Từ khi tôi mang bầu, vợ chồng tôi đã lên kế hoạch nhờ người lên giúp lúc tôi sinh con. Theo đó, mẹ đẻ tôi sẽ lên tháng đầu tiên, còn sau đó, tôi nhờ một bà thím họ xa, khỏe mạnh, yêu trẻ, khéo léo lên ở cùng chúng tôi cho tới khi cháu cứng cáp, đi lớp được. Thế nhưng mới đây, mẹ chồng tôi lại nói, khi tôi sinh, bà sẽ “bao tiêu” trọn gói luôn, trông cháu hẳn 2 năm đầu, chồng tôi là con trưởng, “con đầu cháu sớm” ông bà mong đợi đứa cháu này lắm. Điều khiến tôi băn khoăn là mẹ chồng tôi già yếu rồi, sợ không đảm bảo sức khỏe, an toàn khi trông cháu. Hơn nữa, nếu bà ở quê lên lại kèm theo cả ông, mà ông thì khó tính, ăn uống phải kỹ càng, khắt khe. Tôi rất muốn từ chối nhưng ngại. Còn nói với chồng thì vừa mới ngỏ ý, anh đã mừng rỡ khi biết có bố mẹ lên ở cùng. Tôi không biết nên làm thế nào.
Nguyễn Mộng Hoa (Hà Nội)
ảnh minh họa-internet
Mộng Hoa thân, tuổi già cần được nghỉ ngơi, chăm lo về sức khỏe, sống với những thú vui mà có thể lúc trẻ không có thời gian và điều kiện để thực hiện. Thế nhưng, nhiều người vì thương con, quý cháu mà không ngại vất vả, khó nhọc đảm nhận việc trông trẻ, kể cả phải lặn lội “bỏ nhà bỏ cửa” xa gia đình cũng vẫn đi. Chính vì thế, thay vì nghĩ ngợi, băn khoăn với những trở ngại, bất tiện mà việc bố mẹ chồng lên ở với vợ chồng bạn khi trông cháu, chị hãy trân trọng tấm lòng, tình cảm của ông bà. Có thể tuổi già khiến “mắt mờ chân chậm”, mọi việc không được nhanh nhẹn như người trẻ khỏe, nhưng sự cẩn thận, những kinh nghiệm sống, đặc biệt là tình cảm đối với cháu lại là những ưu điểm mà nhiều người giúp việc không có được. Hơn nữa, Tri Giao tin, mẹ chồng bạn cũng đã lượng được sức của mình khi quyết định như vậy. Bạn hãy coi như đây là một cơ hội để các thành viên trong gia đình kết nối, gắn bó với nhau, và khiến chồng bạn vui, hạnh phúc cũng là một cách bạn “ghi điểm” trong mắt chồng.
Tri Giao