IDJ "bị lợi dụng để lừa đảo"?
Mới đây, ngày 27/4/2021, trang facebook của ông Trần Trọng Hiếu, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Tài chính, Giáo dục, Bất động sản, Kết nối Đầu tư Quốc tế (IDJ Group) có đưa một thông tin liên quan tới một ví điện tử tiền ảo tự giới thiệu có nguồn gốc tại Anh mang tên Robomine.
Theo đó, ông Hiếu cho biết có kết bạn Facebook với ông Đoàn Mạnh Tuấn - người đang đóng vai trò chủ chốt tại Robomine Việt Nam - nhưng chưa từng gặp mặt.
Ông Hiếu cho biết, cách đây khoảng vài tháng, ông Đoàn Mạnh Tuấn chủ động đánh tiếng với ông để hỏi về các cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, do IDJ Group thiên về mảng BĐS, còn Robomine nặng về tiền ảo, nên ông Hiếu từ chối gặp mặt.
Nhưng gần đây, ông Hiếu lại nhận được thông tin về chương trình Robomine của ông Đoàn Mạnh Tuấn. Trong video clip, ông Tuấn nói dối trắng trợn về việc được ông Hiếu cử sang New Zealand đi học cách đây nhiều năm và việc ông Tuấn xây dựng chương trình Robomine là có sự chỉ đạo của ông Hiếu. Trước đó, ông Tuấn chưa từng làm việc cho IDJ Group.
Ông Hiếu khẳng định không đầu tư tiền ảo và không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến tiền ảo. "Ông Tuấn cũng chưa bao giờ là nhân viên của tôi hay tôi đầu tư gì với ông Tuấn với bất kỳ hình thức nào. Bạn này không hề liên quan đến IDJ. IDJ không đầu tư vào dự án tiền ảo của Tuấn dưới bất kỳ hình thức nào" - trang facebook của ông Trần Trọng Hiếu viết.
Ông Hiếu cho biết thêm, trong các video của Tuấn đề cập đến IDJ nhằm mục đích tăng uy tín để lừa đảo. Ý của Tuấn là IDJ đầu tư vào dự án của Tuấn để mọi người đầu tư theo.
“Tôi rất bất bình và yêu cầu Tuấn phải xin lỗi cộng đồng. Một lần nữa tôi đề nghị những người bị lừa đảo tiền ảo đưa Tuấn ra pháp luật” - trang facebook của ông Trần Trọng Hiếu viết.
Xác nhận với KH&ĐS, ông Trần Trọng Hiếu cho biết đã liên lạc qua số điện thoại của ông Đoàn Mạnh Tuấn, yêu cầu người này phải có văn bản xin lỗi công khai vì đã bịa đặt, lạm dụng uy tín của ông. Trường hợp ông Tuấn không thực hiện yêu cầu, ông Hiếu sẽ "tố cáo tới cơ quan công an" để làm rõ hành vi có dấu hiệu lừa đảo này. Ông Hiếu sẽ thực hiện việc tố cáo không chỉ nhằm lấy lại uy tín cá nhân, công ty, mà còn vì ý thức công dân là phải góp sức ngăn chặn những hành vi có dấu hiệu lừa đảo này.
Không riêng ông Hiếu, hiện có khá nhiều nhóm trên facebook, zalo, telegram... đang đặt vấn đề về việc "ví điện tử Robomine" đã lừa đảo tiền điện tử của nhà đầu tư.
Trong các nhóm này có thành viên với các thông tin, video và hình ảnh đúng như trang facebook của ông Trần Trọng Hiếu cung cấp. Thành viên này thường được gọi là "Tuấn Chủ tịch" và thường cung cấp các thông tin liên quan tới Robomine để thu hút người tham gia.
Dấu hiệu lừa đảo đang rõ dần?
Robomine được giới thiệu là một ví điện tử phi tập trung giống như TrustWallet, Imtoken… điều khác biệt lớn ở đây là cho phép người dùng "đào" tiền ảo ngay trên ví thông qua Bot có tên “Robomine AI”. Từ đó mang về lợi nhuận từ 0,3 – 0,5%/ngày ~ 10 – 15%/tháng.
Các thông tin tại zalo, telegram... và video, hình ảnh về thành viên thường được gọi với tên "Tuấn Chủ tịch" cho biết, "ví điện tử" này được phát triển từ công ty Robomine có trụ sở ở London, Anh. Danh sách sáng lập của Robomine blockchain được giới thiệu gồm Tiến sĩ Nicolas Kokkalis tại Stanford, bà Robin Bienenstock, ông Azdine Bouhou.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu bằng Google, bà Bienenstock có tồn tại nhưng trong profile linkedin hay bất cứ trang cá nhân của bà này không nhắc gì đến Robomine. Còn ông Nicolas Kokkatis cũng là sáng lập viên của một trang khác gọi là Pi Network - một sàn đa cấp tiền ảo khác.
Đáng chú ý, tuy được giới thiệu là dự án lớn từ Anh, nhưng không có bài viết tiếng Anh nào liên quan đến Robomine, chỉ có các bài phân tích của cộng đồng “nhà đầu tư Việt Nam” tự rủ nhau nạp tiền ảo vào ví.
Robomine xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2019, với 2 trang web chính là robomine.io (tiếng Anh) và robomine.org (tiếng Việt). Nguyên tắc hoạt động của Robomine về cơ bản là: Cài app lên điện thoại, nạp tiền (tối thiểu $500) bằng ethereum ETH hoặc bitcoin BTC hoặc USDT vào ví để “trữ” và ấn nút cho “điện thoại đào coin”, chờ tiền về, lợi nhuận 10 - 15% tháng, “tự động khai thác 24/7”, “không gây nóng thiết bị”.
Trong những lời "quảng cáo" về Robomine của những "nhà đầu tư" tại Việt Nam, các nhân vật này khẳng định người chơi "tiền ảo" không phải mua gói đầu tư, mà chỉ cần chuyển "tiền" vào trong "ví", lãi sẽ được tự động gửi về. Do không cần mua gói đầu tư, nên Robomine cam kết tiền đầu tư ban đầu luôn luôn được giữ nguyên và nhà đầu tư có thể quản lý, rút ra bất cứ lúc nào.
Hiện nay, cộng đồng Robomine tại Việt Nam lên đến hàng ngàn người, tổng mức đầu tư ước tính đã lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, website Robomine.io thông báo đang bảo trì, còn website Robomine.org đã thông báo lỗi không truy cập được. Trong ví Robomine của các nhà đầu tư vẫn thông báo còn tiền, nhưng không thể rút ra do trang web bị lỗi.
Theo xác minh của KH&ĐS, có không ít cá nhân mang mác nhà khoa học đã tham dự vào các sự kiện giới thiệu về Robomine có sự xuất hiện của "Tuấn Chủ tịch", cũng như nhiều loại sàn "tiền ảo" khác. Nhân vật "Tuấn Chủ tịch" này thậm chí còn được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc một trung tâm nghiên cứu mà không có nổi một dòng hồ sơ lý lịch trích ngang giới thiệu.
Trả lời về việc tại sao bổ nhiệm Phó Giám đốc một trung tâm nghiên cứu khoa học mà không có hồ sơ của người bổ nhiệm, "nhà khoa học" này... xác nhận đó là lỗi hành chính của ông.
Hiện, rất nhiều nhà đầu tư cho biết không liên hệ điện thoại được với thành viên "Tuấn Chủ tịch", tài khoản mạng của thành viên này chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong các hội nhóm telegram, zalo để giới thiệu, "thanh minh" về Robomine. Trong khi nhiều nhà đầu tư cho biết tài sản "tiền ảo" của họ đã bị rút khỏi ví Robomine.
Nhiều nhà đầu tư cho biết, khi có ý kiến về việc "Tuấn Chủ tịch" có dấu hiệu lừa đảo công khai, thì bị kích khỏi nhóm chat. Nhiều nhà đầu tư cho biết đang chuẩn bị các thủ tục để khởi kiện, tố cáo việc lừa đảo của nhóm do "Tuấn Chủ tịch" đứng đầu tới các cơ quan chức năng.
Vậy thì hệ thống của "Tuấn Chủ tịch" gồm những ai? Thông tin "trích ngang" của nhân vật này như thế nào? Và tại sao hình thức huy động chơi "tiền ảo" đang ngày càng phát triển, nhưng lại chưa thấy cơ quan chức năng có ý kiến chính thức, để dẫn tới việc rủi ro tài sản của người dân đang tăng cao chưa từng thấy khi tham gia vào thế giới "tiền ảo"?
Đó là những vấn đề KH&ĐS sẽ tiếp tục phản ánh.