Em Đỗ Nam Khánh, cựu học sinh lớp 12D5, Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) vừa nhận tin vui đặc biệt: trúng tuyển 6 trường đại học bằng phương thức xét tuyển sớm và tuyển thẳng. Trong đó có Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học công nghệ TP Hồ Chí Minh…
Với một học sinh bình thường, đây đã là một niềm vui lớn. Nhưng với Đỗ Nam Khánh, niềm vui này càng đặc biệt. Bởi em là một học trò khiếm thị. Để có được kết quả này, là một hành trình với những nỗ lực phi thường của em cùng trái tim yêu thương biết bao người.
|
Đỗ Nam Khánh, cựu học sinh lớp 12D5, Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) đã trúng tuyển 6 trường đại học với nghị lực phi thường. Ảnh: NVCC. |
Cú sốc lớn tưởng như sụp đổ
Đỗ Nam Khánh (sinh năm 2006) phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh. Vừa ra đời, em đã có số phận kém may mắn hơn các bạn đồng trang lứa khi đôi mắt – được ví như tài sản lớn nhất của một con người thì em lại không có được. Bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, thị lực kém, Khánh chỉ có thể nhìn được mờ mờ.
Mẹ của Khánh - chị Nguyễn Thị Thanh Tình cũng là người khiếm thị. Bệnh mắt của hai mẹ con là di chứng chất độc da cam từ ông ngoại, Khánh là thế hệ thứ 3 chịu ảnh hưởng căn bệnh này.
|
Đỗ Nam Khánh và mẹ. Ảnh: Báo Hà Tĩnh. |
Thương Khánh, gia đình đã đưa em đi nhiều bệnh viện chạy chữa, nhưng không có kết quả. Điều đáng buồn, mắt Khánh cứ kém dần đi. Đến khi Khánh học lớp 6, thì mắt mất hẳn thị lực, chỉ còn phân biệt được giữa ngày và đêm.
“Trước đó, thị lực của em đã không tốt, nhưng vẫn đủ để cho em di chuyển và tới trường. Khi đọc sách, em dùng một cái đèn tích điện, cúi thật gần sách vở thì vẫn nhìn thấy chữ. Thế nhưng, giữa thế giới còn ánh sáng, dù chỉ thấy mờ mờ, với thế giới hầu như chỉ còn đêm đen là hoàn toàn khác. Đây thực sự là một cú sốc lớn với em, em vô cùng tự ti, mặc cảm, thấy mình vô dụng, không làm được việc gì”, Đỗ Nam Khánh tâm sự.
|
Người bà tần tảo, yêu thương cháu hết lòng của nam sinh khiếm thị Đỗ Nam Khánh. |
Chị Nguyễn Thị Thanh cho hay, Khánh ban đầu rất buồn. Con cứ nhốt mình trong phòng, không giao tiếp với ai, không dám bước đi. Cả nhà buồn và thương con vô cùng, tiếp tục đưa con đi chạy chữa hết các bệnh viện lớn nhỏ, nhưng thị lực của Khánh không thể cải thiện. Sau đó, được gia đình và Hội Người mù TP Hà Tĩnh động viên, Khánh đã tham gia Hội.
Từ đây, Khánh được học chữ nổi Braille. Em cũng đã sử dụng được máy tính, điện thoại, phần mềm dành cho người khiếm thị. Đọc sách, báo, Khánh được biết thêm về những hoàn cảnh giống mình. Đặc biệt, tại Hội Người mù, Khánh được gặp gỡ, trò chuyện với những người cùng cảnh ngộ. Tận mắt thấy nghị lực từ họ, Khánh dần vơi đi nỗi buồn, cởi bỏ mặc cảm.
Vượt qua bóng tối với nghị lực và tình yêu thương
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, Đỗ Nam Khánh cho hay, điều may mắn, là em có một niềm đam mê mãnh liệt với học tập, đây cũng chính là nguồn ánh sáng đã giúp em từng bước vượt qua bóng tối. Sau thời gian bi quan, chán nản, Khánh khao khát vượt lên số phận, mơ ước trở thành một người truyền cảm hứng, có thể cống hiến cho cộng đồng.
“Em cảm thấy xung quanh có quá nhiều người yêu thương mình cho nên em cố gắng để không phụ lòng mọi người. Chính ước mơ và tình yêu thương của mọi người đã trở thành động lực khiến em tự tin, lạc quan hơn, cố gắng nhiều hơn để hoàn thiện bản thân mình”, Khánh chia sẻ.
|
Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Kim Bồng và cậu học trò khiến cô tự hào Đỗ Nam Khánh. Ảnh: NVCC. |
Con đường đến trường của Khánh luôn có mẹ đi cùng, thì giờ đây còn có thêm rất nhiều người yêu thương, chia sẻ. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Bồng (giáo viên chủ nhiệm cả 3 năm em học THPT) cũng hỗ trợ đưa – đón em tới trường. Các bạn cùng lớp giúp em chép bài, đọc bài, động viên em, sẵn sàng giúp đỡ mọi hoạt động khi em cần. Các thầy cô khi giảng bài luôn hỏi em, thầy cô giảng vậy em có kịp theo không, có vướng mắc gì không... Điều đó làm em rất xúc động.
Đặc biệt, là bà ngoại, tối nào, bà cũng đọc bài trong sách giáo khoa cho Khánh nghe để Khánh ôn lại, củng cố kiến thức. Khánh đã học bài bằng đôi mắt của bà ròng rã suốt bao năm.
|
Tập thể lớp 12D5 của Đỗ Nam Khánh - những người bạn luôn đồng hành, động viên, giúp đỡ Khánh hết lòng. Ảnh: NVCC. |
Để thích ứng với hoàn cảnh mới, ở trên lớp, Khánh cố gắng chăm chú nghe thầy cô giảng bài, hiểu bài ngay tại lớp. Về nhà, em tìm các bài giảng của các thầy cô nghe lại. Rồi đọc tài liệu, sách bằng phần mềm dành cho người khiếm thị.
Sự nỗ lực của Khánh đã đem đến những trái ngọt. Trong ba năm học tại trường THPT Phan Đình Phùng, Khánh luôn đạt học lực giỏi. Khánh giành giải thưởng tại một số cuộc thi do mạng lưới khiếm thị Việt Nam tổ chức. Năm 2023, em là một trong 10 học sinh được Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh tuyên dương vì nỗ lực vượt khó, là người nhỏ tuổi nhất trong 21 cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Em cũng đã được kết nạp Đảng vào năm lớp 12.
Không chỉ học kiến thức, Khánh còn học biểu diễn nhạc cụ phương Tây, chuyên ngành Piano - Organ, hệ Trung cấp tại trường Cao đẳng Nguyễn Du. Cuối tháng 12/2023, em tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi.
Chia sẻ về cậu học trò, cô giáo chủ nhiệm lớp 12D5 Nguyễn Thị Kim Bồng cho biết, Đỗ Nam Khánh là một học sinh rất chỉn chu, từ ý thức học bài, đến nề nếp như thời gian đến lớp, mặc đồng phục... Khi ngồi học, Khánh rất chăm chú lắng nghe, luôn có tinh thần học tập theo nhóm. Trí nhớ của Khánh rất tốt, chỉ cần nghe 1, 2 lần đã nhớ. Khánh có giọng nói truyền cảm, ấm áp, phong thái đĩnh đạc.
Đặc biệt, điều cô ấn tượng ở Khánh là em luôn có khát khao được đi học, được đến trường. Chẳng hạn, với nhiều bạn thì thích nghỉ học, nhưng với Khánh, Khánh chỉ mong đi học. Hoàn cảnh gia đình và hoàn cảnh cá nhân đều rất khó khăn, nhiều thử thách, nhưng Khánh đã nỗ lực vượt lên, đạt kết quả tốt.
“Tôi rất tự hào về Nam Khánh. Tôi luôn nói với các em trong lớp, các em không cần học tập đâu xa, mà học từ chính bạn Nam Khánh”, cô giáo Kim Bồng chia sẻ.
Đỗ Nam Khánh cho hay, em đã chọn ngành Công tác xã hội của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Khánh muốn thực hiện ước mơ của mình, đó là trở thành người truyền cảm hứng, hỗ trợ, giúp đỡ những người có chung cảnh ngộ như mình. Nhìn lại chặng đường đã qua, Đỗ Nam Khánh cho rằng, sự lạc quan rất quan trọng. Trong những lúc bi quan, chán nản nhất, thì những suy nghĩ tích cực, nhìn mọi việc ở góc độ tích cực đã giúp Khánh vượt qua. Từ câu chuyện của mình, Khánh muốn chia sẻ với các bạn rằng: “Chúng ta hãy luôn cố gắng, dù chúng ta là ai, hoàn cảnh thế nào, gặp khó khăn gì thì hãy luôn cố gắng, tin vào bản thân, luôn tiến về phía trước”.
Mời quý độc giả xem video: Nam sinh khiếm thị Đỗ Nam Khánh (cựu học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh) chia sẻ về nghị lực sống. Nguồn: Báo Hà Tĩnh.