Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 9/10 đến 7/11 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Trước khi thực hiện giao dịch, ông Sơn sở hữu hơn 6,69 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 0,225% vốn điều lệ. Nếu bán thành công 2 triệu cổ phiếu như đăng ký, số cổ phiếu ông Sơn nắm giữ sẽ giảm xuống còn 4,49 triệu cổ phiếu, tương đương 0,157% vốn điều lệ.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/10, cổ phiếu VIB giảm 1,2% so với phiên trước đó, dừng ở mức 19.550 đồng/cổ phiếu, tính từ đầu năm đến nay, giá VIB đã tăng hơn 17%. Tạm tính theo mức giá hiện tại, ông Sơn sẽ thu về khoảng 39,1 tỷ đồng từ việc bán 2 triệu cổ phiếu VIB.
Một diễn biến khác là việc Commonwealth Bank of Australia (CBA) - một trong những cổ đông ngoại lớn nhất của VIB, đã quyết định thoái vốn. Vào phiên giao dịch ngày 24/9, khối ngoại đã bán hơn 148 triệu cổ phiếu VIB qua phương thức thỏa thuận với tổng giá trị đạt 2.664 tỷ đồng. Số cổ phiếu này tương đương 4,97% vốn cổ phần của VIB.
Khối lượng giao dịch trong phiên cũng tăng đột biến, đạt hơn 19 triệu cổ phiếu, giá trị 354 tỷ đồng, gấp 7,8 lần so với mức trung bình 10 phiên gần nhất, đánh dấu mức thanh khoản cao nhất trong hơn 5 tháng qua. Cổ phiếu VIB trong phiên này đã tăng 3,24%, chốt tại 19.100 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch ngày 24/9, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua vào tổng giá trị 1.611 tỷ đồng, trong khi các tổ chức trong nước mua vào 261 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm tự doanh từ các công ty chứng khoán cũng tham gia mạnh mẽ với tổng giá trị mua đạt 792 tỷ đồng.
Liên quan đến sở hữu nước ngoài, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/6/2024, VIB đã thông qua việc giảm "room" cho nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống 4,99%.
Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán KBSV, tín dụng của VIB đã hồi phục tích cực trong quý 2/2024 với mức tăng trưởng 4,6% so với cuối năm 2023, sau khi trải qua quý 1 kém tích cực. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.103 tỷ đồng trong quý 2 và lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 4.605 tỷ đồng, thấp hơn kỳ vọng.
KBSV đã điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của VIB cho năm 2024 xuống mức 15%, do một số phân khúc cho vay cần thêm thời gian để hồi phục. Mặc dù chuyển dịch cơ cấu tín dụng có thể giúp cân bằng mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn, KBSV dự báo NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng sẽ giảm tạm thời. Dự kiến, NIM của VIB cho năm 2024 sẽ ở mức 4,09% và năm 2025 là 4,22%.
Sau khi điều chỉnh một số chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận, KBSV đã hạ dự phóng P/B (giá trên sổ sách) của VIB xuống mức 1,4x cho năm 2024 và đặt giá mục tiêu mới cho cổ phiếu VIB ở mức 25.500 đồng/cổ phiếu, đồng thời đưa ra khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu này.