Theo số liệu do Sở Giao dịch TPHCM (HOSE) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố, trong tháng 5/2021, có 46 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị 28.410 tỷ đồng, 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước theo hình thức chào bán ra công chúng với giá trị 500 tỷ đồng (của CTCP Glexhomes) và 1 đợt phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế của CTCP Bất động sản BIM (Bimland) trị giá 200 triệu USD.
Đứng đầu danh sách các nhóm ngành phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, ngành ngân hàng có giá trị trái phiếu phát hành cao nhất với 18.485 tỷ đồng. Lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai với tổng giá trị phát hành là 4.950 tỷ đồng.
Tính chung cả 2 tháng đầu quý 2/2021, các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 33.674 tỷ đồng, trong đó 5.574 tỷ đồng được dành cho mục đích tăng vốn cấp 2. Trái phiếu của các NHTM chủ yếu được phát hành ở kỳ hạn 2 - 3 năm và có mức lãi suất thấp 3,7 - 4,2%/năm, thậm chí thấp hơn cả lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn ở mức 5,8 - 6,5%.
Riêng trong tháng 5, VPBank đã phát hành thành công 8.900 tỷ đồng qua 15 đợt chào bán. Hay như TPBank trong tháng 5 đã thông báo 6 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng, lãi suất từ 3,8 - 4,1%/năm. ACB có 3 đợt phát hành trái phiếu trị giá 5.000 tỷ đồng. VIB cũng huy động được 4.000 tỷ đồng qua 3 đợt phát hành trái phiếu.
Đáng chú ý, trong số 28.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 5, lượng trái phiếu được phát hành không có tài sản đảm bảo chiếm phần lớn tới 76% (chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng và các công ty chứng khoán).
Trong khi đó, nhóm ngành được cho là rủi ro như bất động sản và xây dựng, chỉ 26% trái phiếu được phát hành là không có tài sản đảm bảo hoặc được bảo đảm bằng cổ phiếu.
HĐQT Vietinbank đã thông qua phương án phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 8 - 10 năm, theo phương thức chào bán ra công chúng để tăng vốn cấp 2 trong năm nay.
Dự báo của giới chuyên gia cho rằng, nhu cầu phát hành trái phiếu của các NHTM trong nửa cuối năm 2021 sẽ vẫn tăng cao, đặc biệt là trái phiếu tăng vốn nhằm giúp các ngân hàng bổ sung cho vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn và cải thiện hệ số an toàn vốn CAR.