luồng tuyến, lộ trình vận tải do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Hòa Bình chấp thuận. Việc này gây nguy cơ tai nạn giao thông, ảnh hưởng hoạt động vận tải tuyến Hòa Bình - Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là nếu đúng như vậy, liệu có dấu hiệu buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng?

Những tuyến đường không có trong lộ trình

Theo tài liệu phóng viên thu thập được, ngày 15/11/2018, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình ban hành văn bản số 2557/SGTVT-QLVT,PTNL về việc chấp thuận thay đổi hành trình chạy xe đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh Hòa Bình - Hà Nội (Bến xe Bình An - Mỹ Đình) của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình.

Sau khi điều chỉnh, hành trình cụ thể của các phương tiện như sau: Bến xe Bình An - Quốc lộ 6 - Đường Hòa Lạc Hòa Bình - Đại lộ Thăng Long - Đường Châu Văn Liêm - Đường Lê Quang Đạo - Mễ Trì - Bến xe Mỹ Đình và ngược lại. Tuy nhiên, theo phản ánh và ghi nhận thực tế của phóng viên Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống, gần 30 xe khách của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình có hành trình tuyến cố định Bến xe Bình An - Bến xe Mỹ Đình hoạt động không rõ ràng, mập mờ về lộ trình, chưa kể có dấu hiệu chạy sai lộ trình, vi phạm quy định về hoạt động vận tải.

Loạt xe khách Bình An của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình ghé Bến xe Trung tâm Hòa Bình để đón, trả khách, dù vị trí này không có trong lộ trình chấp thuận.

Loạt xe khách Bình An của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình ghé Bến xe Trung tâm Hòa Bình để đón, trả khách, dù vị trí này không có trong lộ trình chấp thuận.

Cụ thể, khoảng 17h25 ngày 21/5, xe khách Bình An BKS 29B - 000.60 xuất phát từ Bến xe Bình An (phường Tân Hòa, TP Hòa Bình), chạy vào các tuyến đường xuyên tâm TP Hòa Bình đông đúc dân cư, trường học, trụ sở cơ quan. Xe chạy qua các tuyến đường lần lượt là: Đường Hòa Bình - đường Hữu Nghị - đường Lê Thánh Tông - cầu Hòa Bình - đường Chi Lăng - đường Trần Hưng Đạo rồi chạy thẳng vào bến xe trung tâm thành phố để đón khách.

Sau khoảng 10 phút, chiếc xe rời bến, nhập vào đường Trần Hưng Đạo, rẽ phải vào đường chữ A (nơi được xem là trụ sở văn phòng của nhà xe Bình An) để đón khách. Tiếp tục hành trình, xe trở ra đường Trần Hưng Đạo, nhập đường Cù Chính Lan (Quốc lộ 6) rồi tăng tốc chạy về Hà Nội theo đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

Trước đó, trong khung 12h - 14h ngày 21/5, những chiếc xe khách Bình An mang BKS 29B - 188.39, 29B - 111.60, 28B - 004.03, 29B - 082.26, 29B - 189.48... cũng xuất phát từ Bến xe Bình An, chạy theo tuyến đường tương tự để đón, trả khách, bắt khách dọc đường.

Từ lộ trình chấp thuận của Sở GTVT tỉnh Hòa Bình, đối chiếu với hành trình thực tế của nhà xe Bình An cho thấy, phần lớn tuyến đường nhà xe này hoạt động đều không có hoặc không thể hiện trong lộ trình cho phép. Đặc biệt, bến xe trung tâm thành phố Hòa Bình (nơi đón, trả khách chủ yếu của nhà xe) nằm trên đường Trần Hưng Đạo, cách Bến xe Bình An hơn 5,3 km và ngược hướng về Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), nhưng nhà xe vẫn bất chấp “tốn dầu” chạy vào.

Ngoài ra, để vào được Bến xe trung tâm, phương tiện buộc phải cắt qua đường Cù Chính Lan (Quốc lộ 6). Thực tế cho thấy, những chiếc xe khách Bình An đang “vượt rào” để đến nơi không có trong lộ trình chấp thuận hoạt động.

Có kẽ hở để “lách luật”?

Ngày 19/5/2010, Bến xe khách trung tâm Hòa Bình lập biên bản làm việc về việc “xin ghé bến đón trả khách theo đề nghị tại Công văn số 98/DVVTHB ngày 19/5/2010 của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình. Theo đó, các bên thống nhất kể từ ngày 1/6/2010, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình được phép đưa toàn bộ số xe khách đang kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến Hòa Bình - Mỹ Đình, Hòa Bình - Hà Đông ghé Bến xe khách trung tâm Hòa Bình để đón trả khách.

Xe khách Bình An di chuyển trên tuyến đường Hòa Bình - Hữu Nghị (không có trong lộ trình chấp thuận), ngang nhiên lấn làn, vi phạm giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Xe khách Bình An di chuyển trên tuyến đường Hòa Bình - Hữu Nghị (không có trong lộ trình chấp thuận), ngang nhiên lấn làn, vi phạm giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Thời gian đón khách tại bến là 5 phút, đóng góp 50% phí ra vào bến. Bến xe khách trung tâm có trách nhiệm sắp xếp điểm đỗ, cung cấp dịch vụ phát thanh, cho mượn địa điểm bán vé, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình cung cấp danh sách, biểu đồ và hành trình chạy xe đã được Sở GTVT Hòa Bình phê duyệt làm cơ sở ký hợp đồng...

Ngày 14/6/2010, Bến xe khách trung tâm Hòa Bình có báo cáo số 58/BC- BXKTT về việc xin ghé Bến xe trung tâm để đón trả khách của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình gửi Sở GTVT Hòa Bình, xin ý kiến.

Ngày 7/10/2011, Sở GTVT Hòa Bình có văn bản số 681/SGTVT-VT về việc chấp thuận Chi nhánh công ty Dịch vụ Vận tải Hòa Bình khai thác tuyến Hà Nội đi Hòa Bình gửi Sở GTVT Hà Nội.

Nội dung nêu rõ: “Thống nhất với Sở GTVT Hà Nội về việc Chi nhánh công ty Dịch vụ Vận tải Hòa Bình khai thác tuyến vận tải liên tỉnh Hà Nội đi Hòa Bình, cụ thể: Tên tuyến: Hòa Bình đi Hà Nội và ngược lại; Bến đi: Bến xe Bình An, bến đến: Mỹ Đình; Cự ly 75 km; Hành trình: Bến xe Bình An - Quốc lộ 6 - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Bến xe Mỹ Đình và ngược lại; Số chuyến khai thác: 1 chuyến/ngày; Danh sách xe khai thác: 29B - 000.31 và 29B - 000.32”.

Sau khi khai thác 1 chuyến/ngày xuất phát từ Bến xe Bình An, ngày 27/12/2012, Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình tiếp tục có đề nghị xin đăng ký khai thác thêm theo hướng tăng chuyến với danh sách 19 phương tiện. Bến đi là Bến xe khách Bình An, bến đến là Bến xe khách Mỹ Đình theo hành trình: Bến xe Bình An - Quốc lộ 6 - đường Lê Văn Lương - Bến xe Mỹ Đình và ngược lại. Nội dung này được Sở GTVT Hòa Bình chấp thuận.

Tiếp đó, sau khi tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình hoàn thiện, đi vào sử dụng và căn cứ Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đến năm 2020 của Bộ GTVT, ngày 15/11/2018, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình ban hành văn bản số 2557/SGTVT-QLVT,PTNL về việc chấp thuận thay đổi hành trình chạy xe đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh Hòa Bình - Hà Nội (Bình An - Mỹ Đình) của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình.

Xe khách Bình An "ghé bến" tại Bến xe Trung tâm Hòa Bình để đón, trả khách".

Xe khách Bình An "ghé bến" tại Bến xe Trung tâm Hòa Bình để đón, trả khách".

Sau khi điều chỉnh, hành trình cụ thể của các phương tiện nhà xe Bình An như sau: Bến xe Bình An - Quốc lộ 6 - Đường Hòa Lạc Hòa Bình - Đại lộ Thăng Long - Đường Châu Văn Liêm - Đường Lê Quang Đạo - Mễ Trì - Bến xe Mỹ Đình và ngược lại.

Lý giải về việc các xe khách tuyến cố định của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình xuất phát từ Bến xe Bình An vào đón, trả khách ở Bến xe Trung tâm Hòa Bình, dù địa điểm này không nằm trong lộ trình chấp thuận, đại diện Bến xe Trung tâm Hòa Bình cho biết: “Đây là hoạt động ghé bến. Bến và Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình có ký hợp đồng với nhau căn cứ Quyết định 05/2017/QĐ-UBND về Quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe ô tô khách trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”.

Theo đó, Quyết định 05/2017/QĐ-UBND của tỉnh Hòa Bình có nêu: “Đối với xe ghé bến đón trả khách (bao gồm cả xe buýt): Mức thu bằng 20% giá dịch vụ xe ô tô khách tuyến cố định tương ứng cho từng loại bến”.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia giao thông, quy định của pháp luật liên quan hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ không có khái niệm “ghé bến” và có thể từ “ghé bến” trong Quyết định 05/2017/QĐ-UBND của tỉnh Hòa Bình đang gây hiểu nhầm và là kẽ hở để “lách luật”?

Cục Đường bộ Việt Nam nói gì?

Theo Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái (Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải), quy định của pháp luật và các văn bản quy phạm pháp khác hiện không có khái niệm “ghé bến” nên không có quy định về ghé bến.

Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái dẫn Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Nghị định số 41/2024/NĐ - CP ngày 16/4/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, các Thông tư về quản lý hoạt động vận tải và những văn bản quy phạm pháp khác liên quan hoạt động vận tải, từ đó khẳng định, không có khái niệm “ghé bến” nên cũng không có quy định ghé bến.

Phóng viên nêu vấn đề: Lộ trình của tuyến xe cố định Hòa Bình - Hà Nội của Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình được Sở GTVT Hòa Bình chấp thuận, công bố: Bến xe Bình An - Quốc lộ 6 - Đường Hòa Lạc Hòa Bình - Đại Lộ Thăng Long - Đường Châu Văn Liêm - Đường Lê Quang Đạo - Mễ Trì - Bến xe Mỹ Đình và ngược lại nhưng loạt xe tuyến cố định của doanh nghiệp này lại chạy vào tuyến đường xuyên tâm nội thành thành phố Hòa Bình, đường đông dân cư, trường học, đặc biệt là Bến xe Trung tâm để đón, trả khách. Như vậy, liệu có đúng quy định?

Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái cho biết, Điều 12, 22 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có các quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối chia sẻ với Bộ Công an (Cục CSGT), Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, an ninh trật tự.

Sở GTVT, khi thực hiện cấp phù hiệu cho phương tiện, có trách nhiệm cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thực hiện kiểm tra và chỉ cấp phù hiệu khi thiết bị giám sát hành trình của xe đáp ứng đầy đủ quy định về lắp đặt, truyền dẫn.

Từ đây, Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái đề nghị Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống liên hệ với Sở GTVT Hòa Bình hoặc các cơ quan chức năng liên quan (Thanh tra Sở GTVT Hòa Bình, CSGT Hòa Bình) để được cung cấp thông tin.

Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái nhấn mạnh, theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, sau khi được Sở GTVT ra thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công, đơn vị phải đưa xe vào khai thác theo đúng hành trình, bến xe hai đầu tuyến đã quy định trong Thông báo đăng ký khai thác tuyến của Sở GTVT.

"Nếu nhận được thông tin qua báo chí, truyền thông, đơn thư khiếu nại về các vi phạm (chạy sai luồng tuyến, lộ trình), Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có văn bản gửi Sở GTVT địa phương, yêu cầu kiểm tra và xử lý theo quy định", Phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện và Người lái thông tin.

Dưới góc nhìn pháp lý, TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - cho hay, hiện nay, việc kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc kinh doanh vận tải bằng ô tô tô có thể bao gồm vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe hợp đồng… Nghị định này nêu rõ: Tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền công bố, được xác định bởi hành trình, lịch trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến (điểm đầu, điểm cuối đối với tuyến xe buýt).

“Hiện nay, pháp luật không có khái niệm ghé bến trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ. Việc dừng, đỗ vào bến, xuất bến phải theo quy định. Trường hợp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định mà không tuân thủ giờ xuất bến, dừng đỗ xe đón trả khách sai quy định thì sẽ bị xử lý”, TS.LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, trong trường hợp cụ thể của nhà xe Bình An, cơ quan chức năng sẽ làm rõ doanh nghiệp có vi phạm quy định không, trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với công tác quản lý theo nguyên tắc có hành vi vi phạm (nếu có) thì phải chịu chế tài. Ai vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau khi nhận phản ánh của Báo Tri thức và Cuộc sống, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình cho biết, sẽ kiểm tra, rà soát lộ trình của hãng xe Bình An thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình. Nếu có bất cập, đơn vị sẽ điều chỉnh cho phù hợp.

Để làm rõ vấn đề trên và tiếp nhận thông tin khách quan, công khai, minh bạch, phóng viên đã liên hệ với Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hòa Bình nhưng công ty này từ chối trả lời.

Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin vụ việc.

Theo Đời sống
Nan giải xử lý “ô nhiễm trắng”

Nan giải xử lý “ô nhiễm trắng”

Rác thải nhựa, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần hay túi nilon khó phân huỷ đang được sử dụng tràn lan, ảnh hưởng rất lớn môi trường, sức khỏe con người. Điều lo ngại là rác thải nhựa chưa có biện pháp xử lý triệt để.
back to top