Chứng “ngáy” còn được gọi là chứng “ngưng thở khi ngủ” là hiện tượng mà người ngủ hít thở quá mạnh và tạo âm thanh lớn gây ảnh hưởng đến người khác.
Ảnh minh họa.
Đôi khi bản thân người đó không biết mình bị chứng ngáy to. Nghiên cứu trên 2.000 người ở Canada thì có khoảng 70% đàn ông và 50% phụ nữ mắc phải chứng này. Ngáy có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống vợ chồng khi cả hai phải ngủ riêng biệt.
Ngủ ngưng thở làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Nó cũng có thể đe dọa đến sức khoẻ của tim. TS Epstein nói: “Ngáy hay ngưng thở khi ngủ là một yếu tố nguy cơ cho sự phát triển của chứng huyết áp cao và dẫn đến bệnh tim mạch. Ngáy cũng có liên quan đến chứng béo phì và một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard cho rằng tình trạng này có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ cũng như ở đàn ông.
Nguyên nhân gây ngáy
• Tuổi tác. Khi lớn tuổi, các cơ bắp thường duỗi ra nhiều hơn. Nó cũng xảy ra ở cơ cổ họng và lưỡi tạo thành các chướng ngại vật ở đường cổ dẫn đến ngáy.
• Cân nặng. Trọng lượng dư thừa có thể đóng một vai trò lớn vì quá nhiều mô mỡ tích tụ trong cổ họng dẫn đến việc hạn chế hoạt động của cơ bắp trong cổ họng, do đó gây ngáy.
• Uống rượu bia, hút thuốc hoặc do sử dụng các loại thuốc chữa bệnh có thể làm tăng sự giãn cơ cho phép phần thịt của cổ họng giãn ra và làm gián đoạn luồng không khí. Hút thuốc cũng kích thích các đường dẫn mũi và cổ họng làm viêm các vùng này và hạn chế lưu thông luồng không khí qua cổ họng.
• Các bệnh mũi và xoang. Nhiễm trùng theo mùa và nhiễm trùng xoang có thể gây sưng các cơ trong mũi dẫn đến khó thở và ngáy khi ngủ. Một vách ngăn mũi lệch cũng có thể gây ngáy do sự mất cân bằng về kích cỡ của đường thở.
• Tư thế ngủ. Ngủ nằm ngửa khả năng ngáy cao hơn vì các mô ở phía sau cổ họng có thể dễ dàng đóng lại và gây tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường thở dẫn đến ngáy.
Ngáy có hại cho sức khoẻ
Ngáy khi ngủ cũng có thể là một dấu hiệu nghiêm trọng cho sức khỏe, không được điều trị sớm chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến tử vong.
– Hại tim, nếu không điều trị chứng ngáy có nguy cơ dẫn đến huyết áp cao, các cơn đau tim và đột quỵ.
– Rối loạn nhịp tim. Những người có chứng ngáy khi ngủ thường có nguy cơ mắc chứng loạn nhịp tim cao hơn, tim có thể đập nhanh, quá chậm, hoặc không đều.
– Hội chứng trào ngược dạ dày (GERD-Gastro Esophageal Reflux Disease) là một bệnh tiêu hóa mạn tính, trong đó các acid dạ dày trở ngược lại vào thực quản và gây kích ứng lớp niêm mạc.
– Mức oxy thấp trong máu. Nếu ngưng thở thường xuyên thì lượng oxy trong máu không được vận chuyển kịp thời đến các mao mạch.
– Khó ngủ ngon giấc, nếu ngừng thở 1 nhịp dài hơn 10 giây và thường xuyên suốt ban đêm, có thể dẫn đến thức giấc nhiều lần làm gián đoạn chu kỳ ngủ.
– Tình trạng buồn ngủ ban ngày do không ngủ đủ giấc suốt đêm, hiện tượng lập đi lập lại thường xuyên khiến người cảm thấy mệt mỏi và thường buồn ngủ trong ngày. Điều này ảnh hưởng đến công việc làm ban ngày và cực kỳ nguy hiểm nếu đối với người vận hành máy móc hoặc lái xe. Thiếu ngủ làm suy giảm nhận thức và lâu dần sẽ bị bệnh tâm thần nhẹ.
– Nhức đầu mãn tính. Người có chứng ngủ ngáy thường cho biết có các cơn nhức đầu thường xuyên vào buổi sáng, hiện tượng này là do sự thay đổi mức oxy và carbon dioxide trong máu.
Một số biện pháp khắc phục
1. Đổi tư thế ngủ nghiêng. Nên chuyển tư thế nằm nghiêng khi ngủ, các chuyên gia khuyên rằng trước khi đi ngủ bạn nên lấy một chiếc khăn mặt rồi cuộn vào đó một quả bóng tennis và đặt nó vào trong cổ áo ngủ. Thao tác đơn giản này tuy hơi gây khó chịu nhưng giúp không nằm ngửa khi ngủ và dần dần sẽ giúp bạn quen cách nằm nghiêng.
2. Thay đổi cách sống, cần tránh uống rượu trước khi đi ngủ. Nhiều người có thói quen thưởng thức một ly rượu vang hoặc một loại thức uống có cồn trước khi đi ngủ cũng là nguyên nhân gây ngáy.
3. Giảm chất gây dị ứng trong phòng ngủ. Ngáy đôi khi có thể là do chất gây dị ứng trong phòng ngủ. Thay đổi gối và giữ cho nệm và giường tránh tiếp xúc các chất gây dị ứng như bụi.
4. Tăng ẩm độ trong phòng ngủ, không khí khô, đặc biệt là vào mùa đông, có thể làm khô niêm mạc mũi gây kích thích, dẫn đến tắc nghẽn và gây ngáy to khi ngủ. Một giải pháp đơn giản là sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng.
5. Thoa tinh dầu Thyme (cỏ xạ hương) trước khi đi ngủ. Khoa học chứng minh nên sử dụng tinh dầu Thyme là hữu hiệu nhất cho giấc ngủ ngon. Vài giọt tinh dầu cỏ xạ hương pha loãng được bôi lên 2 bàn chân trước khi đi ngủ làm êm dịu thần kinh, giãn cơ và ngưng ngáy, nhưng cẩn thận khi dùng cho những người bị huyết áp cao, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Mai Nguyễn (tổng hợp)