Suốt chục năm vi phạm hành lang đê, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng vạn người dân địa phương, thế nhưng trạm trộn bê tông Công Tới thuộc Công ty cổ phần Công Tới không bị cơ quan chức năng tỉnh Nam Định xử lý. Người dân thì ngày đêm kêu than vì tình trạng ô nhiễm môi trường do trạm trộn này gây ra.
Ô nhiễm, xả thải
Phản ánh tới phóng viên Báo KH&ĐS, một số người dân xã Xuân Tân vô cùng bức xúc: Cả chục năm nay người dân không được yên ổn vì trạm trộn bê tông Công Tới hoạt động đêm ngày ngay tại hành lang an toàn đê hữu sông Hồng.
Vào những ngày trời nắng, con đê sông Hồng đoạn qua trạm trộn này trở nên mù mịt bụi khi các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng tung hoành. Những chiếc xe tải không được che bạt, xe bồn không được vệ sinh khi ra khỏi trạm… đã khiến cho những con đường tại xã Xuân Tân và vùng lân cận trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu. Không chỉ gây ô nhiễm, dá sỏi rơi vãi còn khiến các phương tiện gặp nguy hiểm.
Người dân xã Xuân Tân (Xuân Trường - Nam Định) tố Trạm trộn bê tông Công Tới xả thải, khói bụi gây ô nhiễm. |
Theo người dân, những mảnh ruộng lúa ven con đê này bị bụi xi măng tàn phá khiến cho đất bị thoái hóa, năng suất lúa kém. Thậm chí, người dân rất ngại khi phải thăm đồng vì bụi bặm từ trạm trộn bay ra.
Một số người còn cho rằng, trạm trộn bê tông Công Tới (cơ sở 2) tại xã Xuân Tân còn không có giấy phép hoạt động, không có phê duyệt đề án đánh giá tác động môi trường, xả thải không qua xử lý xuống sông Hồng.
Ông Phan Chu Chinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Tân thừa nhận, đúng là có tình trạng ô nhiễm từ trạm trộn bê tông Công Tới, và người dân cũng có phản ánh. Tuy nhiên, do địa phương không có thiết bị quan trắc, cũng không có thẩm quyền xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm.
Dư luận cũng đặt nghi vấn về Trạm trộn bê tông Công Tới cơ sở 2 tại xã Xuân Tân không phép, không có đề án phê duyệt bảo vệ môi trường. |
Ưu ái doanh nghiệp, Nhà nước thất thu
Ông Phan Chu Chinh cho biết, trước khi doanh nghiệp Công Tới vào thuê bãi sông Hồng thì đây là vùng trồng dâu nuôi tằm. “Chúng tôi cho Công ty cổ phần Công Tới thuê trên 8000m2 đất bãi với giá 1 triệu đồng/tháng”, ông Chinh cho biết.
Thuê trên 8000m2 đất nhưng chỉ phải trả 1 triệu đồng/tháng. |
Cũng vì với mức giá rẻ bất ngờ này mà hàng chục năm qua, người dân xã Xuân Tân vô cùng bức xúc cho rằng, chính quyền địa phương quá ưu ái doanh nghiệp Công Tới, điều này làm cho Nhà nước thất thu. Một cán bộ thuộc UBND huyện Xuân Trường khi biết mức giá cho thuê siêu rẻ này, đã phải thốt lên: Với trên 8000m2 mà chỉ có giá 1 triệu đồng/tháng thì bất cứ ai cũng xin thuê dù chỉ để thả bò.
“Vì không có thiết bị quan trắc nên không thể khẳng định, nhưng nhìn mắt thường thì cũng thấy trạm trộn bê tông Công Tới gây khói bụi, ô nhiễm. Thời gian qua, trạm trộn này cũng xây dựng một số hạng mục sai phép tại hành lang đê”, Ông Phan Chu Chinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Tân.
Dư luận tại huyện Xuân Trường đặt câu hỏi, doanh nghiệp Công Tới là ai? Tại sao lại được ưu ái đến vậy? Theo tìm hiểu của phóng viên Báo KH&ĐS, Công ty cổ phàn Công Tới bắt đầu hoạt động vào ngày 2/5/2007 do ông Ngô Văn Tới là người đại diện theo pháp luật.
Nhiều sai phạm diễn ra quanh hoạt động của Trạm trộn bê tông Công Tới nhưng không bị xử lý. |
Đe dọa hành lang an toàn đê
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Tân, địa phương này có 5,8km đê sông Hồng. Mặt đê được cứng hóa bằng bê tông, tuyến kè dài 2052m đã được kết cấu bằng đá khay. Đoạn đê qua xã Xuân Tân, theo ông Chinh là vô cùng quan trọng bởi không những ngăn lũ mà còn là vị trí phòng thủ an ninh chiến lược.
Hiểu rõ tầm quan trọng của đoạn đê chiến lược, thế nhưng UBND xã Xuân Tân lại ưu ái “nhắm mắt” ký cho doanh nghiệp thuê với giá rẻ mạt. Từ khi trạm trộn bê tông được dựng lên, ngoài xả thải gây ô nhiễm thì doanh nghiệp này đang vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn đê điều.
Hành lang đê hữu sông Hồng đoạn qua huyện Xuân Trường đang bị xâm phạm nghiêm trọng. |
“Đúng là có việc vi phạm hành lang đê thoát lũ, xã cũng từng yêu cầu các công ty chấp hành nghiêm chỉnh. Có giai đoạn Công ty cổ phần Công Tới chất hàng sát đê, chúng tôi đã yêu cầu di chuyển và hạ tải. Xã, huyện cũng nhiều lần kết hợp kiểm tra, lập biên bản xử phạt. Sau đó, huyện mời doanh nghiệp này lên trụ sở UBND huyện làm việc, nên xử phạt như thế nào thì xã không rõ”, ông Chinh nói.
Ông Chinh cũng không biết Công ty cổ phần Công Tới có giấy phép hoạt động trạm trộn bê tông hay không. Khi ông Chinh nối máy cho phóng viên phỏng vấn ông Ngô Văn Tới, ông Tới tuyên bố: Anh xin giấy phép hoạt động kể cả trong khu dân cư thì họ vẫn cấp.
Phóng viên đề nghị ông Tới trả lời thẳng câu hỏi trạm trộn bê tông có phép hay không, và có đề án đánh giá tác động môi trường hay không? Ông Tới giải thích vòng vo: Ở đâu cũng thế, các cơ quan chức năng đều có những mục để “tạo điều kiện”. Còn nếu không tạo điều kiện thì anh cũng không làm được…
Nhiều công trình xây dựng trái phép cũng được dựng lên giữa hành lang an toàn đê sông Hồng tại xã Xuân Tân. |
Để có thêm thông tin, phóng viên đã lên hệ với ông Ngô Doãn Dự - Trưởng phòng TN&MT huyện Xuân Trường. Tuy nhiên, ông Dự nói phải để ông nghiên cứu rồi mới trả lời được. Còn ông Trần Thế Truyền - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Xuân Trường từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào của phóng viên với lý do “cơ chế phát ngôn không cho phép”. Tuy nhiên, ông Truyền cũng thừa nhận, các công ty ở bãi đê xã Xuân Tân thì cái có phép, cái không có phép.
Trong khi các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định “đang nghiên cứu” và không thể thông tin do “cơ chế phát ngôn” thì hàng vạn người dân không chỉ khổ sở vì ô nhiễm, mà tính mạng và tài sản còn bị đe dọa khi hành lang đê điều bị xâm phạm nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên Báo KH&ĐS, ông Đặng Ngọc Cường – Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường, cho biết sẽ cho các phòng ban kiểm tra vấn đề báo nêu. Nếu địa phương sai sẽ xử lý địa phương, nếu doanh nghiệp sai sẽ xử lý doanh nghiệp.