Nam Định: Cát tặc hoành hành “rút ruột” sông Hồng

(khoahocdoisong.vn) - Hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép dọc theo sông Hồng trên địa phận tỉnh Nam Định diễn biến rất phức tạp, đặc biệt vùng cuối nguồn qua huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Sông Hồng bị “rút ruột” đến kiệt cùng khiến cho bờ bãi hai bên sông cũng phải sụt lún.

Đêm hút cát, ngày tiêu thụ

Đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại bến phà Sa Cao thuộc xã Xuân Châu (Xuân Trường – Nam Đinh), phía bên kia sông là huyện Vũ Thư (Thái Bình). Ở bên Nam Định nhìn sang phía bên kia phà sẽ thấy một hệ thống bãi cát trải dài thường xuyên bị khai thác .

Người dân thôn Văn Môn, xã Vũ Vân của huyện Vũ Thư nói, bãi tập kết cát cạnh phà Sa Cao đã có từ rất lâu và đó chính là điểm tập kết trung chuyển của cát tặc. Các con tàu sau một đêm ra sức “rút ruột” sông Hồng sẽ đem cát về bãi tập kết này trước khi tiêu thụ.

Khi chúng tôi có mặt tại bãi bồi ven bờ sông Hồng, thấy 1 con tàu có trọng tải lớn đang hút cát giữa sông. Tuy nhiên, theo người dân địa phương thì con tàu luôn có “chim lợn” ở trên bờ. Khi thấy chính quyền địa phương hoặc những ai khả nghi là phóng viên, “chim lợn” sẽ báo cho chủ tàu ngừng hoạt động.

Một tàu hút hoạt động trên sông Hồng.

Một tàu hút hoạt động trên sông Hồng.

Khi chúng tôi giơ máy ảnh lên, một người đàn ông đội mũ cối tiến đến hỏi “chụp cái gì” và yêu cầu chúng tôi ra khỏi vị trí mà người đàn ông này cho là “phần đất bãi bồi của gia đình”. Ngay sau đó, con tàu giữa sông ngừng hoạt động, dần áp sát mạn bờ như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Trong khi đó, bãi tập kết cát gần phà Sa Cao vẫn đang hoạt động. Nhiều đoàn xe tải tấp nập chở cát đi. Theo người dân, đến chiều tối là bãi sẽ hết cát, đến sáng hôm sau lại sẽ thành một bãi cát khổng lồ.

Còn người dân sống tại xã Xuân Châu cho biết, lợi dụng việc giáp ranh giữa tỉnh Nam Định và Thái Bình nên các tàu khai thác cát trái phép thường xuyên di chuyển sang phía bãi bồi của huyện Xuân Trường để hút trộm. Khi bị người dân xua đuổi thì các tàu này di chuyển ra giữa sông hoặc neo đậu vào điểm mỏ phía tỉnh Thái Bình.

Bãi tập kết cát bên phía Thái Bình.

Bãi tập kết cát bên phía Thái Bình.

Chính quyền khuất bóng, cát tặc xuất hiện

Theo ông Nguyễn Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Xuân Châu thì, việc này đã diễn ra trong thời gian dài và gần đây có dấu hiệu gia tăng. Mỗi lần các tàu khai thác cát xuất hiện, người dân xã Xuân Châu cũng chỉ biết đứng trên bờ để xua đuổi. Khi chính quyền xuất hiện, các tàu dừng hoạt động và áp sát mạn bờ.

Tình trạng cát tặc ngang nhiên diễn ra ngay cả ban ngày và theo người dân thì vào ban đêm tình trạng này còn rầm rộ hơn rất nhiều lần. Người dân đã trình báo lên các cơ quan chức năng nhưng tình trạng không được xử lý triệt để.

Chính vì thế, nhiều hộ dân có phần đất thuê ven bãi bồi để canh tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi cát tặc hoành hành “rút ruột” sông Hồng. Trước đây, khi cát tặc còn ít thì bờ bãi không sụt lún nhiều. Còn hiện tại, do các tàu tăng công suất nên nhiều diện tích bãi bồi hoa màu, trồng chuối bị "Hà Bá" nuốt chửng.

Sông Hồng bị cát tặc “rút ruột” khiến bãi bồi sụt lở.

Sông Hồng bị cát tặc “rút ruột” khiến bãi bồi sụt lở.

Hàng ngày, các con tàu áp sát vào bãi bồi của nông dân xã Xuân Châu, Xuân Ngọc, Xuân Hồng, Xuân Thành, Xuân Tân và thị trấn Xuân Trường đang canh tác để hút trộm cát từ sáng sớm đến chiều tối, cứ tàu nọ ra lại đến các tàu khác vào.

Nghiêm trọng nhất là tình trạng khai thác cát tại xã Xuân Châu khiến cả nhân dân lẫn chính quyền đều bức xúc. “Khai thác cát trái phép trên sông Hồng và sông Ninh Cơ tại địa phận xã Xuân Châu thời gian gần đây đang rất nóng. Cái khó của chính quyền là không biết thời điểm nào các tàu sẽ khai thác. Khi chúng tôi rình bắt thì các tàu lại nằm im, hoặc hoạt động ở phía bên tỉnh Thái Bình”, ông Khánh nói.

Từ khi có phản ánh của nhân dân, UBND xã Xuân Châu cũng như các xã khác của huyện Xuân Trường cũng đã trực tiếp cùng người dân ra hiện trường và tìm biện pháp xử lý. Tuy nhiên, địa phương không có đủ điều kiện và phương tiện để ngăn chặn tình trạng cát tặc.

Tàu hút vào tận bài bồi phía xã Xuân Châu (Xuân Trường – Nam Định).

Tàu hút vào tận bài bồi phía xã Xuân Châu (Xuân Trường – Nam Định).

Lập đoàn liên ngành chặn cát tặc

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Châu, nếu tình trạng cát tặc lộng hành như hiện nay, chẳng mấy chốc bãi bồi của xã Xuân Châu sẽ bị sạt lở hết. UBND xã cũng đã báo cáo lên UBND huyện và Công an huyện Xuân Trường để tìm biện pháp xử lý.

Sau đó, UBND huyện Xuân Trường đã đã thành lập đoàn liên ngành để ngăn chặn tình trạng cát tặc trên địa bàn. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tình trạng cũng không khá hơn. Khi ra quân, các tàu nằm im không hoạt động, đợi khi tình hình lắng xuống, cát tặc lại tiếp tục hoành hành.

Cứ khi có lực lượng chức năng, các tàu hút sẽ ngừng hoạt động.

Cứ khi có lực lượng chức năng, các tàu hút sẽ ngừng hoạt động.

Vấn nạn này tại Nam Định đã có từ lâu. Vào tháng 5 năm ngoái, tổ công tác thuộc Cục CSGT và Cục Cảnh sát Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Nam Định đã kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 4 tàu hút đang khai thác cát trên sông Hồng, thuộc địa phận giáp ranh giữa thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh - Nam Định) và xã Hồng Phong (Vũ Thư - Thái Bình).

Tiến hành kiểm tra tại chỗ 4 phương tiện trên, các lái tàu đều không xuất trình được những giấy tờ liên quan đến việc cấp phép bơm hút cát, nguồn gốc hàng hóa theo quy định. Tổng khối lượng cát các đối tượng khai thác lên tới gần 1.000m3.

Cơ quan chức năng cho biết, 2 phương tiện mang mang biển kiểm soát tỉnh Nam Định (NĐ 3194 và NĐ 3222), 2 phương tiện còn lại đều không có biển kiểm soát. Trên mỗi phương tiện đều được các đối tượng trang bị từ 2 đến 4 máy hút cát công suất lớn với mục đích nhanh chóng hút đầy cát và bỏ chạy khi bị lực lượng chức năng phát hiện.

“Bản thân tôi cũng 3 lần ra hiện trường kiểm tra thì cả 3 lần các tàu khai thác cát đều di chuyển ra giữa sông. Chờ lực lượng của xã và người dân đi về thì các tàu lại tiếp tục tiến vào bãi bồi hút trộm. Điều này gây ra khó khăn rất lớn cho phía chính quyền địa phương trong công tác ngăn chặn”, ông Nguyễn Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Xuân Châu.

Theo Đời sống
back to top